Hà Nội thu ngân sách đạt gần 280.000 tỷ đồng trong 2020

07/12/2020, 19:28

TCDN - Năm 2020 tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thủ đô Hà Nội ước thực hiện 279.359 tỷ đồng, đạt 100,2% dự toán HĐND Thành phố giao, tăng 3,5% so với thực hiện năm 2019.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại Kỳ họp thứ 18 HĐND TP Hà Nội.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại Kỳ họp thứ 18 HĐND TP Hà Nội.

GRDP cao gấp 1,5 lần cả nước

Theo báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng năm 2020; nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của Thành phố Hà Nội do Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn trình bày, năm 2020, về cơ bản Thành phố vẫn đạt được mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đề ra, trong đó, đạt và vượt 16/22 chỉ tiêu chủ yếu.

Cân đối thu - chi ngân sách được đảm bảo. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 279.359 tỷ đồng, đạt 100,2% dự toán HĐND Thành phố giao, tăng 3,5% so với thực hiện năm 2019. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 87.461,9 tỷ đồng, đạt 84,7% dự toán HĐND Thành phố giao đầu năm (91,5% dự toán sau điều chỉnh), trong đó: chi đầu tư phát triển 40.743,9 tỷ đồng, đạt 90,7 dự toán giao đầu năm (93,0% dự toán sau điều chỉnh), chi thường xuyên 46.045,5 tỷ đồng, đạt 95,1% dự toán giao đầu năm (99,3% dự toán sau điều chỉnh).

Thành phố thực hiện hiệu quả các giải pháp khắc phục khó khăn, phục hồi tăng trưởng, nhất là việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội trọng tâm trong quý IV. Vì vậy, GRDP quý IV tăng trưởng bứt phá so với các quý trước (quý I tăng: 4,43%; quý II tăng: 2,41%; quý III tăng: 3,31% và quý IV tăng: 5,51%); tính chung GRDP năm 2020 ước tăng 3,94% - cao gấp khoảng 1,5 lần mức tăng của cả nước.

Công nghiệp, xây dựng duy trì tăng trưởng khá; cơ cấu nội ngành công nghiệp tiếp tục chuyển dịch tích cực, ngành chế biến chế tạo chiếm trên 90%. Giải ngân vốn đầu tư công có chuyển tích cực, đã khởi công một số công trình lớn và đẩy nhanh tiến độ, một số công trình hạ tầng giao thông đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra chung của các ban HĐND Thành phố đánh giá, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công chậm cả ở cấp Thành phố và cấp quận, huyện. Mặc dù được tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ trong những tháng cuối năm, nhưng đến nay kết quả giải ngân chưa cao (tỷ lệ giải ngân vốn xây dựng cơ bản qua Kho bạc nhà nước Thành phố đến thời điểm 30/11/2020 mới đạt 53,2% kế hoạch năm, trong đó, giải ngân kế hoạch thuộc ngân sách cấp Thành phố đạt 46,3% và thuộc ngân sách cấp huyện đạt 57,9%).

Công tác thống kê, theo dõi, quản lý dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất còn hạn chế; nhiều dự án vi phạm Luật đất đai đã được rà soát, đề xuất xử lý nhưng trên thực tế chưa có chuyển biến rõ rệt, có nơi vẫn còn tình trạng sử đụng đất sai mục đích, tình trạng chưa đưa đất vào sử dụng kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân...

Năm 2021 Hà Nội đặt mục tiêu GRDP là 7,5%.

Năm 2021 Hà Nội đặt mục tiêu GRDP là 7,5%.

Vẫn còn nhiều việc chưa đáp ứng

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 18, HĐND Thành phố Khóa XV, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chỉ rõ, bên cạnh những thành tựu, tiến bộ đã đạt được, Thủ đô Hà Nội cũng còn không ít việc chưa đáp ứng được yêu cầu và mong đợi của cử tri, nhân dân Thủ đô và các vị đại biểu HĐND thành phố.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, để các Nghị quyết của HĐND thực sự đi vào cuộc sống, HĐND Thành phố cần sớm thông qua đồng bộ và kịp thời các cơ chế, chính sách, trước mắt là nghiên cứu, sửa đổi Nghị quyết 13/2016/NQ-HĐND của HĐND và Quyết định số 41/QĐ-UBND của UBND Thành phố về phân cấp kinh tế - xã hội, nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách theo hướng đẩy mạnh phân cấp, giao quyền cho các quận, huyện, thị xã.

Bên cạnh đó, cần chú trọng các cơ chế, chính sách nhằm giải quyết dứt điểm những vấn đề dân sinh bức xúc kéo dài. Cụ thể hóa Nghị quyết 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và Nghị quyết 115/2020/QH14 của Quốc hội về cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế to lớn của Thủ đô về nguồn lực con người, khoa học và công nghệ, giải phóng các nút thắt về hạ tầng, thể chế và phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ của cơ sở;

Phân bổ hợp lý nguồn lực đảm bảo tập trung đầu tư vào các dự án hạ tầng kỹ thuật khung; hệ thống các cầu bắc qua sông Hồng; những dự án trọng điểm của Thành phố có vai trò thúc đẩy liên kết các tỉnh vùng Thủ đô, liên kết các huyện; ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông kết nối các huyện phía Nam (Quốc lộ 1A cũ, Quốc lộ 21B, nâng cấp Quốc lộ 32…) thể hiện quan điểm phát triển đồng đều; quan tâm đầu tư thúc đẩy các huyện sớm trở thành quận trong giai đoạn 2021 – 2025…

Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của thành phố Hà Nội, thành phố sẽ thực hiện 23 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu, trong đó, GRDP tăng khoảng 7,5%; GRDP/người khoảng 135 triệu đồng; vốn đầu tư xã hội tăng 12%; kim ngạch xuất khẩu tăng 5%; Kiểm soát lạm phát, chỉ số giá dưới 4%; giảm 20% số hộ nghèo theo chuẩn mới của Thành phố; số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm 85 trường; tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn được cung cấp nước sạch 85%; số xã nông thôn mới tăng thêm 14 xã, hoàn thành mục tiêu 100% số xã đạt nông thôn mới.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Hà Nội thu ngân sách đạt gần 280.000 tỷ đồng trong 2020 tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Hà Nội muốn Bộ Tài chính 'gỡ vướng' 31 kiến nghị
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, để kinh tế Hà Nội tiếp tục phát triển có chiều sâu, có thể tăng thêm nguồn thu; gia tăng nguồn lực đầu tư cho phát triển; thành phố rất cần Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách thể hiện cụ thể ở 31 kiến nghị.
Năm 2020, quy mô GRDP của Hà Nội ước đạt hơn 43 tỷ USD
Quy mô GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của Hà Nội năm 2020 ước đạt 1,024 triệu tỷ đồng, khoảng 43,5 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.250 USD, tăng 1,43 lần so với năm 2015, gấp 1,9 lần bình quân cả nước.