Huy động số tiền lớn nộp thuế, doanh nghiệp dệt may kêu khó

18/05/2021, 09:19

TCDN - Doanh nghiệp dệt may xuất khẩu vừa phải nộp thuế xuất khẩu cho sản phẩm xuất ra, vừa phải nộp thuế nhập khẩu cho sản phẩm nhập tại chỗ khiến việc huy động số tiền lớn đóng thuế gặp khó khăn.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về kiến nghị của các doanh nghiệp dệt may liên quan tới những vướng mắc trong chính sách thuế, thủ tục hải quan khi thực hiện Nghị định 18/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu.

Theo điểm g, h khoản 6 điều 1 Nghị định 18, sản phẩm xuất khẩu (XK) tại chỗ không được miễn thuế XK. Người XK tại chỗ đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu và kê khai nộp thuế XK theo mức thuế suất và trị giá của sản phẩm XK tại chỗ theo quy định tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan XK.

Vitas cho rằng doanh nghiệp dệt may đang gặp khó khăn vì việc phải đóng 2 loại thuế cùng đối tượng hàng hóa.

Vitas cho rằng doanh nghiệp dệt may đang gặp khó khăn vì việc phải đóng 2 loại thuế cùng đối tượng hàng hóa.

Sản phẩm nhập khẩu tại chỗ đăng ký tờ khai hải quan theo loại hình nhập gia công được miễn thuế nhập khẩu nếu người nhập khẩu tại chỗ đáp ứng quy định tại điểm a, b khoản 2 điều 10 Nghị định 18. Sản phẩm nhập khẩu tại chỗ đăng ký tờ khai hải quan theo loại hình khác thì người nhập khẩu tại chỗ kê khai, nộp thuế theo mức thuế suất và trị giá tính thuế của sản phẩm nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai.

Theo Vitas, doanh nghiệp (DN) dệt may đã gặp nhiều bất cập khi thực hiện quy định này. Cụ thể, DN nội địa xuất khẩu tại chỗ sản phẩm cho DN sản xuất XK phải nộp thuế xuất khẩu cho sản phẩm xuất ra. Đồng thời, DN nhập khẩu sản phẩm tại chỗ cũng phải nộp thuế nhập khẩu cho sản phẩm nhập tại chỗ. Như vậy, một đối tượng hàng hóa cả 2 DN đều phải nộp thuế.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp dệt may cũng rất khó khăn bởi phải huy động 1 số tiền lớn để đóng thuế và mất rất nhiều thời gian để hoàn thành các thủ tục nộp và hoàn thuế sau đó. Tăng thủ tục hành chính cho cả DN lẫn cơ quan quản lý để theo dõi, chuẩn bị hồ sơ quyết toán thuế, hoàn thuế.

Ngoài ra, Vitas cũng cho rằng thông báo cơ sở gia công, gia công lại quy định theo Nghị định 18 cũng khiến DN gặp nhiều trở ngại khi thực hiện. Trong đó, hệ thống hải quan chưa hỗ trợ khai báo tự động theo mẫu 23, mẫu 24, DN phải khai báo theo Mẫu số 18a/TB-HĐGCL/GSQL bằng cách thủ công. DN phải mang bản giấy công văn thông báo việc gia công lại cho từng lần đến cơ quan hải quan, sau đó chờ lấy số, ngày công văn đến mới được tiến hành giao hàng đi gia công làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, gia công của DN.

Vì vậy Vitas kiến nghị: Sửa đổi quy định cho phép miễn thuế nhập khẩu với hàng nhập tại chỗ để sản xuất hàng xuất khẩu, tạo sự bình đẳng giữa hình thức gia công XK và sản xuất XK, khuyến khích các DN chuyển sang phương thức xuất khẩu mua đứt bán đoạn (FOB) thay vì khuyến khích gia công.

DN chỉ cần thông báo một lần duy nhất về đối tác gia công lại bao gồm nội dung sau: Mã số thuế, tên, cơ sở sản xuất của đơn vị gia công, ngày bắt đầu gia công, ngày bắt đầu giao nguyên phụ liệu đi gia công, công đoạn gia công, số lượng thành phẩm dự kiến giao gia công.

Vitas cũng kiến nghị, cơ quan hải quan cần phát triển hệ thống đáp ứng các yêu cầu của thông tư đảm bảo việc thông báo qua hệ thống tiếp nhận tự động.

Hải Nam
Bạn đang đọc bài viết Huy động số tiền lớn nộp thuế, doanh nghiệp dệt may kêu khó tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Hiệp hội dệt may kiến nghị miễn phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động
Đại diện Hiệp hội dệt may kiến nghị Bộ LĐ-TBXH miễn toàn bộ việc đóng bảo hiểm xã hội đến hết tháng 6/2020, sau đó cho hoãn đóng đến tháng 12/2020 đối với phần của người sử dụng lao động và miễn đóng phần của người lao động; Miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2020.