Hà Nội muốn Bộ Tài chính "gỡ vướng" 31 kiến nghị

04/12/2020, 20:16

TCDN - Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, để kinh tế Hà Nội tiếp tục phát triển có chiều sâu, có thể tăng thêm nguồn thu; gia tăng nguồn lực đầu tư cho phát triển; thành phố rất cần Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách thể hiện cụ thể ở 31 kiến nghị.

Chiều nay (4/12), Thường trực Thành uỷ Hà Nội làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về công tác tài chính năm 2020; định hướng phối hợp công tác năm 2021 và giai đoạn tiếp theo.

Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính về công tác tài chính năm 2020.

Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính về công tác tài chính năm 2020.

Năm 2020 tổng thu ngân sách ước 279.359 tỷ đồng

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, những năm qua, công tác phối hợp giữa Bộ Tài chính với thành phố Hà Nội rất chặt chẽ, với 8 kết quả nổi bật.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 ước đạt gần 1.187.619 tỷ đồng, bằng 1,63 lần so với giai đoạn 2011-2015, có tốc độ tăng trưởng bình quân 11-12%/năm, chiếm 19% tổng thu ngân sách nhà nước toàn quốc.

Tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách đã tăng từ 89,5% năm 2016 lên 92,7% vào năm 2020. Công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc được quan tâm, chú trọng. Trong đó, khai thuế điện tử đạt trên 99%, nộp thuế điện tử đạt trên 98%...

Về chi ngân sách địa phương giai đoạn 2016-2020 ước đạt 383.011 tỷ đồng, bằng 1,37 lần so với giai đoạn 2011-2015; có tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7-8%/năm và có tỷ lệ so với GRDP là 8,6%.

Hà Nội đã thực hiện tiết giảm chi thường xuyên so với dự toán Trung ương giao và trong điều hành ngân sách là 16.000 tỷ đồng để có nguồn bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển, thực hiện dự toán chi trả nợ.

Tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách của thành phố đều thấp hơn tỷ trọng chi thường xuyên theo dự toán Trung ương giao với mức bình quân khoảng 3%/năm và giảm từ 58,8% năm 2016 xuống còn 51,2% trong năm 2020.

Đáng chú ý, riêng năm 2020, dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 nhưng tổng thu ngân sách của Hà Nội ước thực hiện trên 279.350 tỷ đồng, đạt 100,2% dự toán.

Chủ tịch Chu Ngọc Anh đề xuất Bộ Tài chính tháo gỡ 31 công việc cụ thể thuộc 5 vấn đề về lĩnh vực tài chính ngân sách; quản lý, thẩm định giá; công tác sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước và quản lý tài sản công…

Đáng chú ý, Hà Nội đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Quốc hội quan tâm, tạo điều kiện tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố trên mức 35% để bảo đảm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025; ban hành quy định về tiêu chí phân bổ riêng cho Thủ đô trong định mức phân bổ giai đoạn 2021-2025 theo quy định của Luật Thủ đô và văn bản liên quan;…

Hà Nội mong muốn được tháo gỡ cơ chế, chính sách về thu ngân sách, thuế, phí...

Hà Nội mong muốn được tháo gỡ cơ chế, chính sách về thu ngân sách, thuế, phí...

Đề nghị Bộ Tài chính quan tâm đặc biệt tháo gỡ về thu ngân sách, thuế

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn thu nội địa của Hà Nội vẫn đạt gần 80%. Thu nội địa bình quân của Hà Nội bình quân 9,7% trong khi cả nước đạt 8,8%. Thu nội địa tăng cao và liên tục như thế thể hiện việc thu nội địa của Hà Nội ổn định, bền vững. Ngoài ra, thu ngân sách của TP đóng góp khoảng 17% tổn thu ngân sách của cả nước, trong đó thu nội địa chiếm 21% của cả nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, TP Hà Nội đã chủ động và có những giải pháp phù hợp để triển khai thực hiện và đạt kết quả tích cực. Thu ngân sách Nhà nước thực hiện 10 tháng đầu năm 2020 đạt gần 80% còn cả nước đạt 83,1% trong đó thu nội địa đạt 79% còn cả nước đạt 84,2% dự toán.

Bộ trưởng đề nghị TP xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm và phù hợp với định hướng chung của kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, giai đoạn 2021 - 2025. Tiếp tục có giải pháp hiệu quả cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; khai thác tiềm năng thế mạnh, sức cạnh tranh của TP để thu hút thêm vốn đầu tư, nhất là đầu tư công nghệ cao gắn với hoạt động của các trung tâm nghiên cứu phát triển tạo cơ sở tăng thu cho ngân sách bền vững.

Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp cho các sở, ngành, quận, huyện chủ động các nguồn lực, cơ sở vật chất để triển khai thực hiện thí điểm chính quyền đô thị; tiếp tục đổi mới khu vực sự nghiệp công. Phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh sắp xếp cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước theo đúng kế hoạch mà cấp có thẩm quyền quyết định…

Theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, mặc dù chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, nhưng tình hình kinh tế - xã hội Thủ đô vẫn có những tín hiệu tích cực. Đến cuối tháng 11/2020, GRDP của thành phố tăng trưởng khoảng 3,98%; hết tháng 12, kết quả còn có thể tích cực hơn, có thể cao hơn tăng trưởng GDP cả nước ít nhất khoảng 1,5 lần. Thu ngân sách đến nay thực hiện 279.359 tỷ đồng (đạt 100,2% dự toán HĐND thành phố giao và tăng 3,5% so với thực hiện năm 2019). Trong năm mặc dù rất khó khăn, nhưng thành phố vẫn giãn, hoãn các loại thuế, phí nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp khoảng 22.000 tỷ đồng.  

Bí thư Vương Đình Huệ khẳng định, để kinh tế Hà Nội tiếp tục phát triển có chiều sâu, có thể tăng thêm nguồn thu; gia tăng nguồn lực đầu tư cho phát triển; thành phố rất cần Bộ Tài chính và các bộ, ngành Trung ương phối hợp chặt chẽ, hợp tác, hỗ trợ thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách thể hiện cụ thể ở 31 kiến nghị được nêu trong báo cáo.

Đồng thời, Hà Nội đề nghị Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm tháo gỡ vướng mắc cơ chế, chính sách về thu ngân sách; vướng mắc về giá, thuế, phí để thúc đẩy các lĩnh vực dịch vụ công; hỗ trợ tăng vay vốn ODA; phát hành trái phiếu địa phương để đầu tư cho phát triển.

Thanh Phương
Bạn đang đọc bài viết Hà Nội muốn Bộ Tài chính "gỡ vướng" 31 kiến nghị tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Năm 2020, quy mô GRDP của Hà Nội ước đạt hơn 43 tỷ USD
Quy mô GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của Hà Nội năm 2020 ước đạt 1,024 triệu tỷ đồng, khoảng 43,5 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.250 USD, tăng 1,43 lần so với năm 2015, gấp 1,9 lần bình quân cả nước.
Hà Nội tính thu một số loại phí mới
Hà Nội sẽ xây dựng các Đề án ban hành một số loại phí mới hoặc điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí thuộc thẩm quyền của địa phương trình HĐND Thành phố.