Doanh thu bảo hiểm nông nghiệp cán mốc 400 tỷ đồng
TCDN - Đến nay đã hình thành 3 sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) bao gồm cây lúa, vật nuôi và thủy sản; triển khai thí điểm ở 20 tỉnh, thành phố với doanh thu đạt gần 400 tỷ đồng.
Thông tin trên được ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (QLGSBH) vừa chia sẻ sáng nay 12/8 tại Hội nghị triển khai về chính sách BHNN.
Theo ông Huyền, BHNN được triển khai thí điểm từ năm 2011 đến nay. Trong giai đoạn thí điểm, BHNN được triển khai đối với cây trồng (cây lúa), vật nuôi (trâu, bò, gia cầm) và thủy sản (tôm, cá tra) tại địa bàn 20 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Sau 3 năm thực hiện (2011-2013), đã hình thành được 3 sản phẩm BHNN bao gồm cây lúa, vật nuôi và thủy sản phù hợp với đặc tính của từng loại cây trồng, vật nuôi và thu hút được các hộ dân ở các huyện, xã được lựa chọn thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp của 20 tỉnh, thành phố tham gia. Doanh thu BHNN trong giai đoạn thí điểm đạt gần 400 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện bồi thường bảo hiểm kịp thời cho các hộ khi xảy ra tổn thất do rủi ro thiên tai, dịch bệnh, góp phần giúp hộ dân ổn định đời sống và có điều kiện tiếp tục sản xuất kinh doanh. Theo thống kê, đối với cây lúa, các DN bảo hiểm đã bồi thường 17,4 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 19%; bảo hiểm vật nuôi là 19,5 tỷ đồng, đạt tỷ lệ bồi thường 23,3%; bảo hiểm thủy sản 675,9 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường lên tới 309,8%.
Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan quản lý, việc triển khai thí điểm BHNN đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế. Theo đó, hộ dân tham gia bảo hiểm chủ yếu là nghèo và cận nghèo (chiếm 76,8). Đơn cử như bảo hiểm cây lúa có sự tham gia của 236.396 hộ nông dân, nhưng trong đó có tới 76,5% là hộ nghèo; bảo hiểm vật nuôi có 60.133 hộ nông dân tham gia, thì 84,1% là hộ nghèo; bảo hiểm thủy sản thu hút 7.487 hộ nông dân tham gia, trong đó 27,4% hộ nghèo.
Chưa kể, BHNN là loại hình mới nên các rủi ro thiên tai, dịch bệnh được bảo hiểm chưa phù hợp với đặc trưng của từng địa phương. Mặt khác, các quy trình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản mặc dù thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, song nhiều địa phương đánh giá chưa phù hợp với thực tiễn, trong khi việc kiểm soát quy trình này còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Bổ sung thêm, đại diện Tập đoàn Bảo Việt chia sẻ, do các sản phẩm bảo hiểm chưa thực sự hấp dẫn nên DN mất rất nhiều thời gian thuyết phục bà con nông dân tham gia. Bên cạnh đó, vấn đề quản lý rủi ro cũng làm đau đầu DN, bởi lâu nay, người nông dân thường có tập quán chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ, khi dịch bệnh xảy ra thì tổn thất cho DN vô cùng lớn.
.Theo đại diện Cục QL&GSBH, về cơ bản, các địa phương được hỗ trợ lần này đã được hỗ trợ thực hiện trong giai đoạn thí điểm. Tháng 6/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ BHNN.
Theo đó, về đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ phí BHNN Cây trồng: Cây lúa; Vật nuôi: Trâu, bò; Nuôi trồng thủy sản: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng; Về mức hỗ trợ phí BHNN: Cá nhân SXNN thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo là 90% phí BHNN; Cá nhân SXNN khác là 20% phí BHNN; Tổ chức SXNN đáp ứng các điều kiện cụ thể về hợp tác, liên kết, quy mô lớn có ứng dụng công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường là 20% phí BHNN.
Cũng theo Quyết định, có 7 tỉnh (Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp) được hỗ trợ phí BHNN đối với cây lúa; 8 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Hà Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương) được bảo hiểm đối với trâu, bò; Đối với bảo hiểm tôm sú, tôm thẻ chân trắng được triển khai tại 5 tỉnh (Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau). Thời gian hỗ trợ phí BHNN từ ngày 26/6/2019 đến hết ngày 31/12/2020.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899