Doanh nghiệp startup “chạy đua” phát triển bền vững
TCDN - Không chỉ có các doanh nghiệp lớn mà ngay cả các công ty khởi nghiệp (startup) cũng đang chuyển mình để sản xuất, kinh doanh theo hướng phát triển bền vững.
Phát triển bền vững đang là xu hướng của toàn cầu và Việt Nam không phải là một ngoại lệ. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong nước đã và đang thay đổi từng ngày để hướng đến phát triển bền vững. Đây là yếu tố quan trọng nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài “bước chân” vào thị trường Việt Nam, bởi các doanh nghiệp quốc tế luôn chú trọng vào kinh tế xanh và phát triển bền vững.
Thời điểm này, ngay cả các doanh nghiệp startup cũng “chạy đua” để bắt kịp xu hướng phát triển bền vững vì họ biết rằng, chỉ có phát triển bền vững mới tạo ra giá trị lâu dài cho doanh nghiệp và xã hội. Điển hình như trong chương trình 100+ LABs dành cho các công ty khởi nghiệp do AB InBev Việt Nam và 5Desire tổ chức mới đây, nhiều startup đã thể hiện sự thay đổi, sáng tạo trong các dự án kinh doanh của mình.
Trong 100+LABs, dự án startup của EQUO, Buyo và GreenJoy là những dự án nổi bật nhất về sự sáng tạo và hướng đến bảo vệ môi trường. Ý tưởng của Buyo là tập trung vào việc phát triển các loại nhựa thay thế có thể phân hủy sinh học giúp giải quyết ô nhiễm môi trường.
Trong khi đó, ý tưởng của EQUO và GreenJoy là tạo ra các sản phẩm từ vật liệu tự nhiên hoặc thu gom các phế phẩm trong quá trình sản xuất như bã cà phê, xác dừa… Các sản phẩm như ống hút làm từ bã cà phê, ống hút làm bằng dừa lên men hay muỗng, nĩa làm từ bã mía cũng được ra đời từ các dự án này.
Trao đổi với PV Tài chính Doanh nghiệp, ông Hoàng Phương – Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại AB InBev Việt Nam cho biết, phát triển bền vững là yếu tố cốt lõi trong hoạt động của nhiều doanh nghiệp. Việc này hướng đến một tương lai mới mẻ và hạnh phúc hơn.
“Chúng tôi tổ chức chương trình 100+LABs với mong muốn sẽ tiếp thêm sức mạnh cho các startup của Việt Nam khi họ hướng đến kinh tế xanh và phát triển bền vững. Những doanh nghiệp chiến thắng sẽ được các tập đoàn lớn hỗ trợ mở rộng quy mô, cố vấn, đào tạo và lập trình trong việc phát triển sản phẩm, tiếp cận thị trường, vận hành, bán hàng”, ông Phương nói.
Còn theo bà Phạm Lê Nguyên, nhà sáng lập 5Desire, các công ty khởi nghiệp sẽ rất cần các tập đoàn lớn hỗ trợ về mọi mặt ở giai đoạn đầu phát triển. Đó không chỉ là sự hỗ trợ về mặt tài chính mà còn là kinh nghiệm trong việc phát triển bền vững và hướng đến một nền kinh tế tuần hoàn phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.
“Chương trình 100+ LABs đã mở ra nhiều cơ hội và ý tưởng cho một nền kinh tế xanh, một cộng đồng xanh, giúp cho người dân sống hạnh phúc hơn”, bà Nguyên chia sẻ.
Ngoài những Startup “non trẻ” thì nhiều Startup thành công tại thị trường Việt Nam cũng đã đi theo chiến lược phát triển bền vững như MoMo, Tiki, VNG…
Thống kê của Kantar Việt Nam cho thấy, có đến 57% người tiêu dùng ngừng mua sản phẩm vì ảnh hưởng đến môi trường, xã hội. Điều này chứng tỏ phát triển bền vững đang trở thành mối quan tâm không chỉ của doanh nghiệp và mà còn của người tiêu dùng. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 càng thúc đẩy hơn sự quan tâm của người dùng tới các vấn đề như sức khỏe, môi trường và chủ động tìm đến các thương hiệu có trách nhiệm cộng đồng.
Những năm qua, hàng loạt doanh nghiệp lớn tại Việt Nam cũng đã và đang hướng đến phát triển bền vững trong sản xuất, kinh doanh. Điển hình như Vingroup, Vinamilk, PNJ, Masan, Thế Giới Di Động, Nestle Việt Nam, Samsung Vina, Toyota Việt Nam, Vietcombank, MBbank… Đa số các doanh nghiệp đều nỗ lực phát triển văn hóa doanh nghiệp, có chiến lược về con người một cách rõ ràng, tăng cường sản xuất tái tạo, bảo vệ môi trường và chung tay cùng cộng đồng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT), từ tháng 6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 681/QĐ-TTg phê duyệt lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030 với 119 tiêu chí. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện quyết định này thì Bộ KH&ĐT nhận thấy cần rà soát, cập nhật lại lộ trình thực hiện.
Theo đó, việc rà soát cập nhật lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030 sẽ thực hiện theo 2 bước.
Bước thứ nhất là rà soát và đề xuất danh mục chỉ tiêu, từ đó đề xuất các chỉ tiêu giữ nguyên, các chỉ tiêu cần điều chỉnh tên gọi cho phù hợp, các chỉ tiêu cần loại bỏ và đề xuất các chỉ tiêu mới. Bước thứ hai là đề xuất lộ trình cần đạt của các chỉ tiêu đến năm 2025 và 2030. Bộ KH&ĐT cũng đang phối hợp cùng các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030 để trình Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899