[HỎI - ĐÁP] Công ty sản xuất nấm đông cô có thuộc đối tượng miễn thuế TNDN không?

23/08/2020, 08:32

TCDN -

Hỏi: Kính gửi Bộ Tài Chính, tôi có 2 câu hỏi muốn được giải đáp:

1. Công ty chúng tôi thành lập tại địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vốn góp trong nước, thuộc lĩnh vực trồng trọt, chế biến nông sản, cụ thể là trồng nấm đông cô, sấy khô sau đó xuất khẩu. Vậy xin hỏi thu nhập từ hoạt động xuất khẩu nấm đông cô này có thuộc đối tượng được miễn thuế TNDN không?

2. Công ty có vốn góp 100% từ nước ngoài, thành lập tại địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, thuộc lĩnh vực trồng trọt, chế biến nông sản, cụ thể là trồng nấm đông cô, sấy khô sau đó xuất khẩu. Vậy xin hỏi thu nhập từ hoạt động xuất khẩu nấm đông cô này có thuộc đối tượng được miễn thuế TNDN không? 

Đáp:

Ngày 08/6/2020 Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng nhận Phiếu chuyển số 502/PC-TCT ghi ngày 03/6/2020 của Tổng cục Thuế “V/v chính sách thuế qua cổng thông tin điện tử - Bộ Tài chính của độc giả: Kiều Thị Kim Anh (phiếu hỏi đáp số 290520-9 ngày 01/6/2020)”, Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng có ý kiến như sau:

Căn cứ Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính Hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung tại các Nghị định của Chính phủ) quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế TNDN; (được sửa đổi, bổ sung tại các Thông tư của Bộ Tài chính).

- Tại Khoản 1, Điều 8 Thông tư số 78/2014/TT-BTC hướng dẫn thu nhập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) như sau:

“1. Thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản, sản xuất muối của hợp tác xã; Thu nhập của hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thực hiện ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Thu nhập của doanh nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Thu nhập từ hoạt động đánh bắt hải sản

a) Thu nhập từ trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản của hợp tác xã và của doanh nghiệp được ưu đãi thuế (bao gồm ưu đãi về thuế suất, miễn giảm thuế) quy định tại Thông tư này là thu nhập từ sản phẩm do doanh nghiệp, hợp tác xã tự trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng và thu nhập từ chế biến nông sản, thủy sản (bao gồm cả trường hợp hợp tác xã, doanh nghiệp mua sản phẩm nông sản, thủy sản về chế biến).

Thu nhập của sản phẩm, hàng hóa chế biến từ nông sản, thủy sản được ưu đãi thuế (bao gồm ưu đãi về thuế suất, miễn giảm thuế) quy định tại Thông tư này phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

- Tỷ lệ giá trị nguyên vật liệu là nông sản, thủy sản trên chi phí sản xuất hàng hóa, sản phẩm (giá thành sản xuất hàng hóa, sản phẩm) từ 30% trở lên.

- Sản phẩm, hàng hóa từ chế biến nông sản, thủy sản không thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề xuất của Bộ Tài chính.

Doanh nghiệp phải xác định riêng thu nhập sản phẩm, hàng hóa chế biến từ nông sản, thủy sản để được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.”

- Tại Khoản 1, Điều 19 Thông tư số 78/2014/TT-BTC quy định Thuế suất ưu đãinhư sau:

“1.Thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn mười lăm năm (15 năm) áp dụng đối với:

a) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại: địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 218/2013/NĐ-CP, Khu kinh tế, Khu công nghệ cao kể cả khu công nghệ thông tin tập trung được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.”

- Tại Khoản 1, Điều 20 Thông tư số 78/2014/TT-BTC quy định về Ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuếnhư sau:

“1.Miễn thuế bốn năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong chín năm tiếp theo đối với:

a) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư quy định tại khoản 1 Điều 19 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư này).”

- Tại Điều 22, Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính quy định:

“Doanh nghiệp tự xác định các điều kiện ưu đãi thuế, mức thuế suất ưu đãi, thời gian miễn thuế, giảm thuế, số lỗ được trừ (-) vào thu nhập tính thuế để tự kê khai và tự quyết toán thuế với cơ quan thuế.”

Theo các hướng dẫn trên, thu nhập từ hoạt động trồng trọt, chế biến nông sản (nấm đông cô) của Công ty thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (theo quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư) nên được miễn thuế TNDN nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 8, Thông tư số 78/2014/NĐ-CP.

Trường hợp Công ty có phát sinh thu nhập từ hoạt động sơ chế nông sản  thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thì đơn vị được hưởng thuế suất thuế TNDN ưu đãi là 10% trong thời hạn 15 (mười lăm) năm theo quy định tại Khoản 1, Điều 19, Thông tư số 78/2014/NĐ-CP; Đồng thời miễn thuế 4 (bốn) năm, giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 9 (chín) năm tiếp theo đối với thu nhập từ hoạt động sơ chế nông sản thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại Khoản 1, Điều 20 Thông tư số 78/2014/NĐ-CP.

Công ty phải xác định riêng thu nhập được miễn thuế và thu nhập không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo đúng hướng dẫn tại Điều 18, Thông tư số 78/2014/TT-BTC và các Thông tư sửa đổi,bổ sung để tự kê khai, nộp thuế và quyết toán thuế TNDN đúng quy định hiện hành.

Theo BTC

Bạn đang đọc bài viết [HỎI - ĐÁP] Công ty sản xuất nấm đông cô có thuộc đối tượng miễn thuế TNDN không? tại chuyên mục Hỏi - Đáp của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899