Hà Nội: "Người dân đã có thể dùng nước sông Đà để ăn, uống"

22/10/2019, 16:44

TCDN - Sau đúng 2 tuần phát hiện bị đổ trộm dầu thải và tiến hành xử lý, đến nay nước sông Đà đã có thể sử dụng cho mục đích ăn uống, sinh hoạt.

Chánh văn phòng UBND thành phố Vũ Đăng Định:

Chánh văn phòng UBND thành phố Vũ Đăng Định: "Người dân đã có thể dùng nước sông Đà để ăn, uống".

“Kết quả lấy mẫu và phân tích thì toàn bộ 69/69 mẫu nước lấy trong các ngày 16-21/10 có chỉ tiêu Styren đạt quy chuẩn của Bộ Y tế. Người dân có thể sử dụng cho mục đích sinh hoạt, ăn uống được”.

Thông tin trên được Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội (người phát ngôn thành phố) Vũ Đăng Định đưa ra tại cuộc giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, chiều 22/10.

Theo ông Định, cả 69/69 mẫu nước được Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố phối hợp với các đơn vị chuyên môn trung ương lấy tại hộ dân ở 8 quận, huyện có sử dụng nước của nhà máy sông Đà gồm: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai. Ông Định cho biết thêm, trong thời gian này, thành phố tiếp tục cấp nước miễn phí bằng xe téc và bình nước loại 20 lít đến những khu dân cư có nhu cầu, đồng thời đề nghị Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà miễn phí tiền nước đến hết ngày 31/10.

Thành phố cũng chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp tục xét nghiệm mẫu nước tại đầu nguồn, nhà máy, các bể chứa tăng áp của nhà máy, các vùng dân bị ảnh hưởng đến hết tháng 10. Kết quả sẽ công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Về quy trình xét nghiệm các mẫu nước, ông Hoàng Đức Hạnh – Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, việc xét nghiệm nước được thực hiện theo thông tư 41 năm 2018 của Bô Y tế.

Quy chuẩn về nước sạch đang dùng là quy chuẩn Việt Nam 01 năm 2009, quy định 109 chỉ tiêu, chia làm ba mức độ giám sát: 14 chỉ tiêu giám sát mức độ A (biến động nhiều); 17 chỉ tiêu mức độ B (biến động ít hơn) và 78 chỉ tiêu mức độ C (rất ít khi biến động). Với chỉ tiêu A, đơn vị cung cấp nước sạch phải nội kiểm (tự kiểm tra) mỗi tuần một lần, ngành y tế hai tháng kiểm tra một lần. Chỉ tiêu B ngành y tế kiểm tra sáu tháng/lần, chỉ tiêu C hai năm/lần.

Ông Hạnh cho biết, trước khi đưa vào sử dụng thì nhà máy bắt buộc phải công bố cả ba chỉ tiêu an toàn và chịu trách nhiệm về công bố. Bên cạnh đó, phòng xét nghiệm của nhà máy phải lấy mẫu kiểm tra hàng ngày một số chỉ tiêu mùi vị, độ đục... và xử lý hoá chất. Tất cả quy trình này đều được lập biên bản và lưu trữ.

Trả lời câu hỏi về vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho rằng "hồ Đầm Bài rất rộng, bảo vệ rất khó, nước hồ còn dùng chung cả cho tưới tiêu. Thành phố đã có công văn yêu cầu tách riêng các nguồn nước sản xuất và nước tưới tiêu để bảo vệ".

Theo ông Dục, nguồn nước mặt sông Đà được đưa vào sử dụng từ 11 năm trước, có thể có những thiết bị cũ, không còn phù hợp nên thành phố đề nghị thay thế công nghệ hiện đại hơn. Thành phố sẽ rà soát quy trình quản lý an ninh nguồn nước để chỉ rõ trách nhiệm các bên; đồng thời đầu tư thiết bị quan trắc, nâng cao khả năng cảnh báo nguy cơ liên quan chất lượng nước sạch.

Với Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà, thành phố yêu cầu bổ sung hệ thống quan trắc tự động để đánh giá chất lượng nước đầu vào, đầu ra, kịp thời cảnh báo, khắc phục các sự cố trong tương lai.

Thành phố cũng yêu cầu Công ty rà soát toàn bộ thiết kế của nhà máy, xây dựng khu chứa nước đầu vào riêng, không sử dụng chung với hồ Đầm Bài như hiện nay.

Hải Tiến
Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: "Người dân đã có thể dùng nước sông Đà để ăn, uống" tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Khởi tố vụ án đổ trộm dầu thải vào đầu nguồn nước sông Đà
Khối lượng thu gom khoảng 100 lít dầu, nước dính dầu; 7 bao tải có dính dầu khoảng 60 kg được lưu giữ trong kho chứa chất thải nguy hại của nhà máy; khoảng 3-4 m3 cát dính dầu được chôn lấp tạm thời trong khuôn viên nhà máy, thành và đáy hố được lót bạt dứa, trên mặt phủ đất.