Dự báo dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng 12,3% trong năm 2023

09/10/2023, 09:41
báo nói -

TCDN - Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng 4,6% trong quý 4/2023 và tăng 12,3% trong năm 2023, điều chỉnh giảm 0,2 đpt so với mức dự báo 12,5% tại kỳ điều tra trước.

Vụ Dự báo, Thống kê Ngân hàng Nhà nước vừa có kết quả của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý 4 năm 2023.

Theo kết quả điều tra, tỷ lệ tổ chức tín dụng (TCTD) nhận định nhu cầu vay vốn của khách hàng trong quý 3/2023 là “cải thiện” đạt mức thấp hơn so với quý 2/2023 và thấp hơn mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước. Nhu cầu gửi tiền, sử dụng dịch vụ thanh toán và thẻ được nhận định tiếp tục “cải thiện” ở mức thấp trong quý 3/2023 so với quý trước.

Tuy nhiên, các TCTD dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng có thể “cải thiện” tốt hơn trong quý 4/2023 do kỳ vọng tình hình kinh tế tích cực hơn, ngành sản xuất, xuất khẩu dần phục hồi, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “cải thiện” nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán. Trong cả năm 2023, nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng được dự báo “tăng” với tốc độ chậm lại so với năm 2022.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Theo nhận định của các TCTD, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong quý 3/2023 tiếp tục duy trì trạng thái “tốt”, “cải thiện” hơn so với quý 2/2023. Các TCTD dự báo tình hình thanh khoản sẽ tiếp tục dồi dào trong quý 4/2023 và cả năm 2023 so với năm 2022.

Các TCTD kỳ vọng bình quân mặt bằng lãi suất huy động và cho vay toàn hệ thống tiếp tục giảm 0,26 - 0,35 đpt trong quý 4/2023.

Như dự kiến tại kỳ điều tra tháng 6/2023, tại kỳ điều tra này các TCTD cho biết tiếp tục điều chỉnh giảm giá bình quân các sản phẩm, dịch vụ, trong đó, giảm mạnh lãi suất biên hơn phí dịch vụ trong quý 3/2023 và dự kiến tiếp tục giảm trong quý 4/2023. Tính chung trong năm 2023 so với 2022, giá bình quân sản phẩm dịch vụ được dự báo sẽ giảm đáng kể, nhưng có thể tăng nhẹ trong năm 2024 do phí dịch vụ dự kiến “tăng nhẹ” trong khi lãi suất biên được dự kiến tiếp tục “giảm nhẹ”.

Mặt bằng rủi ro (MBRR) tổng thể của các nhóm KH được các TCTD   nhận định tiếp tục tăng nhẹ trong quý 3/2023 và quý 4/2023 nhưng với tốc độ tăng chậm lại so với quý trước. So với năm 2022, MBRR được nhận định tăng đáng kể trong năm 2023, tuy nhiên kỳ vọng có thể giảm nhẹ trong năm 2024. Ở thời điểm hiện tại, bên cạnh 63% TCTD nhận định rủi ro tổng thể của các nhóm KH ở mức “bình thường” và 4,6% nhận định rủi ro ở mức “thấp”, có 32,4% TCTD  nhận định rủi ro tổng thể của KH ở mức “cao” và “khá cao”.

Huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 3,2% trong quý 4/2023 và tăng 8,7% trong năm 2023, điều chỉnh giảm so với mức kỳ vọng 10,6% ghi nhận tại kỳ điều tra trước.

Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng 4,6% trong quý 4/2023 và tăng 12,3% trong năm 2023, điều chỉnh giảm 0,2 đpt so với mức dự báo 12,5% tại kỳ điều tra trước.

Kết quả điều tra kỳ này cho thấy các TCTD nhận định tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng trong quý 3/2023 có biểu hiện “tăng nhẹ”, nhưng được kỳ vọng sẽ “giảm nhẹ” trong quý 4/2023.

Theo kết quả điều tra, các TCTD đánh giá tình hình kinh doanh và lợi nhuận của hệ thống ngân hàng trong quý 3/2023 chưa có sự cải thiện như kỳ vọng tại kỳ điều tra trước. Các TCTD tiếp tục điều chỉnh thu hẹp kỳ vọng về tình hình kinh doanh và lợi nhuận trong thời gian tới, với 66,7 - 72,1% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý 4 và cả năm 2023 (thấp hơn tỷ lệ 70,3-74,8% của kỳ trước), đồng thời, số TCTD lo ngại tình hình kinh doanh ”suy giảm” cũng tăng lên. Trong năm 2023, 82,6% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng trưởng dương so với năm 2022, bên cạnh đó, vẫn có 13,8% TCTD lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2023 và 3,7% ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Theo kết quả điều tra, ”Chính sách lãi suất, tín dụng, tỷ giá của đơn vị” tiếp tục được 71 - 75,7% TCTD đánh giá là nhân tố nội tại quan trọng nhất ảnh hưởng tích cực tới tình hình kinh doanh của đơn vị trong 2 quý liên tiếp (quý 2, 3/2023) và kỳ vọng trong cả năm 2023.

Đồng thời, các TCTD đánh giá ”Chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá của NHNN” tiếp tục là nhân tố khách quan quan trọng nhất giúp “cải thiện” tình hình kinh doanh của TCTD trong quý 3/2023 và cả năm 2023, sau đó đến “Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị” và “Điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng”. Trong khi đó, ”Sự cạnh tranh từ các TCTD khác” tiếp tục được đánh giá là nhân tố quan trọng nhất tác động tiêu cực làm “suy giảm” tình hình kinh doanh của TCTD trong quý 3/2023 và dự kiến cả năm 2023.

Theo nhận định của các TCTD, số lượng lao động, việc làm của ngành tài chính ngân hàng trong quý 3/2023 mặc dù tiếp tục tăng so với quý trước nhưng chưa đạt mức kỳ vọng. Các TCTD kỳ vọng tình hình lao động sẽ diễn biến khả quan hơn trong quý 4/2023 và cả năm 2023, 2024.

Hà Giang
Bạn đang đọc bài viết Dự báo dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng 12,3% trong năm 2023 tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Thủ tướng: Tháo gỡ nút thắt vốn tín dụng, phấn đấu giảm lãi suất cho vay
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tập trung tháo gỡ nút thắt vốn tín dụng; khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định, điều kiện, thủ tục cho vay, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp vào các lĩnh vực ưu tiên; phấn đấu giảm lãi suất, nhất là lãi suất cho vay.
Tín dụng 7 tháng tăng trưởng 4,56%
Tính đến cuối tháng 7/2023, vốn cho vay nền kinh tế chỉ đạt 4,56%, đạt khoảng 12,4 triệu tỷ đồng, thấp hơn cả mức 4,73% tại thời điểm cuối tháng 6.