Gần 50 triệu người Việt Nam mua sắm online, tỷ lệ hàng giả cao

16/11/2023, 10:57
báo nói -

TCDN - Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số mua sắm online cao nhất Đông Nam Á với 49,3 triệu người, tương đương 41% tỷ lệ dân số. Tuy nhiên tỷ lệ vi phạm hàng giả, gian lận thương mại lớn.

Tại Hội thảo “Nâng cao năng lực phòng, chống và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử” ngày 15/11, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, khoảng 2 năm trở lại đây, thương mại điện tử trở thành một trong những vấn đề lớn, tác động đến việc kinh doanh trực tiếp tại cửa hàng, cửa hiệu. Người mua dần thay đổi thói quen, dẫn đến các cơ sở phải cắt giảm sự hiện diện trên phố để chuyển dịch hình thức kinh doanh.

Ông Linh dẫn chứng, chợ Ninh Hiệp với khoảng 2.000 hộ kinh doanh, hoạt động buôn bán tại đây luôn tấp nập với lượng hàng hóa luân chuyển lớn, đưa đi khắp nơi trên cả nước nên số hàng giả hàng nhái rất cao. Thế nhưng hiện nay, chợ Ninh Hiệp rất đìu hiu, vắng vẻ và đa số cửa hàng tại đây đóng cửa trả lại mặt bằng cho thuê vì chủ yếu tập trung bán hàng online.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, nếu như năm 2020, doanh số bán lẻ trên internet tại Việt Nam là 13 tỷ USD thì đến năm 2022, con số này tăng vọt lên thành 35 tỷ USD. Bên cạnh đó, Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số mua sắm online cao nhất Đông Nam Á với 49,3 triệu người, tương đương 41% tỷ lệ dân số.

“Quá trình kiểm soát, xử lý... lực lượng gặp rất nhiều khó khăn bởi tính đặc thù như địa điểm mua bán không xác định được, người bán hàng có thể ở bất kỳ đâu; kho hàng, thời điểm giao kết hợp đồng rất khó để xác định và chứng cứ rất dễ thay đổi. Hơn nữa việc thanh toán qua trung gian càng khiến quá trình truy vết gặp khó. Điều này cũng đã và đang tạo ra thách thức cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa”, ông Trần Hữu Linh chia sẻ.

Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho hay, các mặt hàng bị làm giả, làm nhái trên thương mại điện tử rất đa dạng và khó phát hiện, do hình ảnh và thông tin sản phẩm cung cấp trên các trang bán hàng là thật. Người bán hàng lại thường không có kho hàng, chỉ bán online, làm cộng tác viên trung gian...  nên lực lượng chức năng khó kiểm tra, xử lý.

Theo Thượng tá Phạm Công Hải- đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), trên không gian mạng hiện nay có rất nhiều hình thức vi phạm liên quan đến thương mại điện tử. Vi phạm điển hình là bán hàng giả của các nhãn hàng lớn. Cùng với đó, tình trạng rao bán vũ khí, công cụ hỗ trợ, các thiết bị ghi âm, ghi hình, định vị, ngụy trang qua hàng nghìn tài khoản mạng xã hội, số điện thoại, hội nhóm kín rao bán vũ khí, công cụ hỗ trợ… cũng diễn ra.

Để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường nhấn mạnh cần coi mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử là một trận địa, không gian ảo cũng như đời thật để chủ động đấu tranh, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống quản lý không gian mạng, hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, rủi ro cho chuyển đổi số xuyên suốt, thống nhất từ Trung ương tới quản lý thị trường các địa phương để kịp thời xử lý các sự cố, các vụ việc vi phạm.

Hà Giang
Bạn đang đọc bài viết Gần 50 triệu người Việt Nam mua sắm online, tỷ lệ hàng giả cao tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Phó thủ tướng: Thu đúng, đủ thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số
Báo cáo trước đại biểu Quốc hội, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước được tăng cường, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, nhất là đối với thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; kiểm soát chặt chẽ bội chi...
Bộ Công Thương: Cảnh giác với chiêu trò giả mạo Chương trình thương mại điện tử xuyên biên giới để lừa đảo
Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp và người dân nên cảnh giác với các thông tin sử dụng logo, tên của Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số và Amazon Global Selling Việt Nam để giả mạo Chương trình thương mại điện tử xuyên quốc gia nhằm mục đích lừa đảo.