Tác động của công nghệ số đến năng suất lao động ngành nông nghiệp

29/05/2020, 14:58

TCDN - Công nghệ số tạo ra nhiều cơ hội để ngành nông nghiệp tăng năng suất lao động do giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh và công tác giống được thực hiện tốt hơn. Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng chuyển đổi công nghệ số của ngành này còn thấp, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.

7-1

Diễn đàn Kinh tế thế giới - WEF (2018) ghi nhận, trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ số tạo ra nhiều cơ hội để tăng NSLĐ do giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh và công tác giống được thực hiện tốt hơn. Các công nghệ như thiết bị cảm biến kết nối internet (IoT), công nghệ đèn LED, các thiết bị bay không người lái, robot nông nghiệp và quản trị tài chính trang trại thông minh… sẽ hỗ trợ ngành nông nghiệp đạt được những bước tiến lớn trong thời gian tới.

Theo đánh giá của các chuyên gia Đại học Kinh tế quốc dân, công nghiệp 4.0 đang có bước khởi đầu triển vọng trong ngành sản xuất, chế tạo và nông nghiệp ở Việt Nam. Ngoại trừ các hộ nông dân, phần lớn doanh nghiệp tham gia khảo sát đều đã ứng dụng công nghệ số vào quá trình sản xuất. Nhìn chung, các doanh nghiệp cho thấy sự sẵn sàng ứng dụng công nghệ số cao nhất về cơ sở vật chất và logistics. Tuy nhiên, họ lại có ít sự chuẩn bị về tài chính, chiến lược và sản xuất thông minh.

Thực tế, công nghệ số đã và đang đi vào sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp thông minh đã được triển khai ở nhiều khu vực tại Việt Nam. Đặc biệt cho các sản phẩm có giá trị gia tăng cao bao gồm các loại thủy sản, hoa và trái cây như: mô hình trồng rau an toàn và hoa ở Đà Lạt; mô hình 1000 ha trồng hoa ở Mê Linh, Vĩnh Phúc; mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở thành phố Hồ Chí Minh về trồng trọt, chăn nuôi bò và gia súc, thủy sản (cá, tảo và vật liệu trong xử lý môi trường), nhân giống cây lâm nghiệp; mô hình trồng rau, hoa quả, chăn nuôi thủy sản ở thành phố Hà Nội; mô hình nhà lưới, vườn ươm cây giống ở Bến Tre, Nghệ An; mô hình sản xuất cây giống, chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Bà Rịa, Vũng Tàu... Các ứng dụng của công nghệ số góp phần làm tăng sản lượng nông nghiệp, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn với chất lượng cao, đồng đều, tạo ra năng suất sản phẩm lớn nhất trên mỗi đơn vị tài nguyên sử dụng, từ đó làm tăng NSLĐ nông nghiệp ở Việt Nam.

GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, kết quả ước lượng 2 phương pháp REM và PSM đều cho thấy công nghệ số có tác động tích cực và có ý nghĩa thống kê đến NSLĐ của ngành nông lâm thủy sản (NLTS), theo đó 1% tăng lên của tỷ lệ lao động sử dụng Internet trong doanh nghiệp ngành này có thể làm NSLĐ tăng lên 0,001% (PP REM - mức thấp nhất trong các ngành sản xuất) đến 0,002% (PP PSM), phản ảnh vai trò của công nghệ số trong ngành này còn hạn chế.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, đóng góp lớn cho NSLĐ ngành NLTS vẫn là số lượng lao động và cường độ vốn. Hệ số trình độ người lao động mang dấu âm và có ý nghĩa thống kê ở phương pháp REM, phản ánh trình độ lao động cao (từ đại học trở lên) chưa hẳn là yếu tố quan trọng làm gia tăng NSLĐ trong ngành NLTS. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long được tìm thấy có NSLĐ ngành NLTS cao nhất cả nước, phù hợp với điều kiện thuận lợi của vùng địa lý này. Hợp tác xã là hình thức có mức NSLĐ thấp nhất, phản ánh sự thiếu hiệu quả của hình thức hợp tác xã đối với hoạt động NLTS.

Hình 1: Mức độ ứng dụng cộng nghệ số ở các doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam theo từng tiêu chí. Chú thích: Các mức độ ứng dụng: Mức độ 1 - Chưa ứng dụng; Mức độ 2 - Bắt đầu; Mức độ 3 - Trung bình; Mức độ 4 - Thành thạo; Mức độ 5 - Chuyên gia/Tiên phong ứng dụng. Nguồn: Phân tích của Bộ Khoa học và Công nghệ

Hình 1: Mức độ ứng dụng cộng nghệ số ở các doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam theo từng tiêu chí. Chú thích: Các mức độ ứng dụng: Mức độ 1 - Chưa ứng dụng; Mức độ 2 - Bắt đầu; Mức độ 3 - Trung bình; Mức độ 4 - Thành thạo; Mức độ 5 - Chuyên gia/Tiên phong ứng dụng. Nguồn: Phân tích của Bộ Khoa học và Công nghệ

Thêm vào đó, khái niệm về CMCN 4.0 vẫn còn khá mới mẻ đối với hầu hết các doanh nghiệp trong ngành này. Đa số các doanh nghiệp tham gia khảo sát đã nghiên cứu các phương án thực hiện số hóa nhưng chỉ một số ít thực sự phát triển các kế hoạch cụ thể hoặc phân bổ kinh phí cho việc ứng dụng công nghệ số. Khoảng 35% các doanh nghiệp chính thức trong ngành nông nghiệp và khoảng 25% các doanh nghiệp sản xuất, chế tạo đã có kế hoạch đầu tư vào các công nghệ CMCN 4.0 trong năm tới.

Đối với quan điểm sử dụng về công nghệ số có ảnh hưởng lớn nhất tới các hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp nông nghiệp ưu tiên tự động hóa, máy móc, cảm biến và thu thập dữ liệu. Trong khi đó các hộ kinh doanh nông nghiệp ưu tiên các công nghệ hỗ trợ việc đưa ra quyết định tức thời và giải quyết các vấn đề quản lý hàng ngày. Ngành sản xuất, chế tạo ưu tiên phát triển công nghệ hỗ trợ sản xuất như giám sát và kiểm soát quá trình, rô‑bốt và tự động hóa. Rất ít các doanh nghiệp quan tâm tới các công nghệ phân tích dữ liệu lớn, marketing hoặc nghiên cứu phát triển. Quá trình chuyển đổi số gặp nhiều thách thức. Nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng đầu tư vào công nghệ số tiềm ẩn nhiều rủi ro vì chi phí quá cao và hiệu quả lâu dài của những công nghệ này vẫn chưa được kiểm chứng.

Cả hai ngành đều phải đối mặt với những thách thức tương tự nhau trong quá trình chuyển đổi số như: Tiếp cận vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs); Thiếu thông tin về các công nghệ và dịch vụ số mới, đặc biệt là với các hộ kinh doanh, nông lâm thuỷ sản; Quyết định nên lựa chọn công nghệ nào để áp dụng và xác định nhà cung cấp công nghệ nào cho phù hợp; Các kỹ năng và năng lực sẵn có để triển khai và quản lý các hệ thống và công nghệ của CMCN 4.0 đối với ngành NLTS.

Có thể thấy, kinh tế Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng nhờ áp dụng các công nghệ số mới. Một số ngành công nghiệp của Việt Nam đang số hóa nhanh, bao gồm thương mại điện tử, du lịch, nội dung số và công nghệ tài chính. Những ngành công nghiệp này cho thấy tiềm năng lớn của nền kinh tế số Việt Nam trong những năm tới. Tuy nhiên, các nghiên cứu trường hợp trong ngành nông nghiệp và sản xuất chế tạo cho thấy mức độ sẵn sàng chuyển đổi công nghệ số còn thấp. Dù các doanh nghiệp đều nhận thức rõ về tầm quan trọng của công nghệ số trong sản xuất, họ vẫn gặp khó khăn khi ứng dụng công nghệ mới do các vấn đề kỹ thuật và tài chính.

Thu Hà

Tạp chí in số tháng 5/2020
Bạn đang đọc bài viết Tác động của công nghệ số đến năng suất lao động ngành nông nghiệp tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan