Đồng bằng sông Cửu Long hướng tới phát triển bền vững

17/11/2022, 14:04
báo nói -

TCDN - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển kinh tế biên mậu trong Diễn đàn Mekong Connect 2022.

UBND thành phố Cần Thơ đã chủ trì buổi họp báo chia sẻ thông tin về Diễn đàn Mekong Connect 2022 với chủ đề Chủ động nâng chất lượng liên kết tích hợp để phát triển bền vững. Chương trình do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) phối hợp với tỉnh An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp và Tp.HCM thực hiện.

Mekong Connect sẽ diễn ra trong hai ngày 23 và 24/11. Ảnh: Đại Việt.

Mekong Connect sẽ diễn ra trong hai ngày 23 và 24/11. Ảnh: Đại Việt.

Tại buổi họp báo, Ban tổ chức Mekong Connect 2022 mong muốn tìm ra các giải pháp đẩy mạnh liên kết, tích hợp các nguồn lực để phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Cụ thể, diễn đàn Mekong Connect năm nay bàn về nhiều nội dung như: Nâng chất liên kết - tích hợp; Đổi mới sáng tạo từ công cuộc chuyển đổi số; Viện trường và nguồn nhân lực cho kinh tế nông nghiệp; Kinh tế biên mậu; Kinh tế tuần hoàn; Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và chú trọng chế biến nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản.

Theo kết quả nghiên cứu trong Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL, khu vực ĐBSCL có tốc độ tăng trưởng giảm sâu từ 7,14% trong năm 2019 xuống còn 2,42% trong năm 2020, thấp hơn đáng kể so với bình quân 2,9% của cả nước.

Đến năm 2021, tốc độ tăng trưởng của ĐBSCL rơi xuống mức -0,43%, thấp hơn mức tăng trưởng kinh tế bình quân cả nước (+ 2,26%). Trong đó, năm 2021, cả nước có 9 địa phương tăng trưởng âm thì riêng ĐBSCL có tới 6 địa phương.

Điểm sáng trong phát triển của ĐBSCL đến từ khu vực nông nghiệp với mức tăng trưởng mạnh (3,4%), cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Trong đó, xuất khẩu nông thủy sản của vùng đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại cho Việt Nam.

Thế nhưng, theo các chuyên gia, ngành nông nghiệp không đủ sức vực dậy nền kinh tế vùng ĐBSCL vì khu vực công nghiệp và dịch vụ đã chiếm tới hơn 70% GRDP của vùng. Trong khi đó, công nghiệp và dịch vụ đều tăng trưởng âm.

Do đó, những nội dung được bàn đến trong Mekong Connect 2022 đưa ra được nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL đặc biệt quan tâm, nhằm đưa kinh tế của địa phương và toàn vùng bứt phá trong giai đoạn mới.

Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp HVNCLC cho biết, ngoài những phiên thảo luận, xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư thì Mekong Connect năm nay cũng sẽ giới thiệu những mô hình thành công trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững. Đây là những mô hình mà các doanh nghiệp, nông dân, bạn trẻ khởi nghiệp của đồng bằng có thể học hỏi để phát triển trong tương lai.

“Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trên thế giới đã chuyển qua dùng những nguyên liệu từ giấy, gỗ để thay thế cho nhựa. Bên cạnh đó là vấn đề tiêu chuẩn xanh, tiêu chuẩn bền vững, đây là nhân tố đảm bảo ổn định chất lượng cho sản phẩm của doanh nghiệp ĐBSCL. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải hiểu rằng muốn đi xa và được thị trường chấp nhận thì cần có những “giấy thông hành” đạt chuẩn”, bà Hạnh nói.

Đại diện các tỉnh, thành phố ở Đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ thông tin xoay quanh Diễn đàn Mekong Connect 2022. Ảnh: Đại Việt.

Đại diện các tỉnh, thành phố ở Đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ thông tin xoay quanh Diễn đàn Mekong Connect 2022. Ảnh: Đại Việt.

Ông Dương Văn Phúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre chia sẻ, đến với Mekong Connect 2022, địa phương này rất mong muốn được các chuyên gia, nhà khoa học hỗ trợ cho Bến Tre phát triển kinh tế tuần hoàn từ cây dừa – sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

Còn ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang cho hay, địa phương này sẽ chủ trì phiên thảo luận về Khai thác và phát triển kinh tế biên mậu. An Giang muốn trao đổi với các nhà khoa học cũng như các doanh nghiệp về phương án phát triển kinh tế khu vực biên giới tiếp giáp với Campuchia.

Theo ông Hiếu, trước đây, việc giao thương của doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia chủ yếu đến từ các hội chợ. Tuy nhiên, An Giang và các tỉnh tiếp giáp biên giới Campuchia mong muốn việc giao thương sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, quy mô hơn thông qua các cửa khẩu quốc tế và đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng chuẩn bị khởi công.

Cũng theo Ban tổ chức Mekong Connect 2022, diễn đàn sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân xây dựng, nâng cao năng lực thực hành các tiêu chuẩn chất lượng, giúp các hợp tác xã mở rộng thị trường. Diễn đàn cũng tổ chức “Ngày hội khởi nghiệp – Phiên chợ Xanh” để doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp giao lưu, bán hàng và kết nối xuất khẩu.

Mekong Connect ra đời vào năm 2015 từ sáng kiến của Mạng lưới liên kết cấp vùng ABCD Mekong (An Giang – Bến Tre – Cần Thơ – Đồng Tháp) và sau đó có thêm Tp.HCM.

Diễn đàn Mekong Connect được phối hợp tổ chức bởi Hội Doanh nghiệp HVNCLC cùng với sự hỗ trợ của Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC). Mekong Connect được bảo trợ và cố vấn của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Mekong Connect 2022 được điều phối bởi VCCI Cần Thơ, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ. Đây là diễn đàn thường niên dành cho doanh nhân, doanh nông, doanh nghiệp khởi nghiệp, nông dân, nhà quản lý, chuyên gia và các nông dân đối tượng có mối quan tâm đặc biệt đến ĐBSCL.

Đại Việt
Bạn đang đọc bài viết Đồng bằng sông Cửu Long hướng tới phát triển bền vững tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Thủ tướng: Cần tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng cho Đồng bằng sông Cửu Long
Thủ tướng Chính phủ khẳng định cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và logistic, hạ tầng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hạ tầng giáo dục, y tế, hạ tầng chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị phát triển Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 22/4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức tổ Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.