Giải ngân vốn ODA mới đạt hơn 10% kế hoạch

15/09/2019, 16:34

TCDN - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đánh giá việc giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài năm 2019 rất chậm.

ODAok

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến cuối tháng 8, giải ngân vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài ước đạt 6.480 tỉ đồng, tương đương 10,7% kế hoạch vốn do Quốc hội giao (60.000 tỉ đồng).

Trong 3 năm 2016 - 2018, tổng số vốn đầu tư từ nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài là 137.176 tỉ đồng, đạt 74,53% dự toán. Còn 6 tháng đầu năm nay, tỉ lệ giải ngân đạt 3,4% kế hoạch được Quốc hội giao. Chi thường xuyên từ nguồn vốn nước ngoài 8 tháng đầu năm đạt 862 tỉ đồng, bằng 8,5% dự toán Quốc hội phê duyệt. 

Trong đó, có 35 bộ, ngành, địa phương từ đầu năm 2019 đến nay chưa có giải ngân; nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp, như: Bộ Y tế (4,8%), tỉnh Quảng Ninh (0,5%), Quảng Nam (2,3%), Hưng Yên (8,3%)…

Sở gĩ kết quả giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi chậm, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, chủ yếu do vướng mắc trong giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn chậm, thiếu so với nhu cầu; phân bổ vốn chưa sát với thực tế; điều chỉnh kế hoạch chậm, thủ tục kéo dài; chậm trễ trong việc hoàn thành các thủ tục về hồ sơ giải ngân thanh toán cũng như ghi thu, ghi chi…

Chẳng hạn, tại Bộ Giáo dục và đào tạo - đơn vị có tỉ lệ giải ngân chậm, mới đạt 25% kế hoạch với lý do là thiếu vốn đối ứng. Thực tế, vốn ODA được rót về cũng không giải ngân được vì không có vốn đối ứng. Do thiếu vốn nên cứ làm được một vài tháng lại nằm chờ vốn.

Bên cạnh đó, theo Bộ Giáo dục và đào tạo, thời hạn giao vốn rất chậm, thường là từ tháng 1 đến tháng 3 chỉ là làm kế hoạch và đến quý 3 mới giải ngân vốn ODA. Mặt khác, các thủ tục thẩm định về thiết kế dự án cơ sở và thiết kế dự án thi công mất hơn 1 năm trời mới xong. Dự án nào nhanh cũng phải mất 8 tháng. Có gói thầu thiết bị từ khi mời thầu đến khi giải ngân mất cả năm.

Về vốn đối ứng dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, ông Đinh Tiến Dũng khuyến cáo các bộ ngành, địa phương cần rút kinh nghiệm, nghiên cứu lại vốn đối ứng vì lúc lập, xem xét dự án, "ông nào cũng cam kết hoàn thành, nhưng khi đi vào thực hiện thì mới bí". "Cần phải rút kinh nghiệm, liệu cơm gắp mắm. Đây là bài học lâu nay, tồn tại quá dài mà chưa khắc phục được" - ông Dũng nhấn mạnh.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng Nghị định mới về quản lý vốn ODA và vay ưu đãi thay thế Nghị định số 132/2018/NĐ - CP và Nghị định số 16/2016/NĐ - CP theo hướng tập trung vào một đầu mối công tác quản lý nợ công; rà soát để đơn giản hóa các thủ tục hành chính bao gồm quy trình bổ sung kế hoạch vốn hàng năm, cơ chế điều chỉnh, điều chuyển kế hoạch vốn cũng như cơ chế hạch toán và chuyển nguồn đối với vốn vay ODA, vay ưu đãi.

Bộ cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ, ngành và địa phương rà soát tổng thể việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn đến năm 2020 để kịp thời điều chỉnh và phân bổ vốn cho các dự án đang thiếu vốn nhằm đảm bảo hoàn thành việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao trong giai đoạn 2016 - 2020 theo đúng Nghị quyết số 71/2018/QH14 của Quốc hội, đảm bảo trong phạm vi 2 triệu tỷ đồng, giảm vốn vay trong nước tương ứng với việc tăng vốn nước ngoài.

Minh Tình
Bạn đang đọc bài viết Giải ngân vốn ODA mới đạt hơn 10% kế hoạch tại chuyên mục Ý kiến của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan