HoREA kiến nghị nới điều kiện cho vay với lĩnh vực bất động sản
TCDN - HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét "nới một chút" các "điều kiện vay vốn" để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà ở thương mại, người mua nhà, nhà đầu tư được tiếp cận tín dụng.
Hôm nay (13/11), Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng cùng nhiều ban ngành và 14 tổ chức tín dụng, một số doanh nghiệp bất động sản sẽ họp trực tuyến nhằm tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản.
Trong báo cáo gửi đến Hội nghị, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) đã đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản.
Một trong những đề xuất đáng chú ý, đó là HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét hướng dẫn các ngân hàng thương mại về cách hiểu và vận dụng, "nới một chút" các "điều kiện vay vốn" để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà ở thương mại, người mua nhà, nhà đầu tư được tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn trong tình hình thị trường bất động sản vẫn còn đang rất khó khăn hiện nay.
Theo HoREA, các "điều kiện vay vốn" của Điều 7 Thông tư 39/2016/TT-NHNN được giữ nguyên từ năm 2016 đến nay đã cho thấy tính hợp lý và ổn định của quy phạm pháp luật này.
Nhưng trên thực tế, cách hiểu và thực hiện của các ngân hàng thương mại lại khác nhau về việc áp dụng các "điều kiện vay vốn", đặc biệt là điều kiện "nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp", "có phương án sử dụng vốn khả thi" (tại khoản 3) và "có khả năng tài chính để trả nợ". Thế nên HoREA đề xuất, rất cần thiết phải đổi mới cách hiểu và vận dụng thực hiện của các ngân hàng thương mại theo hướng "không hạ chuẩn" nhưng "nới một chút" các "điều kiện vay vốn" để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà ở thương mại, người mua nhà, nhà đầu tư được tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn trong tình hình thị trường bất động sản vẫn còn đang rất khó khăn hiện nay.
HoREA cũng nhấn mạnh, nhu cầu vốn còn lại thì chủ đầu tư được huy động từ nhiều nguồn, mà sau khi đã bỏ nguồn vốn rất lớn để tạo lập quỹ đất, nhưng chưa đủ điều kiện huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai thì nguồn vốn vay tín dụng có vị trí rất quan trọng và là "bà đỡ" giúp cho chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án, thi công các công trình của dự án.
Bên cạnh một số nội dung đề xuất với Ngân hàng Nhà nước để thực hiện Công điện số 993/CĐ-TTg có liên quan đến Bộ Xây dựng, ông Lê Hoàng Châu, Chủ HoREA cũng cho hay, đã có Văn bản 136/2023/CV-HoREA ngày 03/10/2023 và Văn bản 155/2023/CV-HoREA ngày 31/10/2023 đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
"Đề nghị Bộ Xây dựng xem xét trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6", ông Châu kiến nghị.
Bên cạnh đó, liên quan đến thẩm quyền của Bộ TN&MT, HoREA đã có Văn bản 156/2023/CV-HoREA ngày 01/11/2023 đề nghị sửa đổi điểm b khoản 1, điểm a khoản 4 và khoản 6 Điều 128 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để tạo điều kiện cho nhà đầu tư được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với các loại đất phù hợp quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở thương mại, bên cạnh phương thức nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng.
Trong đó, có trường hợp nhà nước thu hồi đất đối với dự án nhà ở thương mại, rồi sau đó thực hiện đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư và Văn bản 154/2023/CV-HoREA ngày 29/10/2023 góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất.
Ngoài ra, theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, việc "luật hóa" đầy đủ nội dung Điều 10 Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội vào Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) phù hợp với tính chất và "phạm vi điều chỉnh" của từng luật này là hết sức cần thiết và cấp bách.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899