Hàng trăm người dân trình báo Công an Tp.HCM tố bị lừa tham gia bảo hiểm nhân thọ Manulife

22/04/2023, 16:27
báo nói -

TCDN - Mới đây, hàng trăm nạn nhân đến Văn phòng CSĐT Công an Tp.HCM trình báo về việc bị nhân viên ngân hàng SCB phối hợp bảo hiểm Manulife Việt Nam chuyển tiền gửi tiết kiệm thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Ngày 20/4, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Tp.HCM nhận được đơn tố giác của 112 người, tố cáo Ngân hàng Sài Gòn (SCB) liên kết với Công ty bảo hiểm Manulife Việt Nam có hành vi chiếm đoạt tiền thông qua việc tư vấn gửi tiết kiệm đầu tư để lãi hơn nhưng thực chất là ký hợp đồng "bảo hiểm nhân thọ".  

Trước đó, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Tp.HCM đã tiếp nhận 34 bộ hồ sơ tố cáo về việc bị dụ dỗ chuyển từ tiền gửi tiết kiệm SCB sang bảo hiểm nhân thọ Manulife. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, gần 150 người nộp đơn tố giác lên cơ quan chức năng vì nội dung tương tự như trên.

Rất đông người dân có mặt tại trụ sở Văn phòng Công an Tp.HCM để nộp đơn tố giác bị lừa tham gia bảo hiểm Manulife.

Rất đông người dân có mặt tại trụ sở Văn phòng Công an Tp.HCM để nộp đơn tố giác bị lừa tham gia bảo hiểm Manulife.

Theo đơn tố cáo của tập thể 112 nạn nhân trình bày, bản thân họ đến ngân hàng SCB để đáo hạn tiền tiết kiệm nhưng lại bị nhân viên bảo hiểm và ngân hàng tư vấn sai sự thật, đánh tráo khái niệm. Nhân viên tư vấn giới thiệu “Tâm An đầu tư” là sản phẩm tiền gửi kết hợp giữa Manulife và Ngân hàng, nhưng có lãi suất cao hơn ngân hàng (lãi suất khoảng 8-15%/năm tùy từng đại lý/nhân viên tư vấn) với thời gian đáo hạn là 5-6 năm và được tặng kèm quyền lợi bảo hiểm trong suốt quá trình tham gia, khách hàng có thể rút toàn bộ tiền vốn kèm theo lợi suất sau 5-6 năm.

Thậm chí, để che giấu việc thực chất là bảo hiểm nhân thọ chứ không phải tiết kiệm, đại lý bảo hiểm và nhân viên ngân hàng không cung cấp bất kỳ giấy tờ nào thể hiện các khoản phí khách hàng phải trả, các quy tắc bồi thường, quyền lợi của khách hàng....

Sau gần 1 tháng, khi tiền tiết kiệm của khách tại ngân hàng chuyển cho công ty bảo hiểm, khách hàng mới nhận được hợp đồng nhưng cũng không được cung cấp thông tin. Phía bảo hiểm chỉ bàn giao hợp đồng mà hoàn toàn không giải thích, tư vấn trong khi khách hàng hiểu đây chỉ là một sản phẩm tặng kèm nên không quan tâm đến nội dung trong hợp đồng. 

Hồ sơ khai báo thông tin thể hiện trong hợp đồng do đại lý bảo hiểm tự ghi, khai khống, thậm chí giả chữ ký khách hàng... sau đó đề nghị khách hàng ký vào tờ cuối của hợp đồng dày hàng chục trang để hoàn tất thủ tục tham gia sản phẩm. Do đó toàn bộ tiền tiết kiệm của khách hàng đã bị chuyển thành hợp đồng bảo hiểm. Họ sẽ mất phần lớn số tiền đã nộp nếu rút sau 5-6 năm tham gia mà bản thân không hề hay biết.  

Trong đơn tố cáo gửi Công an Tp.HCM, nạn nhân cho biết phía Manulife chấp nhận toàn bộ hồ sơ từ phía đại lý và nhân viên mà không có động thái yêu cầu hay xác thực đối với những khách hàng có nhiều điểm bất thường trong hợp đồng như chữ ký, chữ viết trong cùng một tờ đơn hoàn toàn khác nhau, thu nhập cao bất thường lên đến 150-170 triệu đồng một tháng kể cả người già đã về hưu. Những điều khoản như tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh của khách hàng kể cả người cao tuổi đều tốt trong khi đối với một hợp đồng nhân thọ thông thường điều kiện về sức khoẻ tại thời điểm tham gia bảo hiểm là rất khó khăn. 

Cụ thể, như trường hợp của chị Nguyễn Thị Hân (quận Bình Tân, Tp.HCM), tháng 5/2021 chị đến ngân hàng SCB Chi nhánh Lê Văn Quới (246 Lê Văn Quới, Phường Bình Hưng Hòa A, Quận Bình Tân, Tp.HCM) với mục đích để gửi tiết kiệm. Nhưng nhân viên ngân hàng tư vấn chị tham gia gói “Tâm An đầu tư” với lãi suất bình quân 12-15%/năm nếu gửi dài hạn 5 năm. Chị Hân nhiều lần nhấn mạnh bản thân chỉ muốn gửi tiết kiệm, không có nhu cầu mua bảo hiểm. Nhân viên ngân hàng khẳng định với chị là gói bảo hiểm được tặng kèm khi tham gia “Tâm An đầu tư”. 

Sau khi phát hiện ra bản thân đang tham gia bảo hiểm nhân thọ của Manulife, ngày 8/11/2022, chị Hân ra trụ sở Công ty Manulife tại Quận 1 để tìm hiểu về hợp đồng mới được biết là số tiền gửi 2 năm là 120 triệu đồng đã dùng để mua bảo hiểm và đóng các loại phí rất cao trong năm đầu tiên và không hề được tặng như lời nhân viên tư vấn. Và số tiền còn lại trong tài khoản hiện tại của chị Hân chỉ còn có khoảng 43 triệu đồng.

Tương tự, tháng 8/2021, chị Mai Thị Nguyên (Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) đến ngân hàng SCB (Chi nhánh 210A- 210B Nguyễn Duy Trinh, P.Bình Trưng Tây, Tp.Thủ Đức) với mục đích đáo hạn và gửi tiết kiệm lại. Tuy nhiên, chị Nguyên lại được giới thiệu tham gia gói “Tâm An đầu tư” trị giá 100 triệu đồng. Sau 2 năm, chị đã đóng thêm 21,6 triệu đồng tiền phí duy trì. Tới tháng 3/2023, chị Nguyên mới vỡ lẽ mình đang tham gia bảo hiểm nhân thọ, hoàn toàn không phải gửi tiền tiết kiệm như đã được tư vấn.

Theo đơn tố giác tập thể của 112 nạn nhân, thu nhập của họ không đủ khả năng đóng mức phí 50-500 triệu đồng một năm. Với một số hợp đồng, toàn bộ số tiền tiết kiệm đầu tư đóng trong năm đầu đều được Manulife ghi nhận là phí bảo hiểm. Những hợp đồng còn lại, phần lớn số tiền đóng trong năm đầu được chuyển sang đóng phí bảo hiểm, đến năm thứ hai mức phí bảo hiểm hạ xuống tới 80-90% mức phí của năm đầu. Do đó, nếu được tư vấn đúng bản chất là sản phẩm bảo hiểm thì họ sẽ không tham gia. 

Hiện tại, ngân hàng SCB đang hợp tác với Manulife để giải quyết vụ việc. Công an Tp.HCM hiện chưa đưa ra quan điểm về các tố giác nêu trên,  nhưng cho biết sẽ điều tra làm rõ vấn đề, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân.  

Hoài Thương
Bạn đang đọc bài viết Hàng trăm người dân trình báo Công an Tp.HCM tố bị lừa tham gia bảo hiểm nhân thọ Manulife tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Chấn chỉnh đại lý, hợp đồng bảo hiểm
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm cần chấn chỉnh thẩm định cấp hợp đồng bảo hiểm; việc thẩm định và cấp hợp đồng bảo hiểm phải bảo đảm phù hợp với khả năng tài chính và mức độ chấp nhận rủi ro bảo hiểm của khách hàng.
Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phải xử lý kịp thời các phát sinh khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn chỉ đạo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ rà soát lại quy trình bán các sản phẩm bảo hiểm, có giải pháp xử lý kịp thời các phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện cung cấp dịch vụ bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng.