Dù đói vốn, một số bộ ngành, địa phương trả lại 8.517 tỷ đồng nguồn ODA

26/09/2019, 14:03

TCDN - Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân ngân sách Nhà nước 9 tháng của năm đạt 192.136 tỷ đồng, bằng 45,17% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,14% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2018.

Ảnh: TTXVN

Ảnh: TTXVN

Sáng 26/9, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin: Tổng số vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước năm 2019 được Quốc hội quyết định là 429.300 tỷ đồng. Và, trước 31/12/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch chi tiết đạt trên 367.000 tỷ đồng, bằng 85,5% dự toán.

Theo ông Dũng, tỷ lệ kế hoạch vốn được giao sẵn sàng để giải ngân là khá cao. Số vốn chưa giao kế hoạch chi tiết chỉ chiếm 14,5%, không phải là nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, bởi ngay cả đối với số vốn đã được giao kế hoạch nhưng tỷ lệ giải ngân đạt thấp. 

Còn theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân ngân sách Nhà nước 9 tháng của năm đạt 192.136 tỷ đồng, bằng 45,17% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,14% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Trong đó, giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ và vốn nước ngoài (ODA) đều đạt thấp, cụ thể chỉ có 7 bộ ngành và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70%. Đáng nói, nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn dưới mức bình quân chung, theo đó 31 bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50% (trong đó 17 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%).

Cũng theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, lũy kế đến nay, số vốn được giao kế hoạch đạt trên 391.000 tỷ đồng, bằng 92,16% dự toán. Số vốn còn lại chưa giao kế hoạch khoảng 33.683 tỷ đồng. Bởi vậy, theo Bộ trưởng Dũng, nguyên nhân chủ yếu của việc chậm giải ngân là do chưa có danh mục dự án hoặc dự án chưa đủ thủ tục hay một số bộ, ngành, địa phương xin giảm kế hoạch và trả lại vốn, chờ điều chỉnh chủ trương của cấp có thẩm quyền và còn nhiều lúng túng trong công tác điều chỉnh...

Cụ thể, vốn trái phiếu Chính phủ còn lại chưa giao là 4.265 tỷ đồng, đây là số vốn đã được giao dự toán song Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế và một số địa phương đã không phân bổ hết được cho các dự án do dự án chưa đủ thủ tục, do tính toán lại khả năng giải ngân đạt thấp và đề nghị giảm kế hoạch.

Bên cạnh đó, vốn ngân sách trung ương còn lại chưa giao là 15.071 tỷ đồng, mặc dù đã được giao dự toán nhưng một số bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thiện danh mục dự án đủ thủ tục, chờ điều chỉnh chủ trương của cấp có thẩm quyền, trong đó lớn nhất là 7.040 tỷ đồng của Bộ Quốc phòng được Chính phủ cho phép hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án đến 31/10/2019 và 2.860 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam do đề xuất chưa phù hợp với đối tượng đầu tư công theo quy định của pháp luật. Ngoài ra còn 1.952 tỷ đồng của các địa phương dự kiến bố trí cho dự án thuộc Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội các vùng hiện đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình.

Điểm đáng lưu ý, vốn nước ngoài (ODA) còn lại chưa giao hiện cũng còn tới 14.346 tỷ đồng, do các dự án đang chờ hoàn thiện thủ tục, trong đó lớn nhất là thủ tục điều chỉnh, gia hạn hiệp định.

Đáng chú ý hơn, số vốn do 3 Bộ và 6 địa phương đề nghị giảm kế hoạch, trả lại vốn là khá lớn với 8.517 tỷ đồng, bên cạnh đó số vốn dự kiến thu hồi là 10.078 tỷ đồng, trong trường hợp một số dự án ODA quy mô lớn kịp hoàn thiện thủ tục đầu tư (như các dự án đường sắt đô thị của Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh) có thể báo cáo cấp có thẩm quyền điều chuyển số vốn dự kiến thu hồi này cho các dự án đó. 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm giải ngân, các ý kiến cho rằng do năm 2019 là năm có nhiều điều chỉnh trong kế hoạch trung hạn (như sử dụng dự phòng 10% tại các bộ, ngành, địa phương, điều chỉnh cắt giảm, bổ sung vốn và danh mục dự án...) nên mất nhiều thời gian rà soát, xét duyệt của các cấp có thẩm quyền, bởi danh mục và số vốn kế hoạch trung hạn là điều kiện tiên quyết để giao kế hoạch vốn hàng năm.

Thêm vào đó còn có các nguyên nhân chủ quan, công tác kế hoạch hóa đầu tư công tại các cơ quan tổng hợp và bộ, ngành, địa phương hiện còn nhiều bất cập, việc lập kế hoạch chưa sát với thực tế, chưa tính toán kỹ khả năng giải ngân, có tâm lý xây dựng nhu cầu vốn cao nhưng phân bổ cho các dự án chưa hợp lý, chưa phù hợp với nguyên tắc, thứ tự ưu tiên, thậm chí còn dự kiến bố trí cho những dự án chưa đủ thủ tục nên dẫn tới không thể giao được kế hoạch theo quy định pháp luật.

Một phần khác, thực trạng giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công cơ bản “dậm chân” tương tự như các năm trước do tâm lý tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp, sau đó có xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm.

Đông Phong
Bạn đang đọc bài viết Dù đói vốn, một số bộ ngành, địa phương trả lại 8.517 tỷ đồng nguồn ODA tại chuyên mục Ý kiến của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan