Đề xuất kéo dài thời gian gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất đến hết năm 2020
TCDN - Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ cho phép mở rộng đối tượng và thời hạn thực hiện chính sách gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất để tiếp tục gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần hồi phục nền kinh tế.
Bộ Tài chính vừa có Tờ trình Báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất và đề xuất điều chỉnh thời gian, bổ sung đối tượng gia hạn.
Theo Tờ trình, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung đối tượng được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất đối với tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực: Hoạt động xuất bản; hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; hoạt động phát thanh, truyền hình; lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính; hoạt động dịch vụ thông tin.
Theo đó, các khoản thu được gia hạn gồm: Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất như quy định tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP.
Cụ thể, gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế giá trị gia tăng phát sinh phải nộp của kỳ tính thuế tháng 10, tháng 11/2020 (đối với trường hợp kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng) và kỳ tính thuế quý III/2020 (đối với trường hợp kê khai thuế giá trị gia tăng theo quý).
Gia hạn nộp thuế đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của quý 3 năm 2020 của doanh nghiệp, tổ chức là người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp được gia hạn tại Khoản này chậm nhất là ngày 30/12/2020.
Gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ thứ hai năm 2020 của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng quy định tại điểm 2.1 nêu trên đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm. Thời gian gia hạn là 2 tháng kể từ ngày 31/10/2020 và thời hạn nộp tiền thuê đất được gia hạn tại Khoản này chậm nhất là ngày 30/12/2020.
Nếu Chính phủ thông qua chủ trương trên, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ cho phép ban hành Nghị định gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Bộ Tài chính cho biết, tổng hợp gia hạn thời hạn nộp thuế đối với 3 sắc thuế, khoản thu nêu trên thì dự kiến tổng số thuế được gia hạn khoảng 36.000 tỷ đồng.
Trong Tờ trình, Bộ Tài chính cho biết có ý kiến đề nghị kéo dài hơn nữa thời gian gia hạn sang năm 2021. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính xử lý theo phương án này sẽ làm ảnh hưởng đến dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2020 đã được Quốc hội phê duyệt. Vì vậy vượt thẩm quyền của Chính phủ và phải báo cáo Quốc hội.
Tính đến ngày 22/9/2020, cơ quan thuế đã tiếp nhận 184.887 giấy đề nghị gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất. Trong đó: có 128.619 doanh nghiệp có giấy đề nghị, chiếm khoảng 30% số doanh nghiệp. Số giấy đề nghị gia hạn của hộ, cá nhân kinh doanh là 56.268 giấy đề nghị, chiếm khoảng 53% số hộ, cá nhân kinh doanh.
Tổng hợp số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn theo báo cáo của các cục thuế đến ngày 22/9/2020, số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn là 66.713 tỷ đồng. Trong đó: số thuế giá trị gia tăng được gia hạn là 31.929 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp được gia hạn là 30.563 tỷ đồng; tiền thuê đất được gia hạn là 3.393 tỷ đồng; thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân của hộ và cá nhân kinh doanh được gia hạn là 827,8 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho biết, số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn thấp hơn dự kiến chủ yếu là do hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất, dẫn đến không có nguồn thu và không có lợi nhuận nên nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp) giảm hơn so với năm trước (số liệu dự kiến khi xây dựng chính sách khoảng 180.000 tỷ đồng).
email: [email protected], hotline: 086 508 6899