Phát triển hệ thống an sinh xã hội: Đảm bảo sinh kế cho người cao tuổi
TCDN - Tạo sinh kế, nâng cao thu nhập đối với người cao tuổi góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, tăng độ bao phủ của hệ thống an sinh xã hội. Tuy nhiên, các vấn đề như: Quan niệm về việc làm đối với người cao tuổi; Trình độ người cao tuổi; Sự suy giảm về sức khỏe... là rào cản lớn.
Vừa qua, Cục Bảo trợ xã hội – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức “Diễn đàn Sinh kế và khởi nghiệp đối với người cao tuổi”. Diễn đàn nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cơ quan truyền thông về vai trò của người cao tuổi.
Trên 40% người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế
Theo số liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Việt Nam hiện có gần 13 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 13,6% tổng dân số, trong đó số người trên 65 tuổi trở lên là hơn 8,4 triệu người (chiếm tỷ lệ 8,9%); số người trên 80 tuổi trở lên xấp xỉ 2 triệu người (chiếm 17,6% tổng số người cao tuổi); có 3,1 triệu người đang hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội; hơn 1,6 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp hàng tháng; khoảng 1,4 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp người có công.
Tuổi thọ trung bình của người cao tuổi Việt Nam tăng từ 68,6 tuổi (năm 1999) lên 73,2 tuổi (năm 2014) và dự báo sẽ tăng lên tới 78 tuổi (năm 2030) và 80,4 tuổi vào năm 2050; đến năm 2050, người cao tuổi sẽ tăng lên khoảng 27 triệu người, chiếm 1/4 tổng dân số cả nước.
Báo cáo chính sách quốc gia toàn diện thích ứng với già hóa dân số và kết quả tham vấn năm 2020 của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), kết quả nghiên cứu về thực trạng tham gia hoạt động kinh tế của người cao tuổi từ tháng 6 đến tháng 8/2020 tại ba địa phương tại TP Hồ Chí Minh, Nghệ An và Hải Dương cho thấy, 40-45% người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế. Trong số những người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế có khoảng 3-4% là chủ các doanh nghiệp, các trang trại trồng trọt, chăn nuôi... đã và đang tạo ra hàng triệu chỗ làm việc cho người lao động ở khắp vùng miền trong cả nước. Bên cạnh đó, có hàng chục nghìn người cao tuổi tham gia hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giảng dạy, hoạt động văn hóa, nghệ thuật...
Bà Trương Thị Ly, Khoa Công tác xã hội, trường Đại học Công Đoàn cho rằng, đảm bảo sinh kế cho người cao tuổi đang là một vấn đề xã hội dành được nhiều sự quan tâm của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tạo sinh kế, nâng cao thu nhập bền vững đối với người cao tuổi góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống và chất lượng sống cho người cao tuổi hiện nay.
Tuy nhiên, tìm kiếm việc làm mang lại thu nhập là điều không hề đơn giản đối với người cao tuổi. Người cao tuổi đang gặp phải rất nhiều những rào cản trong quá trình tìm kiếm việc làm, đảm bảo sinh kế và nâng cao thu nhập như: Quan niệm về việc làm đối với người cao tuổi; Số lượng người cao tuổi ngày càng tăng nhanh; Trình độ người cao tuổi có nhiều hạn chế; Sự suy giảm về sức khỏe và gia tăng bệnh tật; Già hóa người cao tuổi...
Theo bà Trương Thị Ly, để tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người cao tuổi cần tập trung một số giải pháp như: thiết lập các trung tâm giới thiệu việc làm cho lao động cao tuổi để họ tiếp cận và nhận được sự hỗ trợ tìm việc làm; Đảm bảo môi trường làm việc thuận lợi và bình đẳng cho người cao tuổi; Tạo thuận lợi cho người cao tuổi tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ kinh doanh; Thực hiện lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu bắt buộc đối với cả nam và nữ; Phát triển hệ thống chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi, đảm bảo cho người cao tuổi được tiếp cận với các dịch vụ về sức khoẻ, bảo vệ sức khỏe từ đó tạo nền tảng vững chắc để người cao tuổi có thể tiếp tục lao động, đảm bảo sinh kế và nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình…
Cần chính sách ưu tiên, khác biệt
TS. Nguyễn Hải Hữu - Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam nhận định, không phải tất cả người cao tuổi đều cần chính sách hỗ trợ về sinh kế, nhất là những người cao tuổi làm chủ doanh nghiệp, có nguồn thu nhập cao, ổn định. Nhưng đối với nhóm người cao tuổi còn khả năng tham gia hoạt động kinh tế, cần có thu nhập để bảo đảm cuộc sống và thực hiện quyền sống độc lập, như người cao tuổi thu nhập thấp, người cao tuổi thuộc diện nghèo sống độc lập, người cao tuổi cư trú ở các xã đặc biệt khó khăn…
Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về sinh kế cụ thể cho người cao tuổi và cần có sự ưu tiên, khác biệt giữa chính sách hỗ trợ về sinh kế đối với người cao tuổi với chính sách hỗ trợ sinh kế đối với người dân có độ tuổi thấp hơn độ tuổi của người cao tuổi. Chính sách hỗ trợ sinh kế cho người cao tuổi ở vùng đặc biệt khó khăn khác với chính sách hỗ trợ sinh kế cho người cao tuổi ở vùng đồng bằng và thành thị. Cụ thể như: vốn vay lãi suất ưu đãi, không phải thế chấp tài sản, có sự bảo lãnh của Hội người cao tuổi để sản xuất kinh doanh quy mô vừa và nhỏ; Miễn giảm phí học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp; Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩn; Ưu tiên trong giao đất sản xuất nông nghiệp ở những địa điểm thuận lợi, dễ tiếp cận…
TS Nguyễn Hải Hữu nhấn mạnh, chính sách hỗ trợ sinh kế là tiền đề quan trọng giúp người cao tuổi tự bảo đảm thu nhập, giảm thiểu mức độ phụ thuộc vào sự giúp đỡ của con cháu. Nhà nước cần có định hướng và lộ trình xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ kinh tế cho người cao tuổi phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước và tình hình thực tế của người cao tuổi.
Các chuyên gia cho rằng, cần thực hiện tốt công tác truyền thông, giáo dục để mọi người dân nhận thức được già hóa dân số vừa là kết quả của phát triển kinh tế - xã hội; Tuyên truyền về các chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; Khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội.
Cục Bảo trợ Xã hội, các đối tác có liên quan cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí trong việc đẩy mạnh truyền thông về phát huy vai trò của người cao tuổi; về công tác chăm sóc và thực hiện các chính sách đối với người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số.
Các cơ quan báo chí cần đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền. Đối tượng truyền thông cần đa dạng, từ các nhà lãnh đạo hoạch định chính sách, cơ quan quản lý đến chính những người cao tuổi. Bên cạnh đó, cần tập trung tuyên truyền về các giải pháp phát huy vai trò và lợi thế của người cao tuổi, qua đó tăng cơ hội việc làm cho người cao tuổi theo nhu cầu thị trường lao động...
Đồng thời, cần chú trọng tập huấn, đào tạo đội ngũ phóng viên chuyên về xã hội có kiến thức và kỹ năng cơ bản, nhất là đội ngũ bình luận và phân tích chuyên sâu về người cao tuổi để có thể nâng cao chất lượng các tác phẩm truyên truyền về lĩnh vực người cao tuổi Tập trung xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện thông tin, báo, đài để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về nghề người cao tuổi trong bối cảnh thích ứng với già hóa dân số. Chú trọng khai thác, phát triển những tiện ích, lợi thế của công nghệ thông tin, truyền thông trên mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác.
Chuyên mục có sự phối hợp của Cục Bảo trợ xã hội
email: [email protected], hotline: 086 508 6899