Đề xuất tăng thuế xuất khẩu khoáng sản lên 20 - 30%
TCDN - Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế xuất khẩu một số nhóm hàng đá có mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% lên 20%; mức 10%, 15% 17%, 20% lên 30% là mức sát với mức trần của Khung thuế xuất khẩu.
Trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020, Bộ Tài chính đề xuất thêm hai nội dung mới đó là: Sửa đổi thuế suất thuế xuất khẩu và mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với một số mặt hàng để bảo vệ, thúc đẩy khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo trong nước, hạn chế việc xuất khẩu tài nguyên thô, chưa qua chế biến và góp phần đơn giản biểu thuế; và sửa đổi thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu một số nhóm mặt hàng nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, khắc phục các bất cập phát sinh trên thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phát triển.
Qua rà soát mức thuế suất thuế xuất khẩu và mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với các mặt hàng khoáng sản hiện nay, Bộ Tài chính thấy có một số mặt hàng là tài nguyên khoáng sản như đá, chì, clanhke đang có thuế xuất khẩu thấp hơn nhiều so với mức trần khung thuế xuất khẩu cho phép của Quốc hội. Đồng thời, trong thời gian qua, việc khai thác, xuất khẩu các mặt hàng tài nguyên khoáng diễn biến phức tạp. Nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng tăng nhanh, tiềm ần nguy cơ lãng phí tài nguyên quốc gia, ô nhiễm môi trường.
Do đó, để góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên trong nước và để triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 38/CT-TTg và định hướng xác định trong Quyết định số 1266/QĐ-TTg nêu trên, cùng với việc thực hiện các biện pháp khác có liên quan đến quản lý việc cấp phép, khai thác tài nguyên, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế xuất khẩu một số nhóm hàng đá có mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% lên 20%; mức 10%, 15% 17%, 20% lên 30% là mức sát với mức trần của Khung thuế xuất khẩu; điều chỉnh thuế xuất khẩu mặt hàng clanke từ 5% lên 10%.
Tuy nhiên, do việc tăng thuế xuất khẩu mặt hàng đá có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong các lĩnh vực này nên Bộ Tài chính dự kiến việc tăng thuế sẽ được thực hiện theo lộ trình 2 năm để doanh nghiệp có được sự chủ động trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, để tránh gian lận do việc chuyển từ mã số hàng hóa có thuế suất cao sang mã số có thuế suất thấp hơn, hạn chế vướng mắc khi thực hiện, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên, khoáng sản, Bộ Tài chính cũng dự kiến trình Chính phủ điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng đá và sản phẩm làm từ đá (từ 5% lên 15%) để ngang bằng thuế suất với các nhóm hàng cùng chủng loại hoặc tương đồng (đây là những mặt hàng có thuế xuất khẩu thấp hơn so với mức trần khung thuế xuất khẩu hiện hành).
Mặt hàng đá, Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ thống nhất mức thuế suất thuế xuất khẩu đối nhóm chì theo hướng tăng thuế suất thuế xuất khẩu của chì từ 5% lên bằng với chì dạng thỏi là 15%.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cơ quan Hải quan trong việc thực hiện, giảm chi phí tuân thủ, Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh hệ thống thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu MFN một số nhóm hàng hóa tương đồng về bản chất nhưng có mức thuế suất khác nhau. Đồng thời, trình Chính phủ xem xét điều chỉnh mức thuế suất, thuế nhập khẩu MFN của một số nhóm mặt hàng để phù hợp với bối cảnh hiện nay, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh phát triển, khắc phục kịp thời các bất cập trên cơ sở gắn với các nguyên tắc về ban hành biểu thuế, thuế suất quy định tại Điều 10 của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Những mặt hàng được Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh thuế trong dự thảo là vàng, bột thạch anh mịn, hạt giống cây trồng, giảm 10% đối với mặt hàng lốp xe tải đặc chủng, không điều chỉnh thuế suất của xe nâng và gỗ dán để hỗ trợ các doanh nghiệp trong thời điểm dịch Covid...
Cụ thể, đối với mặt hàng vàng, trong quá trình thực hiện thời gian vừa qua, theo báo cáo của cơ quan Hải quan, tiêu chuẩn giữa các mặt hàng có thuế suất 0% và 2% rất khó phân biệt nên việc tính thuế đều căn cứ theo khai báo của doanh nghiệp, cơ quan hải quan không có đủ cơ sở để kiểm tra. Các công ty thực hiện giám định chất lượng vàng trước khi xuất khẩu đều thể hiện hàm lượng vàng dưới 95%, các chứng từ giám định lại của đối tác nước ngoài đều dưới 95%.
Để khắc phục những vướng mắc trên, Bộ Tài chính đề xuất thống nhất chung 1 mức thuế suất đối với mặt hàng vàng, không phân biệt theo hàm lượng vàng như hiện nay (tăng thuế xuất khẩu các mặt hàng vàng có hàm lượng vàng dưới 95% từ 0% lên 2%) và gộp dòng theo tên gọi mặt hàng theo đúng Danh mục thuế quan hài hòa ASEAN (AHTN) mà Việt Nam đã ký kết, không chia cụ thể theo hàm lượng vàng để đơn giản hóa Biểu thuế (nội dung cụ thể tại nhóm 71.13 và 71.14 kèm theo dự thảo Nghị định).
Đối với mặt hàng bột thạch anh mịn, để thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, gia tăng giá trị của sản phẩm xuất khẩu cũng như để đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc về ban hành biểu thuế, thuế suất, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung dòng sản phẩm bột oxit silic mịn có kích thước hạt từ 500 µm (micromet) trở xuống, hàm lượng SiO2 ≥ 99,3%; Fe2O3 ≤ 0,01%, độ ẩm ≤ 5% với mức thuế suất thuế xuất khẩu là 10% tương tự như mức thuế suất đang áp dụng đối với mã hàng 2505.10.00.10 (đang quy định tại Nghị định 57/2020/NĐ-CP).
Đối với mặt hàng hạt giống cây trồng, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN 0% đối với các mặt hàng hạt giống dùng để gieo trồng thuộc nhóm 12.07 và tách nhóm mặt hàng quả và hạt có dầu khác thuộc nhóm 12.07 dùng để gieo trồng vào Chương 98 với mức thuế suất thuế nhập khẩu 0% nhằm thống nhất chung mức thuế suất đối với các mặt hàng hạt, quả và mầm, dùng để gieo trồng thuộc nhóm 12.09 đang có thuế suất 0%.
Đối với các loại hạt, rau để làm giống thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và theo quy định của Luật trồng trọt năm 2018 và Nghị định số 94/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật trồng trọt về giống cây trồng và canh tác thì xuất và nhập khẩu giống cây trồng là hoạt động bắt buộc phải được cấp phép. Do đó, trường hợp chi tiết riêng mặt hàng để làm giống theo đề xuất nêu trên thì khi doanh nghiệp nhập khẩu phải có Giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành nên cơ quan hải quan có thể căn cứ vào Giấy phép để phân loại và tính thuế. Nội dung này được thể hiện tại Chương 98 của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
Đối với mặt hàng lốp xe tải đặc chủng, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN mặt hàng này từ 20% xuống 10% (mã số 4011.80.29) để thống nhất với nhóm lốp xe ô tô khách, ô tô chở hàng có chiều rộng trên 450mm, đồng thời góp phần giảm chi phí đầu vào cho ngành khai khoáng vốn đang gặp khó khăn như hiện nay.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899