Giá vàng tiếp tục tăng sốc lên hơn 56 triệu đồng mỗi lượng

24/07/2020, 13:42

TCDN - Cuối giờ sáng nay (24/7), giá vàng trong nước đã chính thức vượt mốc 56 triệu đồng/lượng. Thị trường tấp nập trở lại với kẻ bán người mua xếp hàng dài tại các cửa hàng lớn.

Các doanh nghiệp vàng trong nước liên tục điều chỉnh giá theo chiều hướng tăng thẳng đứng từ đầu giờ sáng.

Lúc 11 giờ sáng nay, giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu được giao dịch ở mức 54,4 - 55,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Mức giá này tăng khoảng 700 nghìn đồng/lượng so với đầu giờ sáng.Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn, mỗi lượng vàng SJC cũng đã đắt lên tới 800 nghìn đồng/lượng so với đầu giờ sáng và đã vượt qua mốc 56 triệu đồng/lượng, giao dịch ở mức 54,4 - 56,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

tai-sao-nguoi-ta-lai-mua-vang-ngay-than-tai-2_700x467

Như vậy, chênh lệch giữa mua và bán lúc này lại tiếp tục được nới rộng lên tới 1,5 triệu đồng/lượng. Quy đổi theo tỷ giá tại Vietcombank hôm nay, giá vàng trong nước đang đắt hơn giá thế giới khoảng 3 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế và các khoản phí).

Từ chiều qua, thời điểm giá vàng vượt 54 triệu đồng/lượng, người dân Hà Nội bắt đầu đổ xô đi mua, bán vàng. Theo ghi nhận tại các doanh nghiệp kinh doanh vàng, lượng khách giao dịch tăng mạnh so với những ngày trước đó.

Theo quan sát tại "phố vàng" Trần Nhân Tông, Hà Nội, khách hàng chủ yếu giao dịch tại các cửa hàng lớn còn các cửa hàng nhỏ lẻ vẫn thưa khách. Tại hai điểm chính của Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu trên phố Trần Nhân Tông sáng nay, luôn trong tình trạng khách xếp hàng chờ giao dịch.

Đại diện Bảo Tín Minh Châu cho biết, tại các chi nhánh kinh doanh của Bảo Tín Minh Châu sáng nay khách giao dịch đến đông hơn nhiều lần so với ngày thường, lượng khách mua vào chiếm 50% và bán ra chiếm 50%.

Trong số những vị khách xếp hàng tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu, số 19 Trần Nhân Tông có rất nhiều khách hàng cao tuổi. Phần lớn đều đến bán vàng chốt lời hoặc mang tiền tiết kiệm đi mua vàng.Bà Nguyễn Phương Liên ở phố Bạch Mai, Hà Nội cho biết, bà có 8 cây vàng mua từ thời điểm 37 triệu đồng/lượng, đúng vào thời điểm này con trai mua nhà cần tiền nên bác mang đi bán.

"Nếu con tôi chưa cần tiền thì chưa chắc tôi đã đi bán, tôi nghe nói vàng còn lên cao nữa nên cũng chưa muốn bán. Tuy nhiên, đúng lúc cần tiền mặt mà bán được giá như này cũng là may mắn rồi", bà Liên nói.

Cụ bà giấu tên 85 tuổi ở phố Lò Đúc cho biết, thấy sáng nay giá vàng vượt 55 triệu đồng/lượng nên cụ mang khoản tiền lương tiết kiệm được hàng tháng đi mua vàng. Cụ cho biết, khoản tiền này cụ dự định để đi chơi nhưng thấy giá vàng dự báo sẽ còn tăng nên cụ đi mua vàng.

Khi được hỏi tại sao cụ mua vào lúc giá cao, như vậy sẽ rất rủi ro, cụ bà cho biết: "Khoản tiền này của tôi để đi du lịch, mà như thế thì cũng là lỗ rồi nên mua vàng dù có lỗ cũng chấp nhận".

Trước diễn biến trên, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đánh giá, giá vàng trong nước diễn biến tăng phù hợp với mức tăng của giá vàng quốc tế, giao dịch mua, bán trên thị trường ở mức bình thường, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng mà còn có hiện tượng một số người dân có xu hướng bán vàng ra khi giá vàng cao.

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới giá vàng thế giới còn diễn biến phức tạp, chủ yếu phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới cũng như diễn biến căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Do vậy, giá vàng trong nước có thể biến động tăng, giảm theo giá vàng thế giới.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng giá vàng trong thời gian này còn nhiều yếu tố rủi ro.

Liệu giá vàng có lên đến 60 triệu đồng mỗi lượng ?

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), cho rằng vàng thế giới tăng mạnh từ đầu tuần đến nay vẫn dựa vào những trợ lực có sẵn.

Lý do từ tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới suy giảm, cho tới các chính sách nới lỏng tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản của ngân hàng trung ương các nước.Tuy vậy, rất khó để vàng trong nước có thể chạm mốc 60 triệu đồng/lượng trong ngắn hạn.

“Giá đỉnh lịch sử của vàng thế giới là 1.923 USD/ounce thiết lập hồi tháng 9/2011. Trong khi giá hiện nay mới ở mức 1.870 USD, còn khoảng 50-60 USD mới tới giá đỉnh. Và trong khoảng cách này vẫn còn 2-3 ngưỡng kiểm tra quan trọng nữa của vàng”, ông Hải phân tích.

Hiện tại, vàng trong nước đã cao hơn thế giới 1 triệu đồng. Nếu thế giới tăng thêm 50-60 USD để đạt đỉnh lịch sử (1.923 USD), tương đương mức 54 triệu đồng.Từ khoảng cách này lên 60 triệu sẽ tương đương khoảng 250 USD/lượng, quy đổi ra là gần 300 USD/ounce.

“Như vậy, để vàng trong nước đạt 60 triệu/lượng, vàng thế giới sẽ phải tăng lên trên 2.200 USD/ounce. Hiện nay, chưa có cơ sở để khẳng định giá thế giới sẽ vượt đỉnh 1.923 USD, chưa nói tới mức 2.000 USD”, ông Hải nhấn mạnh.

Vị chuyên gia cho rằng, dù dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, các trợ lực của vàng vẫn còn, không loại trừ kịch bản kim loại quý sẽ bị điều chỉnh trong tháng 9-10.

Nguyên nhân chính đến từ việc Tổng thống Donald Trump sẽ tìm mọi cách để tái đắc cử vào tháng 11. Trong đó, sẽ có các biện pháp kích thích kinh tế, hỗ trợ thị trường chứng khoán, dòng tiền sẽ bị hút từ vàng qua chứng khoán và giảm giá.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư vàng thế giới đã, đang, và sẽ chốt lời từ mức giá hiện tại cho tới khi đạt mốc 1.900 USD/ounce. “Nhà đầu tư thế giới bán khống, bán vàng giấy chứ không như Việt Nam là vàng thật. Vì vậy, áp lực chốt lời với kim loại quý thế giới là rất lớn, nhất là sau giai đoạn tăng mạnh vừa qua”, ông Hải nói.

Có góc nhìn lạc quan hơn, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mọi kịch bản đều có thể xảy ra trên thị trường vàng. Mặt hàng này đã tăng lên gần 54 triệu/lượng, và khoảng cách này lên 60 triệu không phải mức quá xa đối với kim loại quý.

“Từ nay đến cuối năm còn 5 tháng, về lý thuyết vẫn có khả năng vàng đạt 60 triệu, nhưng tất cả nhà đầu tư đều hiểu thị trường vàng đang biến động rất mạnh. Vàng có thể giảm bất cứ lúc nào khi lực cầu suy giảm hoặc bị bán chốt lời”, ông lưu ý.

Vị chuyên gia cũng khẳng định quan điểm, vàng trong nước và thế giới tăng gần đây không phải do yếu tố cung cầu mà từ sự lo ngại của giới đầu tư trước các cuộc khủng hoảng y tế, kinh tế, chính trị, tiền tệ...

“Tuy nhiên, bất cứ khi nào nhà kinh doanh vàng nới rộng chênh lệch mua bán tức là rủi ro cho người mua đang tăng cao”, ông nói.

Chênh lệch giá 100.000-300.000 đồng/lượng được xem là bình thường với vàng trong nước, nhưng khi chỉ số này được đẩy lên trên dưới 1 triệu, là rủi ro đang ở mức rất cao.Khi thị trường rủi ro, các doanh nghiệp thường cẩn thận mua vào với giá thấp và bán ra với giá cao để đẩy rủi ro giảm giá về phía người mua. Ngoài ra, các doanh nghiệp đang nhìn nhận giá kim loại quý thế giới tăng không phải do cung cầu mà do tồn tại yếu tố đầu cơ”, tiến sĩ Hiếu cảnh báo.

Thanh Hà
Bạn đang đọc bài viết Giá vàng tiếp tục tăng sốc lên hơn 56 triệu đồng mỗi lượng tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan