Dính nhiều “lùm xùm”, Tập đoàn An Gia vẫn báo lãi lớn

21/10/2019, 13:07

TCDN - Phải chăng việc chuyển tên gọi từ officetel sang smartel chỉ là một chiêu “ve sầu thoát xác” của An Gia Investment nhằm qua mặt cơ quan chức năng và tung hoả mù để bán căn hộ cho khách hàng?

Câu hỏi đặt ra, phải chăng doanh nghiệp nào muốn lãi cao thì cứ dính nhiều phốt? Nhiều khách hàng An Gia vẫn đang ngán ngẫm “đi tìm công lý” cho mình.

Câu hỏi đặt ra, phải chăng doanh nghiệp nào muốn lãi cao thì cứ dính nhiều phốt? Nhiều khách hàng An Gia vẫn đang ngán ngẫm “đi tìm công lý” cho mình.

Mặc dù dính nhiều “lùm xùm” với khách hàng tại các dự án mà An Gia đã và đang triển khai nhưng đột nhiên tập đoàn này báo lãi lớn trước thềm gửi hồ sơ đăng ký niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE).

An Gia Investment – Doanh nghiệp đầy “tai tiếng”

Nói thêm về An Gia Investment, công ty này được thành lập năm 2008, chuyên cung cấp dịch vụ bất động sản.

Ngày 26/07/2015 trở thành cột mốc đáng nhớ đối với An Gia, khi công ty này ký kết hợp đồng hợp tác toàn diện trị giá 200 triệu USD với quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản) sau gần 1 năm tìm hiểu và làm việc.

Với nguồn tiền này, An Gia rất tự tin vào các thương vụ M&A, sau này chính là chiến lược phát triển xuyên suốt của công ty.

Ngoài đầu tư vốn, Creed Group còn chuyển giao công nghệ phát triển dự án của Nhật Bản cho An Gia. Tuy nhiên, với sự hợp tác này không biết An Gia tiếp nhận công nghệ phát triển dự án đến đâu, khi mà gần như dự án nào của An Gia Investment cũng đều dính tai tiếng.

Vào năm 2015, An Gia đánh dấu tên tuổi bằng dự án đầu tay The Garden (295 Tân Kỳ Tân Quý, quận Tân Phú, Tp.HCM) được tố là “lừa đảo” khách hàng.

Dự án này, được An Gia quảng cáo với đầy đủ tiện ích, nhưng khi đến nhận nhà khách hàng lại vỡ mộng khi tiện ích tại The Garden bị An Gia biến thành căn hộ văn phòng để bán, dù trong thiết kế không có phần officetel.

Một dự án khác là The Star (An Gia Star) nằm trên QL1A, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, Tp.HCM cũng xảy ra tình trạng tương tự, khi nhiều cư dân bức xúc việc An Gia quảng cáo về căn hộ biệt lập, nhưng cuối cùng lại phải sử dụng chung tiện ích với các dự án kế bên.

Mới đây nhất, công ty này còn “sáng tạo” ra loại hình căn hộ “smartel” để lôi kéo khách hàng.

Sau khi bị báo chí lên tiếng, một số khách hàng đã đóng tiền vào dự án này kéo lên trụ sở công ty An Gia để tìm hiểu thông tin chính xác. Tuy nhiên công ty An Gia không giải thích được về khái niệm Smartel nên các khách hàng này đã yêu cầu An Gia thanh lý hợp đồng và trả lại tiền.

Càng “dính phốt”, doanh nghiệp càng lãi cao?

Theo thông tin PV Tài chính Doanh nghiệp mới nhận được thì CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (An Gia Investment) vừa gửi hồ sơ đăng ký niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE).

Theo đó, với vốn điều lệ 750 tỷ đồng, An Gia Investment đăng ký niêm yết toàn bộ 75 triệu cổ phiếu trên HoSE. 

Việc đăng ký niêm yết cổ phiếu được An Gia thực hiện theo quyết định được công ty đưa ra hồi tháng 7/2019. Theo đó, công ty sẽ niêm yết cổ phiếu trên HoSE trước khi kết thúc quý I/2020.

Để chuẩn bị cho việc lên sàn, mới đây, Tập đoàn An Gia triệu tập ĐHĐCĐ bất thường thông qua một số nội dung quan trọng. Trong đó có việc bầu thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024 gồm 5 thành viên: ông Nguyễn Bá Sáng (Chủ tịch), ông Nguyễn Trung Tín, ông Yamaguchi Masakazu, ông Vũ Quang Thịnh và ông Đỗ Lê Hùng. Một số cổ đông tổ chức đang nắm giữ cổ phần tại An Gia là Creed Group (Nhật Bản) với tỷ lệ sở hữu gần 30%. 

Theo báo cáo về kết quả kinh doanh, năm 2018, An Gia ghi nhận doanh thu thuần 1.125 tỷ đồng, tăng 14%; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt gần 292 tỷ đồng, gấp 5,5 lần năm trước. 8 tháng đầu năm 2019, An Gia bán được hơn 1.100 sản phẩm với doanh số đạt hơn 2.300 tỷ đồng.

Câu hỏi đặt ra, phải chăng doanh nghiệp nào muốn lãi cao thì cứ dính nhiều phốt? Nhiều khách hàng An Gia vẫn đang ngán ngẫm “đi tìm công lý” cho mình.

Đơn cử như hiện nay, nhiều khách hàng đã liên hệ tập đoàn này để lấy lại tiền vì lỡ tin vào ý tưởng “sáng tạo” ra loại hình căn hộ “smartel” tại dự án The Signial.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án Smartel The Signial trên thực tế là một phần trong dự án khu dân cư phức hợp Lacasa. Vào ngày 12/3/2017, An Gia Investment và Creed Group công bố đã hoàn tất việc mua lại 7 block thuộc dự án Khu dân cư phức hợp Lacasa từ tay Công ty Vạn Phát Hưng.

Theo quy hoạch 1/500 của Khu dân cư này được UBND Tp.HCM phê duyệt tại quyết định số 152/QĐ-UBND ngày 25/12/2015 thì dự án Smartel The Signial chính là phần officetel Khu phức hợp Lacasa. 

Thế nhưng, điều gì đã khiến phần officetel được phê duyệt, bỗng dưng được An Gia “hô biến” trở thành căn hộ smartel? Như vậy, phải chăng việc chuyển tên gọi từ officetel sang smartel chỉ là một chiêu “ve sầu thoát xác” của An Gia Investment nhằm qua mặt cơ quan chức năng và tung hoả mù để bán căn hộ cho khách hàng? 

Liên quan đến căn hộ smartel, chúng tôi sẽ thông tin trong bài tiếp theo.

Thái Minh – Đức Quang
Bạn đang đọc bài viết Dính nhiều “lùm xùm”, Tập đoàn An Gia vẫn báo lãi lớn tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan