Doanh nghiệp dầu mỏ lãi kỷ lục khi thế giới lao đao vì giá xăng cao
TCDN - Mức lãi kỷ lục của các doanh nghiệp dầu mỏ có thể là một điềm báo xấu cho chính họ trong tương lai, trong bối cảnh nguy cơ suy thoái toàn cầu đang tăng.
Các doanh nghiệp dầu mỏ hàng đầu thế giới gồm Exxon Mobil, Chevron, Shell, TotalEnergies và BP dự kiến sẽ công bố lợi nhuận kỷ lục 50 tỷ USD trong quý II năm nay. Mức lãi ấy cao hơn lợi nhuận năm 2008, thời điểm giá dầu thô chạm mức 147 USD/thùng.
Lợi nhuận lớn do giá dầu tăng vọt
Đây là kết quả trực tiếp từ việc giá năng lượng nhảy vọt trong năm qua. Không chỉ giá dầu thô tăng mạnh sau khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, mà giá khí đốt và biên lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu cũng đồng loạt phá vỡ kỷ lục.
Dù vậy, đà tăng bùng nổ của giá năng lượng lại là một trong các nguyên nhân dẫn đến lạm phát, gián tiếp gây áp lực lên người tiêu dùng, làm tăng nguy cơ suy thoái và khuyến khích các nhà lập pháp đánh thuế ngành dầu mỏ.
Ông Ahmed Ben Salem - nhà phân tích tại ngân hàng Oddo BHF - đánh giá: “Khả năng cao là lợi nhuận của các doanh nghiệp dầu mỏ sẽ đạt đỉnh trong quý II hoặc quý III năm nay, rồi sau đó giảm nhẹ. Cuộc suy thoái đang rình rập chúng ta có thể làm dịu mọi thứ”.
Nhiều thị trường lớn đang lâm vào tình trạng thiếu công suất lọc dầu nghiêm trọng do hàng loạt nhà máy phải ngừng hoạt động, các khoản đầu tư bị đình trệ do đại dịch, phương Tây giáng đòn trừng phạt vào Nga và Trung Quốc quyết định hạn chế xuất khẩu xăng dầu.
Ở Mỹ, một thước đo sơ bộ về biên lợi nhuận từ việc tinh chế một thùng dầu thô đã tăng vọt lên mức trung bình 48,84 USD trong quý II - cao hơn gấp hai lần so với một năm trước. Biên lợi nhuận tại châu Âu đã tăng 3 lần lên 145,7 USD.
Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) nhận định lọc dầu hiện chiếm 26% giá thành 1 gallon xăng ở Mỹ, tăng gần gấp đôi từ mức trung bình 14% của thập kỷ trước. Shell dự kiến sẽ thu được 1 tỷ USD từ mảng lọc dầu và Bloomberg ước tính Exxon sẽ kiếm được nhiều hơn trong quý II so với 9 quý trước cộng lại.
Sự thận trọng của doanh nghiệp dầu mỏ
Tuy nhiên, ông Matt Murphy - nhà phân tích của ngân hàng đầu tư Tudor Pickering Holt, cho rằng biên lợi nhuận “hấp dẫn” từ mảng lọc dầu có lẽ sẽ không kéo dài lâu.
Giá nhiên liệu đắt, cùng với chi phí sống tăng đang gây tổn hại cho người tiêu dùng. “Nhu cầu xăng đang thụt lùi so với dự báo, chúng tôi thấy nhu cầu đang giảm ở một mức độ nào đó”, ông Murphy nhấn mạnh.
Do đó, các tập đoàn năng lượng được cho là đang khá thận trọng dù lợi nhuận thăng hoa. Nhóm nhà phân tích của Citigroup nhận định, Exxon có thể sẽ sử dụng lượng tiền mặt dư thừa để giảm khối nợ, trong khi Chevron có thể tăng mua lại cổ phiếu lên 10 tỷ USD trong năm nay.
Lợi nhuận cao ngất không chỉ là kết quả của việc giá hàng hoá tăng trên diện rộng. Các đại gia dầu mỏ toàn cầu cũng đang chi tiêu ít hơn so với lần trước, khi giá dầu ở trên mốc 100 USD/thùng. Chi tiêu vốn của nhóm này được dự báo sẽ đạt 80 tỷ USD trong năm 2022, nhưng con số đó chỉ bằng một nửa so với năm 2013.
Nhà phân tích Paul Cheng của ngân hàng Scotiabank cho biết: “Chi tiêu của các công ty năng lượng đã có xu hướng giảm trong một thời gian dài kể từ năm 2014. Cùng với việc giá hàng hoá bật tăng như hiện nay, đây là sự kết hợp hoàn hảo cho các công ty này”.
Song, các nhà lãnh đạo chính trị như Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể đang không hài lòng. Họ đã kêu gọi ngành công nghiệp dầu khí tăng sản lượng trong nước nhưng không mấy thành công.
Ông Biden từng chỉ trích Exxon “kiếm tiền còn hơn cả Chúa” và cáo buộc các công ty dầu mỏ khác lợi dụng giá xăng tăng cao để trục lợi. Các nhà lập pháp đang thúc giục chính quyền ông Biden đánh thuế vào lĩnh vực dầu mỏ để bù đắp thiệt hại cho người tiêu dùng.
Giới lãnh đạo doanh nghiệp thận trọng vì không biết giá năng lượng cao như thế này sẽ kéo dài trong bao lâu, đồng thời họ cũng e ngại về việc cam kết thực hiện các dự án nhiên liệu hoá thạch lớn vốn có thể trở nên dư thừa khi thế giới chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Mặt khác, các ông lớn dầu mỏ toàn cầu không thể giữ chi tiêu vốn ở mức thấp trong thời gian dài, bởi chi phí cần phải tăng lên do áp lực lạm phát phình to trên khắp nền kinh tế.
Schlumberger NV - công ty cung cấp dịch vụ khai thác mỏ dầu lớn nhất thế giới, tuần trước cho biết doanh số bán hàng đã đi lên gần 20% so với một năm trước. Schlumberger nhận thấy nhu cầu sử dụng dịch vụ của công ty từ các tập đoàn dầu mỏ đang trong một “chu kỳ tăng kéo dài nhiều năm”.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899