Grab Việt Nam lỗ lũy kế hơn 4.300 tỷ đồng

19/07/2022, 11:19

TCDN - Tính đến hết năm 2021, Grab ghi nhận khoản lỗ luỹ kế 4.366 tỷ đồng. Do vốn điều lệ của doanh nghiệp duy trì ở mức 20 tỷ đồng khiến Grab âm vốn chủ sở hữu gần 4.346 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính năm 2021, doanh thu của Grab Việt Nam giảm 11% so với năm trước đó, xuống còn 3.345 tỷ đồng, tương đương mức thu gần 9,2 tỷ đồng mỗi ngày. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng lại tăng nhẹ khiến lợi nhuận gộp của Grab giảm 19,5%, còn 1.950 tỷ đồng.

Sau khi trừ các chi phí, Grab Việt Nam lỗ khoảng 300,5 tỷ đồng. Lợi nhuận của công ty này đảo chiều so với năm 2020 (lãi hơn 243 tỷ đồng) chủ yếu bởi chi phí bán hàng tăng mạnh. Năm 2021, Grab Việt Nam ghi nhận chi phí bán hàng 1.926 tỷ đồng, tăng gần 390 tỷ đồng so với năm 2020.

Trong đó, tiền khuyến mại khoảng 1.622 tỷ (tăng 293 tỷ) và chi phí quảng cáo 303 tỷ (tăng 96 tỷ). Con số này cũng phần nào phản ánh đúng thực tế Grab vẫn đều đặn tung các mã khuyến mại để giữ chân khách hàng cũ, thu hút người dùng mới trong bối cảnh các đối thủ trên thị trường vẫn mạnh tay "đốt tiền" như Gojek, ShopeeFood hay xuất hiện thêm người chơi như Baemin.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tính đến hết năm 2021, Grab ghi nhận khoản lỗ luỹ kế 4.366 tỷ đồng. Do vốn điều lệ của doanh nghiệp duy trì ở mức 20 tỷ đồng khiến Grab âm vốn chủ sở hữu gần 4.346 tỷ đồng.

Các khoản vay dài hạn của công ty này tính đến ngày 31/12/2021 gần 4.279 tỷ đồng. Hai bên cho Grab Việt Nam vay là GrabTaxi Holdings (3.373 tỷ đồng) và Grab Inc (905 tỷ đồng). Các khoản vay này đều bằng đồng USD, lãi suất 0% và không có tài sản đảm bảo.

Theo tìm hiểu, Grab thâm nhập thị trường Việt Nam từ tháng 2/2014 với sự ra đời của Công ty TNHH GrabTaxi (GrabTaxi). Các cổ đông sáng lập gồm: Ông Nguyễn Tuấn Anh (34% vốn điều lệ); ông Nguyễn Phú Sinh (33% vốn) và ông Trần Anh Đức (33% vốn).

Sau nhiều biến động, tháng 3/2020, Grab đã tìm được "Vietnamese local partner" mới, là bà Lý Thị Bích Huyền (SN 1981).

Về cơ cấu vốn của Grab Việt Nam, hiện tại, bà Lý Thị Bích Huyền nắm 51%, Grab Inc - một doanh nghiệp được thành lập tại Singapore nắm 49%.

Theo giới thiệu trên website Grab, bà Huyền hiện là người đại diện pháp luật, kiêm Giám đốc điều hành Grab Việt Nam.

Ngoài Grab Việt Nam, bà Lý Thị Bích Huyền còn đứng tên tại nhiều pháp nhân khác, như: CTCP VH1 Solutions, Công ty TNNHH VH2 Solutions, Công ty TNHH G-Trees.

Mới đây, Grab công bố thu thêm phụ phí 5.000 đồng với mỗi đơn hàng GrabBike, GrabFood tại TPHCM, Hà Nội và nhiều địa phương khi thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng không giải thích chi tiết điều kiện áp dụng. Grab cũng đã áp dụng thu thêm một số loại hình phí và phụ phí như "phụ phí khi mưa lớn", "phụ phí khi kẹt xe", "phí chờ đợi".

Liên quan đến các vấn đề nêu trên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng yêu cầu Grab cung cấp danh mục, làm rõ các loại hình, mức phí và phụ phí hiện nay được cộng trực tiếp vào giá cước hiển thị.

Bên cạnh đó, Grab cũng phải cung cấp thông tin chi tiết về căn cứ, cơ sở, tiêu chí để áp dụng, việc phân chia lợi nhuận của các loại phí và phụ phí giữa Grab và lái xe... Theo yêu cầu của Cục, mọi thông tin cần được gửi về trước ngày 18/7.

Ngọc Diễm
Bạn đang đọc bài viết Grab Việt Nam lỗ lũy kế hơn 4.300 tỷ đồng tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Tài xế Grab, Be, Gojek có thể chỉ phải nộp thuế thu nhập cá nhân 1,5%
Bộ Tài chính cho biết, tại dự thảo Thông tư hướng dẫn về hộ kinh doanh sửa đổi, bổ sung theo hướng gom tất cả các khoản thu nhập mà tài xế nhận được từ hợp đồng hợp tác kinh doanh với các công ty taxi công nghệ để tính thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 1,5%, không chịu thuế GTGT.