Doanh nghiệp phải định kỳ công khai tình hình tai nạn lao động

29/05/2020, 17:28

TCDN - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa đưa ra lấy ý kiến đối với dự thảo thông tư thống kê và công bố tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) và sự cố kỹ thuật gây mất an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) nghiêm trọng.

8-1

Công bố tình hình tai nạn lao động cho người lao động

Theo dự thảo, người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức thu thập, lưu trữ thông tin về tình hình tai nạn lao động xảy ra tại cơ sở của mình; mở sổ thống kê theo mẫu quy định ban hành kèm theo Thông tư này; có trách nhiệm sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu về tai nạn lao động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kể từ ngày phần mềm đi vào hoạt động.

Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phải tổ chức thu thập, lưu trữ thông tin về tình hình tai nạn lao động đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động xảy ra trên địa bàn; mở sổ thống kê theo mẫu quy định ban hành kèm theo Thông tư này; có trách nhiệm sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu về tai nạn lao động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kể từ ngày phần mềm đi vào hoạt động.

Đối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, dự thảo nêu rõ, trách nhiệm của Sở là tổ chức thu thập, lưu trữ thông tin về tình hình tai nạn lao động, bao gồm thông tin về các vụ tai nạn lao động có đề nghị khởi tố, vụ tai nạn lao động đã thực hiện khởi tố; báo cáo nhanh các vụ tai nạn lao động chết người, sự cố kỹ thuật về an toàn vệ sinh lao động nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn; có trách nhiệm sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu về tai nạn lao động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kể từ ngày phần mềm đi vào hoạt động.

Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là tổ chức thu thập, lưu trữ thông tin về tình hình tai nạn lao động xảy ra trong cả nước.

Dự thảo thông tư cũng quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm đánh giá, công bố tình hình tai nạn lao động xảy ra tại cơ sở của mình theo quy định sau: Định kỳ 06 tháng đầu năm và hằng năm, đánh giá, công bố tình hình tai nạn lao động xảy ra tại cơ sở cho người lao động được biết. Thông tin phải được công bố trước ngày 10 tháng 7 đối với số liệu 06 tháng đầu năm và trước ngày 15 tháng 01 năm sau đối với số liệu cả năm.

Thông tin công bố phải được niêm yết công khai tại trụ sở của cơ sở và cấp tổ, đội, phân xưởng, phòng, ban (đối với các tổ, đội, phân xưởng, phòng, ban có xảy ra tai nạn lao động) và đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ sở (nếu có).

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm đánh giá, công bố tình hình tai nạn lao động xảy ra đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động trên địa bàn theo quy định sau: Định kỳ 06 tháng đầu năm và hằng năm, đánh giá, công bố tình hình tai nạn lao động đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động xảy ra trên địa bàn. Thông tin phải được công bố trước ngày 10 tháng 7 đối với số liệu 06 tháng đầu năm và trước ngày 15 tháng 01 năm sau đối với số liệu cả năm. Thông tin công bố phải được niêm yết công khai tại trụ sở của Ủy ban nhân dân cấp xã, đăng tải trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp xã (nếu có) và phát trên đài truyền thanh cấp xã.

Riêng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội công bố tình hình tai nạn lao động xảy ra trên địa bàn theo quy định sau: Định kỳ 06 tháng đầu năm và hằng năm, đánh giá, công bố tình hình tai nạn lao động xảy ra trên địa bàn tỉnh. Thông tin phải được công bố trước ngày 20 tháng 7 đối với số liệu 06 tháng đầu năm và trước ngày 30 tháng 01 năm sau đối với số liệu cả năm. Thông tin công bố phải được niêm yết công khai tại trụ sở, đăng tải trên trang thông tin điện tử của của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

5 nội dung thông tin công bố

Về thông tin công bố tình hình tai nạn lao động, dự thảo quy định 5 nội dung gồm: i) Số vụ tai nạn lao động, số vụ tai nạn lao động chết người; ii) Số người bị tai nạn lao động, số người bị chết do tai nạn lao động; iii) Nguyên nhân chủ yếu xảy ra tai nạn; iv) Thiệt hại do tai nạn lao động; v) Sự biến động (về số lượng, tỷ lệ) các số liệu thống kê quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này so với cùng thời kỳ hoặc giai đoạn báo cáo; phân tích nguyên nhân biến động và hiệu quả của các biện pháp phòng, chống tai nạn lao động (bao gồm phân tích về kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động và việc thực hiện kế hoạch).

Liên quan đến vấn đề thu thập, lưu trữ, tổng hợp, cung cấp, đánh giá, công bố về sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng, dự thảo nêu, việc thu thập, lưu trữ, tổng hợp, cung cấp, đánh giá, công bố về sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Trên cơ sở thông tin do cơ quan chủ trì điều tra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng cung cấp theo quy định tại khoản 4 Điều 26 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá, công bố tình hình sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng xảy ra trong cả nước cùng với tình hình tai nạn lao động.

Ngoài ra, dự thảo quy định cụ thể trách nhiệm thi hành của từng tổ chức. Trong đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm: thực hiện những quy định tại Thông tư này; tăng cường các biện pháp cải thiện điều kiện lao động; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người lao động để phòng ngừa tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng.

Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm: thực hiện những quy định tại Thông tư này; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động trên địa bàn để phòng ngừa tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện Thông tư này đến tất cả người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh.

Mai Hà

Tạp chí in số tháng 5/2020
Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp phải định kỳ công khai tình hình tai nạn lao động tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Tác động của công nghệ số đến năng suất lao động ngành nông nghiệp
Công nghệ số tạo ra nhiều cơ hội để ngành nông nghiệp tăng năng suất lao động do giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh và công tác giống được thực hiện tốt hơn. Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng chuyển đổi công nghệ số của ngành này còn thấp, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.