Dự kiến tăng thu ngân sách nhà nước 3,4% trong 2022 là "chưa phù hợp"

21/10/2021, 15:28

TCDN - Theo ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 xây dựng theo dự kiến mức tăng trưởng kinh tế 6-6,5%, lạm phát khoảng 4% song dự kiến tốc độ tăng thu chỉ tăng 3,4% là chưa thực sự phù hợp.

Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) xây dựng theo dự kiến mức tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5%, lạm phát khoảng 4% song dự kiến tốc độ tăng thu chỉ tăng 3,4% là chưa thực sự phù hợp.

Ngoài ra, việc dự kiến tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,1% GDP thấp hơn so với mức bình quân theo Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội (không thấp hơn 16% GDP).

Dự toán thu nội địa tăng 3,8%, nhưng để phấn đấu đưa số thu nội địa bình quân giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 85 - 86% tổng thu ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 23/2021/QH15 thì còn khoảng cách khá lớn. Bên cạnh đó, cơ cấu thu nội địa còn có các khoản thu chứa đựng nhiều rủi ro như: thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước.

Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách.

Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách.

Theo ông Cường, việc dự toán 3 khoản thu từ các khu vực sản xuất kinh doanh chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, đối với nguồn thu từ doanh nghiệp nhà nước chỉ tương đương với số thực hiện năm 2021 là mức dự kiến còn thấp.

Bên cạnh đó, dự toán thu tiền sử dụng đất năm 2022 chỉ bằng 96% so với thực hiện năm 2021 theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách là chưa hợp lý.

Về thu từ dầu thô, theo đánh giá của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, trong điều kiện giá dầu thế giới tăng cao thì việc dự kiến sản lượng khai thác giảm so với ước thực hiện năm 2021 là chưa phù hợp.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị, trong dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 cần tính đến số giảm thu do có thể tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí trong trường hợp dịch bệnh còn ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh.

Về dự toán chi NSNN, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng nguyên tắc chi cần thực hiện đúng Hiến pháp, Luật NSNN, các định mức chi đầu tư, chi thường xuyên; ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch; bố trí hợp lý, hiệu quả dự phòng ngân sách, dự trữ quốc gia; bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, công khai, đúng mục đích, tránh thất thoát, lãng phí; thực hiện chế độ báo cáo theo luật định; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

Ủy ban TCNS nhận thấy, tỷ trọng chi NSTW trong tổng chi NSNN chỉ chiếm xấp xỉ 47% là chưa đảm bảo vai trò chủ đạo của NSTW theo quy định của Hiến pháp.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách, dự toán chi thường xuyên chiếm 62,2% tổng chi NSNN, bảo đảm phù hợp với Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội. Tuy nhiên, đề nghị bố trí đủ cho các chính sách đối với người có công, người về hưu trước năm 1995, người gặp khó khăn... Ngoài ra, cần tiếp tục rà soát, cơ cấu lại một số khoản chi bảo đảm hợp lý; cắt, giảm những nhiệm vụ chi không cần thiết.

Về chi trả nợ, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị tiếp tục ưu tiên bố trí đủ chi trả nợ lãi theo đúng cam kết, bảo đảm hệ số tín nhiệm của Việt Nam trên trường quốc tế; cơ cấu lại hiệu quả hơn các khoản vay cả về kỳ hạn và lãi suất để giảm áp lực trả nợ gốc, góp phần giảm chi trả nợ lãi, giữ vững an ninh tài chính quốc gia.

Ngoài ra, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi phòng, chống dịch COVID-19; cho phép kéo dài kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021 sang năm 2022; bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, đề nghị việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương phải đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả và có thời hạn sử dụng cụ thể. Đối với bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam, đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc lập dự toán để bảo đảm tính chắc chắn, khả thi, hạn chế tối đa việc điều chỉnh dự toán.

Đối với đề xuất về cải cách tiền lương, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, căn cứ tình hình dịch bệnh hiện nay, việc thực hiện cải cách tiền lương từ 01/7/2022 là khó khả thi. Theo đó, nhất trí với phương án Chính phủ trình. Để có điều kiện cho việc triển khai trong những năm tiếp theo, đề nghị Chính phủ tính toán, chú trọng hơn nữa việc cân đối nguồn lực để bảo đảm thực hiện Nghị quyết 27, góp phần bảo đảm đời sống người hưởng lương, nhất là đối tượng có mức lương thấp.

Đồng thời, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị tiếp tục bám sát tình hình thực tế, xây dựng phương án tỷ lệ điều tiết phù hợp, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Để bảo đảm hỗ trợ nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế của một số địa phương có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của đại dịch COVID-19, đề nghị Chính phủ điều chỉnh tỷ lệ điều tiết trong năm 2022 ở mức hợp lý.

Hải Nam
Bạn đang đọc bài viết Dự kiến tăng thu ngân sách nhà nước 3,4% trong 2022 là "chưa phù hợp" tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Dự toán thu nội địa có thể tăng 6 - 8% trong 2022
Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 phải được xây dựng phấn đấu ở mức tích cực, khả thi, theo đúng các quy định của pháp luật. Phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2022 bình quân cả nước tăng khoảng 6-8% so với ước thực hiện năm 2021.
Bổ sung dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2020
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP về việc bổ sung dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2020 từ nguồn thu 70% lệ phí xuất nhập cảnh được phép để lại từ năm 2011 đến năm 2014 của Bộ Công an.