Khánh Hòa thu hút hơn 32.250 tỷ đồng vốn đầu tư vào 8 dự án
TCDN - UBND tỉnh Khánh Hòa vừa công bố 8 quyết định chấp thuận, điều chỉnh tổng đầu tư dự án với tổng vốn trên 32.250 tỷ đồng cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
Ngày 2/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023 diễn ra tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Theo đó, 8 dự án được UBND tỉnh trao quyết định chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư với tổng vốn hơn 32.250 tỷ đồng. Trong đó có một dự án có vốn đầu tư trên 25.000 tỷ đồng là Dự án khu du lịch Bãi cát Thấm thuộc Khu Kinh tế Vân Phong; một dự án trên 3.756 tỷ là Dự án Nhà ở Xã hội Vinhomes Happy Home.
Tại hội nghị còn có 16 dự án ký biên bản ghi nhớ với tổng vốn đăng ký trên 80.600 tỷ đồng. Ngoài ra, được thừa uỷ quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà Nguyễn Tấn Tuân với dự án Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh với tổng vốn đăng ký hơn 85.200 tỷ đồng. Dự án này có quy mô sử dụng đất hơn 1.250 ha, quy mô dân số khoảng 230.779 người, với số lượng nhà ở gồm nhà ở liền kề hơn 8.400 căn.
Theo Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà, tỉnh này vừa hoàn tất việc lập, phê duyệt Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Báo cáo của tỉnh Khánh Hòa cho thấy, đến nay, tỉnh đã thu hút được 119 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 4,39 tỷ USD, đứng thứ 23/63 địa phương. Giai đoạn từ năm 2020 đến nay có 7 dự án mới với tổng vốn đăng ký 119,85 triệu USD. Về đầu tư trong nước, tỉnh đã thu hút gần 500 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 480.000 tỷ đồng; riêng từ năm 2020 đến nay có 44 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 12.000 tỷ đồng.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Khánh Hòa nằm trong tổng thể phát triển của Việt Nam và hội tụ nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển nhanh và bền vững, là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, nhất là các ngành dịch vụ, du lịch và kinh tế biển, phát triển văn hóa.
Tuy có nhiều tiềm năng và thế mạnh nhưng Khánh Hòa chưa phát triển tương xứng. Tỉnh cần nỗ lực hơn trong khai thác, quản lý các nguồn lực gắn với nhiệm vụ bảo vệ, bảo tồn hệ sinh thái; hợp tác, liên kết với các địa phương trong vùng; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Năm 2022, kinh tế - xã hội Khánh Hòa phục hồi mạnh, đạt và vượt 20/22 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, GRDP tăng 20,7% (cao nhất cả nước), bình quân đầu người đạt 76,5 triệu đồng, tăng 22,3%; thu ngân sách đạt hơn 16.500 tỷ đồng, vượt 37,3% dự toán; tổng vốn đầu tư phát triển đạt 62.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2021. Khánh Hòa có diện tích 5.137 km2 với 9 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 2 thành phố trực thuộc tỉnh, một thị xã và 6 huyện. Dân số trên 1,2 triệu người.
Theo quyết định phê duyệt quy hoạch Khánh Hòa giai đoạn 2021-2030 của Thủ tướng, tầm nhìn năm 2050, tỉnh này sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương với định hướng phát triển trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế.
Trong tương lai, quy hoạch Khánh Hòa xác lập các tiêu chuẩn mới về sống, làm việc và du lịch, không chỉ hướng tới mục tiêu tốt nhất Việt Nam mà còn tốt nhất khu vưc. Quy hoạch cũng hướng tới phát triển bền vững, phát huy các thế mạnh độc đáo của tỉnh về núi và biển, giúp tỉnh có thể đi đầu trong tiến trình đưa Việt Nam lên các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị. Việc thực thi quy hoạch sẽ đóng vai trò quyết định trong việc thu hút đầu tư, biến tỉnh trở thành một trong những nơi tốt nhất để đầu tư trong 5 năm tới.
Để làm được điều này, Khánh Hòa cần nỗ lực lớn, như có thể trả lời nhà đầu tư trong vòng 72 tiếng, các chính sách đầu tư thân thiện, bảo đảm môi trường sống, các nền tảng y tế và giáo dục để thu hút các chuyên gia, lao động chất lượng cao…
email: [email protected], hotline: 086 508 6899