Hôm nay, Thủ tướng chủ trì Hội nghị về thị trường bất động sản
TCDN - Sáng nay (17/2), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.
Đây là Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đề ra các giải pháp giúp thị trường bất động sản vượt qua cảnh khó khăn hiện nay.
Theo công điện của Văn phòng Chính phủ, thành phần dự họp, ngoài một số bộ, ngành liên quan còn có Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, Hiệp hội Bất động sản… và các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản: Tập đoàn Vingroup; Novaland, Hưng Thịnh Land, GP.Invest, Becamex IDC Bình Dương…
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp. Tổ công tác đã làm việc tại một số địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học và hiệp hội về tình hình thị trường bất động sản, qua đó đã nắm bắt các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của các địa phương, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Chỉ thị, các Công điện chỉ đạo về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết trong năm 2022, các doanh nghiệp bất động sản phản ánh rất khó khăn trong tiếp cận, vay vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng, đặc biệt là giai đoạn nửa cuối năm 2022, ngay cả đối với trường hợp có tài sản đảm bảo do các ngân hàng hết hạn mức cho vay, đồng thời với sự kiểm soát chặt chẽ hơn nguồn vốn tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.
Cùng với đó, các tổ chức, cá nhân là khách hàng mua bất động sản không được giải ngân cho vay, thậm chí trước đó đã ký hợp đồng thoả thuận cho vay của ngân hàng dẫn đến các doanh nghiệp không bán được sản phẩm để thu hồi vốn và tái đầu tư.
Bên cạnh đó, việc triển khai nhà ở còn gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội còn chồng chéo, chưa thống nhất với các luật liên quan; các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư chưa hấp dẫn, không thu hút; tình trạng căn hộ cho thuê trong nhiều dự án còn để không, lãng phí; việc xác định đối tượng và điều kiện thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội còn nhiều bất cập.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối năm 2022 đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 24,27% so với cuối năm 2021 là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất và chiếm tỷ trọng lớn 21,2% tổng dư nợ đối với nền kinh tế, cao nhất trong 5 năm qua.
Trong đó chủ yếu tập trung vào nhu cầu tiêu dùng, tự sử dụng: Kinh doanh bất động sản tăng 11,5% chiếm tỷ trọng 31,28%; dư nợ tín dụng tiêu dùng/tự sử dụng tăng 31,1% chiếm tỷ trọng 68,72%. Theo phân khúc dư nợ cho nhu cầu nhà ở chiếm 62,19%, quyền sử dụng đất chiếm 20,66%, khu công nghiệp và khu chế xuất 2,67%, nhà ở xã hội 0,71%, khác là 13,77%.
Tại kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), HoREA dự báo năm 2023 là năm “sống - còn” đối với các doanh nghiệp bất động sản nếu không được hỗ trợ giải quyết “nút thắt” về dòng tiền để đảm bảo tính thanh khoản. Trước hết là các doanh nghiệp bất động sản mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng để vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn.
Hiện nay, bên cạnh khó khăn lớn nhất là “vướng mắc pháp lý” chiếm 70% khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản thì khó khăn tiếp theo là vấn đề trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đến hạnvà các khoản vay tín dụng đến hạn kéo theo rủi ro chuyển thành “nợ xấu” hoặc “nhảy nhóm nợ xấu hơn”.
Theo Tổng Cục Thống kê, số doanh nghiệp bất động sản giải thể trong năm 2022 gần 1.200 doanh nghiệp tăng 38,7% so với năm 2021. Trong khi đó, bất động sản là một trong “21 ngành kinh tế cấp 1” quan trọng nhất của của nước ta (với tổng số 1.571 ngành kinh tế từ cấp 1 đến cấp 5). Thị trường bất động sản gặp khó khăn sẽ tác động bất lợi dây chuyền lan sang nhiều lĩnh vực kinh tế và cả vấn đề đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho người yếu thế trong xã hội.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phải quyết liệt tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, thay đổi phương án kinh doanh, phải dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án, dừng IPO. Các doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, chuyển nhượng bớt dự án nhưng vẫn không tìm được nhà đầu tư. Nhiều đơn vị phải cắt giảm nhân lực, thậm chí có đơn vị giảm đến 50% số lao động, giảm lương từ 30-50%, lương tháng lương 13 cũng không có, không có thưởng Tết Quý Mão…
Nhiều doanh nghiệp bất động sản tuy có tổng tài sản giá trị lớn và đã thực hiện nhiều biện pháp giảm giá, tăng chiết khấu đến 45-50% nhưng vẫn rất khó bán được hàng vì hầu như không có người mua. Do đó, doanh nghiệp thiếu tiền mặt, âm dòng tiền, bị thiếu thanh khoản nghiêm trọng có thể dẫn đến tình trạng “chết trên đống tài sản”.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899