Doanh nghiệp khởi sự "mất nhiều thứ" vì thủ tục hành chính

28/02/2020, 12:50

TCDN - Hàng loạt thủ tục trong quá trình khởi sự kinh doanh đã trở thành rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Đây là một trong những nội dung quan trọng được thảo luận tại buổi Hội thảo "Thúc đẩy, tạo thuận lợi gia nhập thị trường: Vấn đề và giải pháp cải thiện khởi sự kinh doanh và bảo vệ cổ đông thiểu số”, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 28/2, tại Hà Nội.

Liên thông các thủ tục hành chính bằng việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

Liên thông các thủ tục hành chính bằng việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

Ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Ciem cho biết, hiện nay, mỗi một doanh nghiệp khi vào hoạt động đều phải gồng gánh hàng loạt các khoản chi phí phi chính thức như việc chi cho cơ quan, cán bộ trong quá trình thực hiện các thủ tục về mặt pháp lý; các chi phí cơ hội; các khoản phí, lệ phí…

Điều này sẽ khiến doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh, do thời gian thủ tục kéo dài hoặc chậm thủ tục hoặc không đúng hẹn, bởi việc thực hiện thủ tục hành chính cần phải có thời gian và phải tuân theo các quy định của pháp luật.

Theo ông Hiếu, muốn có doanh nghiệp tốt thì cần phải có số lượng doanh nghiệp nhiều. Tuy nhiên quy định các thủ tục thành lập doanh nghiệp được thực hiện trong khoảng thời gian nhất định đã trở thành những rào cản cho khởi sự kinh doanh.

“Chúng ta có 16 ngày, phải chuẩn bị cơ sở vật chất, phải có máy móc, thiết bị cho hoạt động kinh doanh. Nếu không có tiền thì phải vay vốn, và nếu cứ chậm một ngày trong việc làm thủ tục đăng ký kinh doanh, thì doanh nghiệp phải tự bỏ chi phí để vận hành”, ông Hiếu dẫn chứng và cho biết, việc thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh khiến cho doanh nghiệp bị suy giảm động lực khi phải đi lại nhiều lần, đến nhiều cơ quan, làm nhiều thủ tục khác nhau. Và việc này giảm năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ông Hiếu cũng kiến nghị hàng loạt các giải pháp tạo thuận lợi cho hoạt động khởi sự kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là cần phải tiếp tục trao quyền tự quyết về con dấu, bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu do không cần thiết, trao quyền cho doanh nghiệp tự quản lý về dấu. Điều này, theo ông Hiếu sẽ rất có lợi cho chính phủ điện tử và làm thủ tục hành chính.

Đối với thủ tục khai trình sử dụng lao động, Phó viện trưởng Ciem kiến nghị sửa đổi bãi bỏ thủ tục này khi mới đăng ký thành lập doanh nghiệp, và phải xây dựng cơ chế trao đổi thông tin điện tử giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý lao động.

Bởi theo ông Hiếu, những bất cập trong hoạt động này đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể, khi khai trình thông tin người lao động, Bộ luật Lao động yêu cầu 3 thủ tục, bao gồm việc trong 30 ngày kể từ ngày đi vào hoạt động, doanh nghiệp phải ra cơ quan quản lý lao động để khai báo, nhưng lại yêu cầu định kỳ 6 tháng hoặc một năm, hoặc bất kỳ khi nào doanh nghiệp phát sinh lao động thì đều phải đi khai trình lao động.

Theo bà Nguyễn Thị Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Công Thương), phương pháp tiếp cận vấn đề này trước hết cần phải dựa vào thông lệ quốc tế, từ đó để có những giải pháp cụ thể.

Bà Việt Anh nói, giải pháp hữu hiệu nhất là liên thông các thủ tục hành chính bằng việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước thông qua kết nối điện tử. Từ đó sẽ đạt được những mục tiêu như cắt giảm thủ tục, tiết kiệm chi phí hành chính và giảm thời gian cho doanh nghiệp.

Đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cũng đồng tình với lãnh đạo CIEM về kiến nghị trao quyền tự quyết về con dấu cho doanh nghiệp. Còn đối với thủ tục mua hóa đơn và tự in hóa đơn, cơ quan này đang có kiến nghị doanh nghiệp sau khi đăng ký kinh doanh sẽ đến cơ quan thuế để nộp tờ khai in hoặc mua hóa đơn hay hóa đơn điện tử.

“Chúng tôi đang đề xuất với Bộ Tài chính tích hợp đơn xin mua hoặc in hóa đơn cùng với mẫu giấy đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp”, bà Việt Anh nói và cho biết, những giải pháp liên thông này sẽ cắt giảm được những thủ tục phải gửi cho cơ quan thuế, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Cũng theo bà Việt Anh, những kiến nghị này trở thành hiện thực, thì thời gian cho các thủ tục sẽ giảm xuống chỉ còn 3 ngày.

Vấn đề nộp lệ phí môn bài, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký doanh nghiệp thông tin, Bộ Kế hoạch đầu tư đã có kiến nghị với Bộ Tài chính điều chỉnh thời gian nộp thuế môn bài, và hai cơ quan này cũng đã nhất trí phương án trình Chính phủ giải pháp doanh nghiệp sẽ nộp lệ phí môn bài sau 1 năm thành lập, tức là năm đầu tiên sẽ không phải nộp thuế môn bài.

Còn vấn đề khai trình lao động, bà Việt Anh cho biết, hiện nay doanh nghiệp không cần phải đến cơ quan đăng ký lao động để nộp tờ khai về việc sử dụng lao động nữa, mà cơ quan đăng ký kinh doanh sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ chia sẻ dữ liệu về doanh nghiệp. Cơ quan quản lý lao động sẽ nắm được thông tin về lao động thông qua số liệu mà doanh nghiệp đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Thanh Hà
Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp khởi sự "mất nhiều thứ" vì thủ tục hành chính tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Cải cách thủ tục hành chính trong công tác quản lý thuế tại Hà Nội
Lấy sự hài lòng của người nộp thuế là mục tiêu chính để cải cách thủ tục hành chính với phương châm “Tận tâm lắng nghe - Tận tình hướng dẫn - Tận tụy giải quyết”, Cục Thuế Hà Nội thường xuyên rà soát, đánh giá lại toàn bộ các Thủ tục hành chính thuế, các bước công việc trong quá trình quản lý thuế.
Tổng cục Thuế khuyến khích Netflix đăng ký, kê khai nộp thuế
Lãnh đạo ngành thuế cho biết đã làm việc với Netflix và đơn vị này khẳng định muốn đăng ký, kê khai nộp thuế theo quy định Việt Nam. Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế đã cho biết như vậy tại Hội nghị phổ biến những điểm mới của Luật Quản lý thuế sáng nay 27/8.