Đề xuất giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2024: Thúc đẩy tiêu dùng, nuôi dưỡng nguồn thu

27/11/2023, 13:54
báo nói -

TCDN - Ngày 20/11, Chính phủ đã trình Quốc hội đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) từ ngày 1/1 đến 30/6/2024. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đề xuất kéo dài thời hạn giảm thuế hết năm 2024 và mở rộng đến tất cả nhóm hàng hóa, dịch vụ.

Đề xuất giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2024

Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chính sách giảm 2% VAT theo Nghị quyết 43 và Nghị quyết 101 đã được thực hiện ổn định trong năm 2022, 2023; dự kiến thu ngân sách năm 2024 còn nhiều khó khăn, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế VAT như nội dung quy định tại hai Nghị quyết nói trên, thời gian áp dụng từ ngày 1/1 đến 30/6/2024.

Theo đó, tất cả những hàng hóa dịch vụ đang chịu thuế VAT 10% sẽ được giảm xuống mức 8% trong thời gian nói trên; trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đề xuất kéo dài thời hạn giảm thuế hết năm 2024 và mở rộng đến tất cả nhóm hàng hóa, dịch vụ. (Ảnh minh họa)

Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đề xuất kéo dài thời hạn giảm thuế hết năm 2024 và mở rộng đến tất cả nhóm hàng hóa, dịch vụ. (Ảnh minh họa)

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự kiến việc áp dụng chính sách này sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 25.000 tỷ đồng (trung bình 4.175 tỷ đồng/tháng).

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đề xuất kéo dài thời hạn giảm VAT 2% đến hết năm 2024 và mở rộng đến tất cả nhóm hàng hóa, dịch vụ do kinh tế tài chính quốc tế và trong nước năm 2024 sẽ còn bất định kéo dài, diễn biến khó lường, doanh nghiệp trong nước gặp rất nhiều khó khăn cần được trợ lực. Việc giảm thuế VAT cho cả năm 2024 để tạo nền tảng vững chắc hơn cho phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng bởi cả hai lần áp dụng giảm VAT trong năm 2022 và 2023 đều chưa đủ dài hơi cho nên tác động khuyến khích, hỗ trợ tiêu dùng còn hạn chế.

Ông Nguyễn Hải Nam, ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng theo dự báo nền kinh tế 2024 sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức nên đề xuất giảm 2% thuế VAT là phù hợp. Việc giảm dự kiến chỉ kéo dài đến hết tháng 6/2024 là quá ngắn, chưa thấy rõ tác động nên đề nghị xem xét kéo dài thời gian giảm đến hết năm 2024, đồng thời mở rộng các nhóm mặt hàng được giảm thuế.

"Thực tế việc giảm 2% thuế VAT thời gian qua có nhóm hàng được, nhóm hàng không được dẫn đến bộ phận kế toán, cán bộ thuế gặp nhiều khó khăn, tốn thời gian để xử lý. Do vậy nên xem xét mở rộng tất cả các mặt hàng đều được giảm", ông Nam nêu.

Thúc đẩy tiêu dùng, nuôi dưỡng nguồn thu

Ông Phạm Văn Thịnh - Ủy viên Ủy ban Kinh tế, chia sẻ: Trong bối cảnh các chỉ số liên quan đến cân đối vĩ mô, nợ công, thâm hụt ngân sách đều trong ngưỡng an toàn thì việc thúc đẩy tiêu dùng trong nước sẽ tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng 2024.

Ông Thịnh nhấn mạnh việc giảm 2% thuế VAT được áp dụng trong vài năm qua đã cho thấy rõ tác dụng kích thích, tăng tiêu dùng trong nước, giảm chi phí cho doanh nghiệp, từ đó giúp hỗ trợ phần nào tăng trưởng. Đây cũng là chính sách liên quan đến thuế, tài khóa giúp giảm giá thành, chi phí cho doanh nghiệp và kích thích tiêu dùng. Việc giúp cho người dân có điều kiện trang trải chi phí để mua hàng hóa nhờ thuế giảm đã giúp cho tổng cầu nền kinh tế đỡ bị suy giảm, qua đó hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh cho rằng, đề xuất kéo dài việc giảm thuế VAT phải đợi đánh giá tổng kết, xem quá trình triển khai như thế nào, tích cực và hạn chế ra sao. Chính phủ sẽ phải báo cáo tại kỳ họp Quốc hội cuối năm xem có cần thiết phải kéo dài không.

"Thị trường nội địa là yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng nên theo ý kiến cá nhân của tôi thì chính sách này có thể kéo dài để kích cầu", ông Thanh nêu quan điểm.

Ông Trần Hoàng Ngân - Đại biểu Quốc hội Tp.HCM chia sẻ: Ban đầu có thể nghĩ giảm thuế sẽ giảm nguồn thu ngân sách nhưng thực tế đã chứng minh khi Chính phủ trình Quốc hội giảm các loại thuế, phí và gia hạn tiền thuê đất thì tổng thu ngân sách vẫn tăng.

Điều này giống như nuôi dưỡng nguồn thu, hỗ trợ lại cho người dân, doanh nghiệp thì sẽ giúp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như tiêu thụ hàng hóa được thuận lợi hơn thì kinh tế tiếp tục phát triển và nguồn thu ngân sách vẫn tiếp tục tăng. Thực tế còn nhiều dư địa để thực hiện tiếp các chính sách giảm thuế, phí để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Thực phẩm Tp.HCM hoan nghênh chính sách giảm thuế VAT 2% sang hết năm 2024 là hợp lý vì tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn. Năm 2023, nhờ chính sách giảm thuế mới giúp nhiều doanh nghiệp ổn định được sản xuất, kinh doanh như hiện nay. Giảm thuế VAT 2% vừa giúp doanh nghiệp tiết giảm được một phần chi phí sản xuất, giảm thuế tạo điều kiện giúp doanh nghiệp giảm được giá thành sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng từ đó kích cầu mua sắm góp phần tăng doanh thu bán hàng. Tuy nhiên, cần sớm triển khai áp dụng chính sách này để doanh nghiệp tính toán việc bán hàng dịp Tết và Chính phủ nên áp dụng kéo dài giảm thuế đến hết 2024 để kích cấu tiêu dùng trong bối cảnh dự báo nền kinh tế tiếp tục còn khó khăn.

Ông Huỳnh Trần Phi Long (Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bình Dương) chia sẻ, hiện tình hình chung còn khó khăn nên không chỉ nên kéo dài thời gian giảm thuế tới hết năm 2024 mà còn cần làm sao để chính sách giảm thuế VAT có thể đi ngay vào cuộc sống. Ngoài chính sách hỗ trợ về thuế VAT, các chính sách khác giúp doanh nghiệp phục hồi cũng cần thực hiện nhanh.

Ông Nguyễn Duy Thanh, Đại biểu quốc hội đoàn Cà Mau cho rằng, năm 2024 cần cân nhắc áp dụng chung một mức giảm thuế VAT cho tất cả các hàng hóa, dịch vụ vì các doanh nghiệp hiện tại đều rất khó khăn. Ngoài ra, việc phân biệt đối tượng giảm thuế làm ảnh hưởng các quan hệ kinh tế, tạo ra sự bất bình đẳng trên thị trường, gây khó khăn cho công tác hạch toán. Những doanh nghiệp đa ngành nghề rất vất vả khi bóc tách mặt hàng nào được giảm thuế, mặt hàng nào không được giảm, có những mặt hàng khó xếp vào loại nào, tạo sự phức tạp cho quản lý doanh nghiệp.

PV
Bạn đang đọc bài viết Đề xuất giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2024: Thúc đẩy tiêu dùng, nuôi dưỡng nguồn thu tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan