Đề xuất thêm cơ chế ưu đãi phát triển dầu khí
TCDN - Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đề xuất nghiên cứu để bổ sung vào dự thảo Luật Dầu khí các hình thức, cơ chế ưu đãi khác (ngoài ưu đãi thuế và mức thu hồi chi phí), mở rộng phạm vi áp dụng chính sách ưu đãi đối với các hợp đồng đã được ký kết...
Sáng 3/8, tại Tp.HCM, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Luật Dầu khí (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Luật Dầu khí cần được sửa đổi toàn diện, không chỉ về nội dung chính sách phù hợp với bối cảnh, tình hình mới, mà còn về kỹ thuật luật pháp mới, bảo đảm các yêu cầu như tăng cường tính minh bạch, hướng tới phát triển bền vững ngành dầu khí, đặc biệt trong điều kiện lợi thế cạnh tranh của nhiên liệu hóa thạch đang bị suy giảm theo thời gian.
Thực hiện cải cách theo hướng hiệu lực, hiệu quả, phân cấp, phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành có liên quan, trong đó, phát huy vai trò của Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dầu khí, quy định cụ thể chức năng và cơ chế giám sát, kiểm tra của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đối với việc sử dụng vốn nhà nước tại PVN và các đơn vị thành viên.
Đặc biệt, cần làm rõ vai trò của PVN với tư cách là nhà thầu độc lập ký kết hợp đồng khí và với tư cách thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ.
Xử lý, tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc trong quy định của pháp luật về dầu khí, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, có cơ chế, chính sách đặc thù cho ngành dầu khí và quy định cụ thể trong Luật Dầu khí để thống nhất áp dụng, hướng tới thực hiện thành công các mục tiêu, định hướng theo Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.
Tại Hội thảo, Lãnh đạo PVN cho rằng dự luật quy định Bộ Công thương là đầu mối xử lý các vấn đề liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí, nhưng trong quá trình thực hiện có thể phát sinh một số vấn đề gây vướng mắc, bất cập nếu chưa quy định cụ thể về việc giao nộp tài liệu, mẫu vật và báo cáo kết quả điều tra cơ bản chỉ giao nộp về Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Việc PVN không được quản lý các tài liệu, mẫu vật và kết quả điều tra cơ bản sẽ dẫn đến khó khăn trong việc sử dụng kết quả điều tra này và không thuận lợi để phục vụ công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư, nghiên cứu đánh giá chuyên sâu.
Bên cạnh đó, PVN đề xuất về hợp đồng dầu khí; lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí; sử dụng thông tin, dữ liệu, tài liệu, mẫu vật, công trình dầu khí và tài sản khác đã được lắp đặt, đầu tư ở hợp đồng dầu khí đã hết hạn; về việc tiếp nhận mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí từ nhà thầu khi hợp đồng dầu khí hết thời hạn; thực hiện thu dọn công trình dầu khí; ưu đãi trong hoạt động dầu khí; công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán đối với hoạt động dầu khí; xử lý các chi phí của PVN...
Liên quan đến việc PVN thực hiện các nghĩa vụ tài chính từ doanh thu của việc bán sản phẩm dầu, khí lãi của nước chủ nhà tại hợp đồng dầu khí trước khi xác định lãi được chia cho nước chủ nhà nộp ngân sách nhà nước, lãnh đạo PVN đề nghị cho phép PVN căn cứ vào phần thu của nước chủ nhà đối với toàn bộ các hợp đồng dầu khí để thanh toán chi phí, nghĩa vụ với vai trò là đại diện nước chủ nhà hoặc với vai trò, chi phí giám sát hợp đồng dầu khí, chi phí duy trì hợp đồng dầu khí... (không xử lý riêng cho từng hợp đồng) để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong việc quản lý toàn bộ các hợp đồng dầu khí.
Ngoài ra, PVN đề xuất nghiên cứu để bổ sung vào dự thảo Luật Dầu khí các hình thức, cơ chế ưu đãi khác (ngoài ưu đãi thuế và mức thu hồi chi phí), mở rộng phạm vi áp dụng chính sách ưu đãi đối với các hợp đồng đã được ký kết và đang thực hiện phát hiện có quy mô nhỏ, hiệu quả cận biên, nhằm tận thu tài nguyên và tiết kiệm thời gian...
Hội thảo cũng đã ghi nhận các ý kiến đóng góp từ các vị ĐBQH, các chuyên gia và đơn vị thành viên của PVN xoay quanh một số nội dung nổi cộm của dự thảo Luật như: đối tượng, chính sách ưu đãi, chính sách khai thác tận thu dầu khí. Đề xuất hợp đồng dầu khí mới trước khi hợp đồng dầu khí hết thời hạn và tiếp nhận mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí từ nhà thầu khi hợp đồng dầu khí hết thời hạn. Dự án phát triển mỏ dầu khí trên đất liền, dự án phát triển dầu khí có hạng mục công trình, thiết bị dầu khí trên đất liền.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã yêu cầu Ủy ban Kinh tế, Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn hiện dự thảo Luật, dự thảo báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật và báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật bảo đảm tiến độ, chất lượng, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 14 (tháng 8/2022) để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).
email: [email protected], hotline: 086 508 6899