Đối thoại 2045: Kinh tế Việt Nam phát triển phải do người Việt làm chủ
TCDN - Đây là ý kiến được hầu hết các doanh nhân, trí thức tiêu biểu tại cuộc gặp mặt giữa Thủ tướng Chính phủ và các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề "Đối thoại 2045” diễn ra chiều nay (6/3).
Nguồn lực quốc gia là doanh nghiệp, doanh nhân
Tại "Đối thoại 2045", ông Vũ Thành Tự Anh, Thành viên Tư vấn tổ kinh tế của Thủ tướng cho rằng sức mạnh kinh tế và nội lực quốc gia sẽ quyết định vị thế của chúng ta trên trường quốc tế, an ninh đất nước và tiền đồ dân tộc.
Bất kì quốc gia giàu mạnh nào thì cũng phải có các doanh nhân, các doanh nghiệp hàng đầu và đồng thời phải có các trường đại học lớn nếu muốn ở đứng ở hàng đầu.
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbrigh tin tưởng, 25 năm nữa Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu “tầm nhìn” năm 2045.
Theo ông Tuấn, 25 năm trước tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt ở mức cao khoảng 9,3%/năm. Tuy nhiên, sao đó, do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới nên chúng ta tăng trưởng chậm lại. Những năm gần đây Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh khoảng 7%/năm, thuộc tốp cao nhất thế giới, được cộng đồng quốc tế đánh giá như ngôi sao đang lên.
Theo phân tích của ông Tuấn, nếu Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng trung bình khoảng 7%/năm trong 25 năm tới, thì Việt Nam sẽ chạm chuẩn thu nhập cao của thế giới.
Ông Tuấn nhấn mạnh, kinh tế Việt Nam phải do người Việt Nam làm chủ, không chỉ kinh tế Nhà nước mà phải mở rộng ra kinh tế trong nước nói chung, trong đó doanh nghiệp Việt Nam mới là chủ đạo. Doanh nghiệp nước ngoài là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế.
“Sự giàu có của người dân Việt Nam, sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là một đòi hỏi cấp thiết, như là một mệnh lệnh trên con đường hướng tiến đến một Việt Nam cường thịnh 2045”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, Phó Chủ tịch Ngân hàng SEABANK cho rằng có thể đặt tầm nhìn Việt Nam sẽ nằm trong top những nền kinh tế lớn nhất khu vực. Sẽ có những doanh nghiệp của Việt Nam, không phân biệt Nhà nước hay tư nhân, nằm trong danh sách những doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Để làm được điều đó, ngay bây giờ phải tạo dựng được một nền móng vững chắc, một dư địa phát triển rộng lớn cho những thế hệ sau này, để con, cháu chúng ta sẽ được sống trong một quốc gia phát triển với thu nhập cao, đúng với tinh thần của Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra.
“Tôi hoàn toàn tin tưởng Việt Nam chúng ta có cơ hội để hiện thực hóa tầm nhìn nói trên. Dưới góc độ kinh tế, trong vai trò của một doanh nghiệp tư nhân đa ngành lớn của Việt Nam với lịch sử hơn 30 năm phát triển, tôi thấy cộng đồng kinh tế tư nhân đang có một môi trường kinh doanh tốt nhất từ trước đến nay”, bà Nguyễn Thị Nga chia sẻ.
25 năm nữa xuất hiện doanh nghiệp, tập đoàn khổng lồ Việt Nam
Tổng kết “Đối thoại 2045”, Thủ tướng cho rằng, qua phát biểu của các doanh nghiệp, trí thức, chúng ta thấy khát khao cháy bỏng về một Việt Nam phát triển cường thịnh vào năm 2045. Đến năm 2045, tức 25 năm nữa, một phần tư thế kỷ, thời gian đủ dài để xuất hiện những doanh nghiệp, tập đoàn khổng lồ của Việt Nam.
Theo Thủ tướng có 5 vấn đề được nêu ra: Đó là con người và công nghệ, trong đó có vấn đề chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa của quốc gia.
Thứ hai là cần quan tâm đổi mới thể chế, đây là bà đỡ cho doanh nghiệp và đất nước, trong đó nhấn mạnh quyền con người, quyền công dân.
Thứ ba, trao cơ hội phát triển cho mọi loại hình doanh nghiệp, đặc biệt giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp, người dân, các thành phần kinh tế như FDI, hợp tác xã, hộ cá thể… trong đó kinh tế tư nhân là một trong những thành phần quan trọng. Cần phải có kết nối, phát triển hạ tầng cho doanh nghiệp, nhất là tạo điều kiện về đất đai.
Thứ tư là nguồn nhân lực Việt Nam phục vụ phát triển, đi liền với khởi nghiệp sáng tạo. Đi liền với đó là bảo vệ môi trường sống, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thứ năm là bảo vệ văn hóa Việt Nam, nếu mất văn hóa là mất tất cả.
Thủ tướng bày tỏ đặc biệt ấn tượng với những khẩu hiệu của doanh nghiệp, thể hiện một sứ mệnh hay giá trị mà doanh nghiệp muốn đóng góp cho xã hội, chẳng hạn như "Phát triển cùng đất nước" của Thaco, "Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người" của Vingroup, "Cho cuộc sống bừng sáng" của Novaland, “Thật sự thiên nhiên” của TH True Milk, “Vươn cao Việt Nam” của Vinamilk, “Hãy nói theo cách của Bạn” của Viettel...
Thủ tướng tin rằng cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh đồng nghĩa với một Việt Nam lớn mạnh và phát triển bền vững trong thời gian tới.
Thủ tướng đề nghị các bộ ngành và địa phương tiếp tục thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các Bộ trưởng, cam kết bảo đảm sự ổn định của kinh tế vĩ mô và minh bạch hóa chính sách; các bộ, ngành và địa phương phải mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội tham gia của doanh nghiệp; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và bảo đảm hoạt động của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường.
Bảo đảm thực thi chính sách minh bạch, hiệu quả; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp; thúc đẩy tính tự chủ, cạnh tranh của kinh tế tư nhân; không biến các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân thành bao cấp, phục vụ “lợi ích nhóm” dưới mọi hình thức.
Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực và các vấn đề đã nêu ra.
Đẩy mạnh thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển nguồn nhân lực, nhất là các trường đại học, các trường dạy nghề. Vai trò của đội ngũ trí thức đi liền với doanh nhân trong thời kỳ hội nhập và thúc đẩy chuyển đổi phát triển đất nước là vô cùng quan trọng.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899