Công ty Kinh doanh và Phát triển Bình Dương không đủ tiền thanh toán lãi trái phiếu
TCDN - Mặc dù đến hạn phải thanh toán lãi trái phiếu mệnh giá 700 tỷ đồng, tuy nhiên Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương xin dời ngày thanh toán ước tính trễ 1 tháng so với thời gian quy định do tình hình kinh doanh kém khả quan.
Xin lùi lịch thanh toán lãi trái phiếu
Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (mã TDC - sàn HoSE) vừa công bố báo cáo định kỳ tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn.
Theo đó, Công ty Kinh doanh và Phát triển Bình Dương cho biết, từ ngày 15/2/2023 đến ngày 22/2/2023, Công ty sẽ phải thanh toán tổng lãi 23,82 tỷ đồng lô trái phiếu mệnh giá 700 tỷ đồng, trái phiếu có mã TDC.Bond.2020.700, phát hành ngày 9/11/2020 và đáo hạn ngày 15/11/2025.
Tuy nhiên, Công ty chỉ thanh toán được 7 tỷ đồng lãi trái phiếu, còn 16,82 tỷ đồng lãi trái phiếu chưa thanh toán được, lý do được đưa ra do tình hình thị trường kinh doanh bất động sản thời gian qua rất chậm đã ảnh hưởng tới dòng tiền sản xuất kinh doanh của Công ty.
Công ty Kinh doanh và Phát triển Bình Dương cũng cho biết dự kiến sẽ thanh toán trước ngày 23/3/2023 số lãi còn lại và tiền phạt lãi chậm tính đến ngày thanh toán, ước tính trễ 1 tháng so với thời gian quy định.
Được biét, lô trái phiếu này có giá trị 700 tỷ đồng, lãi suất 10,5%/năm cho 4 kỳ tính lãi đầu tiên; lãi suất 11%/năm cho kỳ lãi từ 5 đến 8; và sau đó là lãi suất theo biên độ nhưng không thấp hơn 11,5%/năm và đơn vị lưu ký lô trái phiếu là Công ty Cổ phần Chứng khoán Navibank.
Trong đó, tài sản đảm bảo là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất CY375724 thuộc sở hữu của Công ty.
Trong quý 4/2022, Công ty Kinh doanh và Phát triển Bình Dương ghi nhận doanh thu đạt 183,24 tỷ đồng, giảm 78% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 104,39 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 87,03 tỷ đồng, tức giảm 191,42 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 39,2% về còn 16%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 91% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 296,72 tỷ đồng về 29,4 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng nhẹ 0,3% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 0,14 tỷ đồng lên 55,27 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 11,8% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 6,5 tỷ đồng về 48,73 tỷ đồng; lợi nhuận khác ghi nhận lỗ 21,05 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 92,01 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Công ty cho biết doanh thu giảm chủ yếu do doanh thu bất động sản giảm 99% và doanh thu xây dựng giảm 71% trong quý cuối năm 2022.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/2, cổ phiếu TDC tăng 220 đồng lên 9.750 đồng/cổ phiếu.
Hàng loạt doanh nghiệp lùi thời hạn thanh toán trái phiếu
Liên quan đến việc thanh toán lãi, gốc trái phiếu, gần đây nhiều doanh nghiệp cũng đã phải ra thông báo về việc chậm, xin hoãn thanh toán gốc và lãi trái phiếu cho trái chủ. Cụ thể:
Tháng 1/2023, Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Incons thông bố về việc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu HTNBH2122002 đáo hạn vào ngày 31/12/2022. Lô trái phiếu này có giá trị phát hành 300 tỷ đồng, Công ty mới thanh toán được tiền lãi và 90 tỷ đồng tiền gốc, hiện vẫn còn nợ nhà đầu tư 210 tỷ đồng nợ gốc. Công ty này đang xin nhà đầu tư trả một nửa tiền gốc đầu tháng 3/2023 và nửa còn lại cuối tháng 3.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) cũng đã có văn bản xin lùi thời gian trả nợ trái phiếu mã 30122017-01, phát hành ngày 30/12/2017 và đáo hạn vào ngày 30/12/2022 (kỳ hạn 5 năm), tổng huy động 134 tỷ đồng. Theo văn bản công bố, DLG còn phải thanh toán tiền gốc hơn 117 tỷ đồng, lãi hơn 64 tỷ đồng, tổng cộng hơn 181 tỷ đồng.Công ty cho biết đang đàm phán và thỏa thuận với trái chủ để gia hạn, kéo dài thời gian trả nợ gốc và lãi theo quy định của pháp luật.
Hồi đầu tháng 2/2023, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang - Angimex (AGM) cũng tổ chức Hội nghị chủ sở hữu trái phiếu để xin ý kiến trái chủ về kế hoạch xử lý hai gói trái phiếu với hai mã AGMH2123001 và AGMH2223001. Trong đó, lô trái phiếu AGMH2123001 được phát hành vào ngày 9/11/2021 với tổng giá trị là 350 tỷ đồng và lô trái phiếu AGMH2223001 được phát hành vào ngày 14/3/2022 với tổng giá trị 300 tỷ đồng. Ước tính, AGM phải tìm kiếm nguồn tiền trả gốc và lãi của hai lô trái phiếu hơn 600 tỷ đồng.
Ngoài ra còn một số doanh nghiệp khác cũng đề nghị trái chủ được hoãn, giãn nợ.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán VCBS, trong 1,19 triệu tỷ đồng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp ở thời điểm tháng 1/2023, khối lượng dư nợ lớn nhất thuộc về ngành bất động sản (37%) và ngân hàng (32%).
Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023 ước tính 250.000 tỷ đồng, suy giảm đáng kể so với thời điểm quý 3/2022 do việc chủ động mua lại trước hạn. Trong đó, đáng chú ý, giá trị mua lại ngành ngân hàng và bất động sản trong quý 4/2022 lần lượt đạt 35 nghìn tỷ đồng và 24 nghìn tỷ đồng.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899