Đoàn 50 doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư
TCDN - Từ ngày 21-23/3, phái đoàn gồm 50 doanh nghiệp Mỹ gồm những ông lớn như: SpaceX, Boeing, Netflix....đến thăm và tìm cơ hội hợp tác kinh doanh tại Việt Nam.
Từ ngày 21 đến ngày 23/3, phái đoàn 50 doanh nghiệp Mỹ gồm các công ty quốc phòng, dược phẩm, công nghệ, bán dẫn, tài chính, năng lượng, giải trí… làm việc tại Việt Nam để thảo luận về các cơ hội đầu tư và hợp tác kinh doanh theo chương trình của Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) tổ chức tại Hà Nội.
Dẫn đầu Đoàn Doanh nghiệp Mỹ là Nguyên Đại sứ Ted Osius, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) và Nguyên Đại sứ Michael Michalak, Phó Chủ tịch Cấp cao kiêm Giám đốc Điều hành khu vực USABC.
Dự kiến Đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ gặp Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và một số bộ trưởng Tài chính, Y tế, Công an…
Thành phần đoàn gồm các công ty hoạt động trong 13 lĩnh vực kinh doanh quan trọng và có tốc độ tăng trưởng cao như y tế, công nghệ, năng lượng, tài chính ngân hàng, chuỗi cung ứng, an ninh quốc phòng…
Trong đó, có những tên tuổi lớn như Boeing, SpaceX, Netflix, Pfizer, Abbott, Citibank, Meta, Amazon… hay các công ty đã hoạt động kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam như Coca-Cola, PepsiCo, Apple… Theo hãng thông tấn Reuters đánh giá, đây là phái đoàn kinh doanh của Mỹ "lớn nhất từ trước đến nay" đến Việt Nam để bàn chuyện làm ăn. Những dấu hiệu này cho thấy sự quan tâm ngày một tăng đối với trung tâm sản xuất toàn cầu vốn đang được hưởng lợi từ sự dịch chuyển khỏi Trung Quốc trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung.
Phần lớn các công ty tham gia phái đoàn lần này đều có hoạt động kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam. Dù chưa đầu tư trực tiếp nhưng có 11 nhà máy của các những nhà cung ứng thiết bị cho Apple đã đến Việt Nam trong chuỗi cung ứng. Điều này đã và đang đặt ra kỳ vọng Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới trong các lĩnh vực điện tử, công nghệ cao.
Theo JP Morgan, Việt Nam sẽ đóng góp 20% tổng sản lượng iPad và Apple Watch, khoảng 5% MacBook và 65% AirPods vào năm 2025. Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất linh kiện và dịch vụ sản xuất điện tử đối với các sản phẩm có khối lượng nhỏ (Apple Watch, Mac, iPad) và đang trở thành trung tâm sản xuất AirPods chính.
Hay với Boeing, dù chưa đặt trụ sở tại Việt Nam nhưng trong thực tế, các nhà sản xuất linh kiện máy bay tại Việt Nam đến từ Mỹ, cung ứng cho Hãng Boeing đã vào Việt Nam từ lâu. Tại Hưng Yên đã có nhà xưởng chuyên sản xuất thiết bị cửa chốt cho nhà làm vỏ động cơ máy bay, sẽ được chuyển đến Mỹ để hoàn thiện chiếc máy bay thương mại từ cách đây 13 năm.
Nhiều năm qua, Việt Nam cũng là địa điểm được nhiều tập đoàn lớn của Mỹ như Intel, Coca-Cola, PepsiCo, Citi Group, General Electric (GE)... lựa chọn đầu tư và liên tục mở rộng hoạt động. Đơn cử, Tập đoàn Intel, nhà sản xuất thiết bị chất bán dẫn lớn nhất thế giới, đã đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn gần 1,5 tỉ USD.
Hiện Intel Products Việt Nam là nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất trong mạng lưới Intel toàn cầu và là một trong 10 cơ sở sản xuất của Intel trên toàn thế giới. Vào tháng 5.2022, tại buổi gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Patrick Gelsinger, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Intel, cho biết tập đoàn đầu tư vào Việt Nam 15 năm qua và rất thành công cho cả Intel và Việt Nam. Intel quyết định sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam với quy mô gấp nhiều lần hiện nay.
Ông lớn ngành FMCG (Fast Moving Consumer Goods, ngành hàng tiêu dùng nhanh) là Coca-Cola đã chính thức gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 1994 và hiện có 3 nhà máy sản xuất tại Việt Nam, 1,2 triệu đối tác bán lẻ trên toàn quốc, 2 trung tâm phân phối và hơn 1.900 nhân viên đang làm việc cho công ty và đối tác đóng chai. Kể từ khoản đầu tư ban đầu là 163 triệu USD, tập đoàn này đã liên tiếp tăng cường, mở rộng và ước tính đến hết năm 2017, tổng vốn đầu tư của Coca-Cola tại Việt Nam đã vượt ngưỡng 1 tỉ USD.
Đầu năm 2022, Coca-Cola công bố sẽ đầu tư xây dựng nhà máy thứ tư với tổng cộng 136 triệu USD (tương đương hơn 3.100 tỉ đồng) tại Long An. Đây cũng là nhà máy lớn nhất của Coca-Cola tại Việt Nam, áp dụng mô hình nhà máy thông minh, các kỹ thuật hiện đại…
Theo số liệu Tổng cục Thống kê, Mỹ là nước có số doanh nghiệp FATS (doanh nghiệp trên 50% vốn FDI vào Việt Nam) đứng thứ 7 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, sau Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đại lục, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), với 543 doanh nghiệp, tham gia khá nhiều vào các ngành sản xuất kinh doanh.
Ngành có số lượng doanh nghiệp nhiều nhất là lập trình, với 87 doanh nghiệp, sử dụng 7.400 lao động, bình quân mỗi doanh nghiệp là 85 lao động. Ngành bán buôn xếp thứ hai với 66 doanh nghiệp, sử dụng 2.200 lao động, bình quân mỗi doanh nghiệp là 33 lao động. Ngoài ra các ngành như tư vấn quản lý, chế biến thực phẩm, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn thu hút khá nhiều doanh nghiệp đầu tư.
Doanh thu thuần của các FATS Mỹ đạt 218.784 nghìn tỷ đồng trong năm 2020. Tài sản cố định là 143.467 nghìn tỷ. Xuất khẩu của doanh nghiệp FATS Mỹ đạt 3,908 tỷ USD. Theo Bộ kế hoạch và Đầu tư, các tỉnh, thành phố nhận vốn đầu tư từ Mỹ nhiều nhất gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu (45,8%), Tp.HCM (12,4%), Bình Dương (9%). Xét về lĩnh vực đầu tư, vốn đầu tư của Mỹ tập trung chủ yếu vào các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống (42,5%); công nghiệp chế biến, chế tạo (32%), cấp nước và xử lý chất thải (5,2%).
Đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Mỹ cho biết sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam, đưa vào thị trường Việt Nam những sản phẩm mới, công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, dân số, chuyển đổi số trong tài chính, ngân hàng; nông nghiệp thông minh; năng lượng tái tạo...
email: [email protected], hotline: 086 508 6899