Đề xuất Chính phủ cho phép thanh toán trái phiếu doanh nghiệp bằng tài sản khác

17/02/2023, 13:55
báo nói -

TCDN - Đây là một trong những điểm mới của dự thảo "Nghị định sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số quy định tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và quốc tế” Bộ Tài chính đang trình Chính phủ.

Thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác

Theo Bộ Tài chính, khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay gồm khối lượng phát hành trái phiếu mới sụt giảm, cầu đầu tư trái phiếu, đặc biệt từ nhà đầu tư cá nhân sụt giảm kể từ sau các vụ việc xử lý Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát; khối lượng mua lại trước hạn tăng và có hiện tượng nhà đầu tư bán lại trái phiếu.

Bên cạnh đó, khối lượng trái phiếu đến hạn trong thời gian tới lớn, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn về dòng tiền để cân đối nguồn lực thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn, cùng với đó doanh nghiệp vẫn có nhu cầu huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Lý giải về nguyên nhân của tình hình trên, Bộ Tài chính cho rằng sai phạm của một số doanh nghiệp và thông tin không chính thống gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và niềm tin của nhà đầu tư; thanh khoản của cả nền kinh tế và doanh nghiệp gặp khó khăn; lãi suất tăng dẫn đến xu hướng dịch chuyển dòng vốn từ thị trường chứng khoán sang kênh ngân hàng, nhà đầu tư bán lại trái phiếu doanh nghiệp để chuyển sang gửi tiền tiết kiệm ngân hàng với lãi suất cao.

Một số nội dung quan trọng đáng chú ý được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi trong nghị định này đó là cho phép doanh nghiệp được thanh toán gốc lãi trái phiếu bằng tài sản khác.

Theo Bộ Tài chính, cơ sở của quy định này là Điều 286 Bộ luật Dân sự năm 2015 và quy định pháp luật liên quan đã cho phép doanh nghiệp có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác.

"Thời gian qua, một số doanh nghiệp, đặc biệt thuộc nhóm bất động sản gặp khó khăn thanh toán nghĩa vụ nợ đáo hạn năm 2023, có doanh nghiệp đã đàm phán thanh toán gốc trái phiếu bằng cổ phần, có doanh nghiệp đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng sản phẩm bất động sản", Bộ Tài chính thông tin.

Do đó, để doanh nghiệp phát hành có cơ sở thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác của chính doanh nghiệp phát hành hoặc bên thứ ba trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp khó khăn cân đối dòng tiền để thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định trường hợp doanh nghiệp không thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tiền thì có thể đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán bằng tài sản khác theo 3 nguyên tắc.

Thứ nhất, phải tuân thủ quy định của pháp luật dân sự, pháp luật chuyên nghành và pháp luật có liên quan.

Nguyên tắc thứ hai phải được chủ sở hữu trái phiếu chấp thuận.

Nguyên tắc thứ ba, doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định pháp luật.

Kéo dài kỳ hạn trái phiếu tới 2 năm

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng cho phép doanh nghiệp phát hành được đàm phán để kéo dài kỳ hạn trái phiếu. Cụ thể, cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây còn dư nợ thì được đàm phán để thay đổi kỳ hạn của trái phiếu, thời gian tối đa là 2 năm. Bổ sung quy định trường hợp đàm phán thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu trong đó có cả kỳ hạn trái phiếu mà có nhà đầu tư không chấp thuận thì doanh nghiệp phải thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu cho các nhà đầu tư này.

Giải thích lý do của đề xuất này, Bộ Tài chính cho hay, trong bối cảnh thị trường tài chính, tiền tệ gặp khó khăn về thanh khoản, doanh nghiệp khó huy động vốn từ phát hành trái phiếu, cổ phiếu, trong khi áp lực trả nợ đối với trái phiếu đáo hạn năm 2023 - 2024 ở mức cao. Đề xuât trên để hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cơ cấu lại các khoản nợ.

Bộ Tài chính cho rằng quy định tại dự thảo phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới bao gồm thực hiện quyết liệt các giải pháp ổn định, tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp thông qua các biện pháp linh hoạt, phù hợp với quy định pháp luật như cơ cấu lại kỳ hạn, lãi suất, đa dạng hóa các công cụ thanh toán, thanh toán trước hạn…

Ngưng thi hành các quy định tới hết năm 2023

Tại dự thảo này, Bộ Tài chính cũng đề xuất ngưng hiệu lực thi hành đối với các quy định tại Nghị định số 65 đến hết ngày 31/12/2023.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong bối cảnh khó khăn thanh khoản như hiện nay, việc ngưng thời gian thực hiện quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đến hết 31/12/2023 theo ý kiến của một số doanh nghiệp có thể duy trì được nhu cầu mua trái phiếu doanh nghiệp của các nhà đầu tư cá nhân có tiềm lực tài chính nhưng chưa tích lũy được thời gian 180 ngày để đáp ứng quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo Nghị định 65/2022/NĐ-CP.

Trong quá trình lấy ý kiến, Bộ Tài chính trình Chính phủ lấy ý kiến thành viên Chính phủ theo 2 phương án, gồm cả phương án hoãn một năm như dự thảo và phương án tiếp tục thực hiện theo Nghị định 65 về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Trên cơ sở các bộ, ngành, Bộ Tài chính trình Chính phủ nghiêng về phương án 1, nhằm giúp doanh nghiệp khó khăn trước mắt về thanh khoản và thanh toán các trái phiếu đến hạn năm 2023-2024.

Tuy nhiên, "nhược điểm của phương án này là có thể sẽ có một số lượng nhà đầu tư tiếp tục mua trái phiếu doanh nghiệp vì ham lãi suất cao mà không đánh giá đầy đủ rủi ro của trái phiếu", Bộ Tài chính lưu ý. Do đó, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh thông tin, cảnh báo nhà đầu tư; đồng thời, tăng cường quản lý giám sát. Hiệu quả giải pháp này phụ thuộc phần lớn ý thức nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân.

Với xếp hạng tín nhiệm, theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong khi thực hiện xếp hạng tín nhiệm phải mất một khoảng thời gian nhất định và tăng thêm chi phí phát hành của doanh nghiệp.

Ngoài ra, trên thị trường hiện nay mới có 2 doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm được cấp phép. Do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép ngưng thực hiện quy định về bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đến hết ngày 31/12/2023; từ ngày 1/1/2024 sẽ thực hiện quy định này.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp chào bán ra công chúng vẫn thực hiện theo lộ trình tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, phải xếp hạng tín nhiệm từ ngày 1/1/2023.

Ngoài ra, việc hoãn quy định về giảm thời gian phân phối trái phiếu mỗi đợt từ 90 ngày xuống 30 ngày cũng với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp có thêm thời gian cân đối, huy động các nguồn lực để thanh toán nghĩa vụ trả nợ.

Linh Giang
Bạn đang đọc bài viết Đề xuất Chính phủ cho phép thanh toán trái phiếu doanh nghiệp bằng tài sản khác tại chuyên mục Chứng khoán của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan