Hoàn thiện chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước

25/04/2024, 10:14

TCDN - Việc hoàn thiện chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước sẽ góp phần nâng cao hiệu quả triển khai hoạt động cho vay tín dụng đầu tư tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, qua đó hỗ trợ phát triển các dự án đầu tư hạ tầng, đóng góp vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

ttqt.2

Tóm tắt:

Chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước là một chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, góp phần thực hiện phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tín dụng đầu tư của Nhà nước thực hiện thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam đóng vai trò là một công cụ kinh tế của Nhà nước để điều tiết, phân bổ nguồn lực tài chính trong nền kinh tế thị trường đến với các ngành, lĩnh vực được Nhà nước khuyến khích, ưu tiên phát triển, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Việc hoàn thiện chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước sẽ góp phần nâng cao hiệu quả triển khai hoạt động cho vay tín dụng đầu tư tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, qua đó hỗ trợ phát triển các dự án đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, đóng góp vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước.

1. Sự cần thiết

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII là “...phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế…;…huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững…” và một trong ba đột phá chiến lược cần phải đạt được là “…xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu…”

Vấn đề phát triển đất nước cũng đã được khái quát hóa thành chủ trương, mục tiêu lớn trong Văn kiện “Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030” tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam: “Phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy sức sáng tạo, ý chí và sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng xã hội phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh, trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.”

Tại Nghị quyết số 16/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 cũng đã đặt mục tiêu tổng quát “bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước;… trong quá trình phát triển đất nước, luôn quan tâm bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; chú trọng bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu…”

Tại Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết số 16/2021/QH15 của Quốc hội cũng cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo điều hành “phát triển kinh tế gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu” và “xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc.”

Để thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu, quan điểm về phát triển bền vững đất nước đã đặt ra tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của Quốc hội và Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhiệm vụ trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước có thể đóng vai trò quan trọng như một công cụ tài chính hiệu quả để làm đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Từ tình hình trên, việc hoàn thiện chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước để đẩy mạnh triển khai thực hiện, đi vào cuộc sống là một vấn đề cấp thiết.

2. Một số khó khăn, vướng mắc

Chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ sau một thời gian triển khai thực hiện đã gặp một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, cụ thể như sau:

- Về Danh mục các dự án vay vốn tín dụng đầu tư: Danh mục gồm nhiều lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nông nghiệp, công nghiệp..., nhưng những lĩnh vực này rủi ro cao, khả năng hoàn vốn thấp, khó phù hợp với tình hình hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam hiện nay trong bối cảnh Ngân hàng Phát triển Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, yêu cầu phải cho vay các dự án đầu tư hiệu quả, có khả năng hoàn vốn cao.

- Về điều kiện cho vay: Một số quy định về điều kiện cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước khó xác định tại thời điểm xem xét, quyết định cho vay hoặc khách hàng khó đáp ứng trong thực tế, như: điều kiện khách hàng không có nợ xấu tại thời điểm giải ngân vốn vay hoặc điều kiện khách hàng phải mua bảo hiểm tài sản đối với tài sản đảm bảo tiền vay (trong khi theo quy định của pháp luật các tài sản này không bắt buộc phải mua bảo hiểm).

- Về giới hạn cấp tín dụng cho khách hàng: Quy định về tổng mức dư nợ cấp tín dụng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam đối với khách hàng được tính trên vốn tự có của Ngân hàng Phát triển Việt Nam dẫn đến giới hạn cấp tín dụng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam thấp hơn so với các ngân hàng thương mại. Lý do vì vốn tự có của Ngân hàng Phát triển Việt Nam chỉ bao gồm vốn chủ sở hữu, trong khi đó vốn tự có để tính giới hạn cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại bao gồm cả vốn cấp 1 (chủ yếu là vốn điều lệ và các quỹ) và vốn cấp 2 (chủ yếu là trái phiếu chuyển đổi, nợ thứ cấp do ngân hàng thương mại phát hành có kỳ hạn ban đầu tối thiểu 5 năm).

- Về thời hạn cho vay: Với thời hạn cho vay tối đa cố định tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP (12 năm đối với dự án nhóm B, C và 15 năm đối với dự án nhóm A), nhiều dự án khó có thể bố trí được nguồn trả nợ, do đặc thù của dự án vay vốn tín dụng đầu tư là các dự án có vốn đầu tư lớn, thời gian thi công kéo dài, thời gian thu hồi vốn đầu tư thường dài như các dự án trồng rừng, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp…

- Về lãi suất cho vay: Theo quy định tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP, hai chỉ tiêu để xác định lãi suất cho vay tín dụng đầu tư là “mức lãi suất bình quân gia quyền của các mức lãi suất trúng thầu trái phiếu Ngân hàng Phát triển Việt Nam được Chính phủ bảo lãnh kỳ hạn 05 năm trong thời gian 01 năm trước thời điểm công bố lãi suất” và “tỷ lệ chi phí quản lý hoạt động và dự phòng rủi ro của Ngân hàng Phát triển Việt Nam do Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ trong thời kỳ 03 năm.” Tuy nhiên, trong một số thời điểm Ngân hàng Phát triển Việt Nam không phát hành thành công trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh kỳ hạn 05 năm, dẫn đến tình huống không có lãi suất tham chiếu để tính toán lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước theo đúng quy định, gây khó khăn cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong tính toán, xác định lãi suất. Đồng thời, việc áp dụng “tỷ lệ chi phí quản lý hoạt động và dự phòng rủi ro do Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ trong thời kỳ 03 năm” sẽ không phù hợp khi làm căn cứ tính lãi suất cho vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

- Về các biện pháp xử lý rủi ro: Quy định về các biện pháp xử lý rủi ro tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam có sự khác biệt so với thông lệ và quy định của pháp luật về tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng được chủ động quyết định việc cơ cấu lại (điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, thời gian gia hạn nợ, thời hạn trả lãi, miễn, giảm lãi vay) khi đánh giá khách hàng có khả năng trả đầy đủ nợ vay sau khi được cơ cấu lại (không phải là biện pháp xử lý rủi ro tín dụng), đảm bảo chủ động, linh hoạt; trong khi đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam lại coi là một biện pháp xử lý rủi ro tín dụng nên cần phải báo cáo nhiều cấp, cần nhiều thời gian xử lý, ảnh hưởng đến khả năng xử lý linh hoạt, hiệu quả nợ xấu thời gian qua.

3. Hoàn thiện chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước

Ngày 07/11/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của Nhà nước (có hiệu lực thi hành từ ngày 22/12/2023), qua đó khắc phục những vấn đề khó khăn, vướng mắc đã nêu và góp phần hoàn thiện chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước; trong đó, một số điểm mới tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP như sau:

- Bổ sung một số đối tượng dự án tại Danh mục các dự án vay vốn tín dụng đầu tư như: Dự án đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Dự án đầu tư xây dựng mới, đầu tư mở rộng, cải tạo, mua sắm thiết bị các bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học; Dự án đầu tư xây dựng mới, mở rộng, cải tạo, nâng cấp công trình đường bộ, công trình đường sắt, cảng thủy nội địa, cảng biển, cảng hàng không; Dự án đầu tư nhà máy chế biến nông sản sử dụng công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất giống vật nuôi, giống thủy sản, nuôi trồng thủy sản; Dự án đầu tư xây dựng nhà máy phát điện sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

- Một số điều kiện cho vay được sửa đổi để tạo thuận lợi, mở rộng cơ hội vay vốn cho các chủ đầu tư dự án thuộc Danh mục vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, tránh các khó khăn trong quá trình triển khai của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, phù hợp với thông lệ quy định đối với các ngân hàng thương mại.

- Quy định tổng mức dư nợ cấp tín dụng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam đối với khách hàng được xác định lại dựa trên vốn tự có và số dư trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh có kỳ hạn còn lại từ 05 năm trở lên, qua đó tiệm cận hơn với các tính vốn tự có của các ngân hàng thương mại, làm tăng số vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước khách hàng có thể vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

- Nghị định đã bỏ giới hạn về thời hạn cho vay tối đa, cụ thể quy định mới cho phép Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định thời hạn cho vay đối với từng dự án căn cứ vào kết quả thẩm định dự án, đặc điểm sản xuất, kinh doanh, khả năng thu hồi vốn của từng dự án và khả năng trả nợ của khách hàng. Bên cạnh đó, Nghị định cũng đã bỏ giới hạn về tồng thời gian gia hạn nợ; theo đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam được quyền xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng và kết quả đánh giá của Ngân hàng Phát triển Việt Nam về khả năng trả nợ của khách hàng mà không bị giới hạn về thời hạn gia hạn nợ, tạo điều kiện cho khách hàng có thêm thời gian để trả nợ.

- Cách tính lãi suất được điều chỉnh theo hướng mức lãi suất do Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định, đảm bảo nguyên tắc đủ bù đắp chi phí huy động vốn, chi hoạt động bộ máy và chi phí trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ vay được ký hợp đồng tín dụng kể từ 22/12/2023 nhưng không thấp hơn 85% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước trong cùng thời kỳ.

- Bỏ quy định các biện pháp xử lý rủi ro bao gồm “cơ cấu lại thời hạn trả nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ, xử lý tài sản bảo đảm, khoanh nợ, chuyển ngoại bảng để xử lý, xóa nợ gốc, xóa nợ lãi và bán nợ”; thay vào đó quy định Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định việc xử lý rủi ro tín dụng theo quy định tại Quyết định về cơ chế xử lý rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành.Chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước được triển khai thực hiện theo định hướng mới sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, hỗ trợ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp thuộc đối tượng và có nhu cầu vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước. Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước được kỳ vọng sẽ trở nên thuận tiện hơn đối với các khách hàng có dự án đầu tư thuộc danh mục được Chính phủ quy định. Đây cũng là một tiền đề quan trọng nhằm mở rộng quy mô cho vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước nhằm hỗ trợ tốt hơn nhu cầu đầu tư phát triển của nền kinh tế, phù hợp với mục tiêu, quan điểm, định hướng phát triển đất nước được thông qua tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ (2017), Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 về tín dụng đầu tư của Nhà nước.

2. Chính phủ (2023), Nghị định số 78/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của Nhà nước.

3. Đào Quang Trường (2021), “Ngân hàng Phát triển Việt Nam: 15 năm đồng hành cùng đất nước”, Tạp chí Hỗ trợ phát triển, số 172 (Tháng 5/2021).

4. https://dangcongsan.vn/thong-tin-kinh-te/tao-dieu-kien-tiep-can-nguon-von-tin-dung-dau-tu-cua-nha-nuoc-660718.html

5. https://tapchitaichinh.vn/quy-dinh-moi-ve-lai-suat-cho-vay-tin-dung-dau-tu-cua-nha-nuoc-1074660.html

ThS. Nguyễn Việt Hưng - ThS. Ngô Thị Lan Phương

Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính - Bộ Tài chính

Bạn đang đọc bài viết Hoàn thiện chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Từ hôm nay, chủ dự án có thể tiếp cận vốn giá rẻ từ VDB
Bắt đầu từ hôm nay (22/12) các chủ đầu tư dự án thuộc danh mục vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước có thể tiếp cận nguồn vốn lãi suất ưu đãi tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Mức lãi suất không thấp hơn 85% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại cùng thời điểm.
Cơ chế nào thúc đẩy sự phát triển của Ngân hàng VDB?
Quy định của dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 32/2017/NĐ-CP, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) sẽ quyết định một mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước hằng năm và áp dụng cho toàn bộ dư nợ của các hợp đồng vay vốn ký kết.