Kiểm toán Nhà nước kiến nghị thu hồi hàng trăm tỷ chi sai

29/05/2020, 08:49

TCDN - Tình trạng chi tiêu ngân sách sai chế độ vẫn còn ở một số đơn vị, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi khoản chi sai chế độ hàng trăm tỷ đồng.

Nhiều khoản chi không đúng quy định

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết nhiệm vụ chi ngân sách năm 2018 đã được thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND các cấp. Tuy nhiên, tình trạng chi tiêu sai chế độ vẫn còn ở một số đơn vị. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi khoản chi sai chế độ hàng trăm tỷ đồng.

Kho bạc Nhà nước cũng phát hiện nhiều khoản chi không đúng định mức quy định, từ chối thanh toán 96 tỉ đồng.

Triển khai nhiệm vụ chi ngân sách ở một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn chậm so với quy định, đặc biệt là mua sắm hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về đấu thầu, nên chuyển nguồn sang năm sau thực hiện tiếp theo chế độ quy định.

Tình trạng chi tiêu ngân sách sai chế độ vẫn còn ở một số đơn vị. (Ảnh minh họa)

Tình trạng chi tiêu ngân sách sai chế độ vẫn còn ở một số đơn vị. (Ảnh minh họa)

Cùng ngày, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, chỉ ra tỉ lệ thực hiện dự toán chi của một số lĩnh vực thuộc ngân sách trung ương đạt thấp. 

Chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức là 331 tỉ đồng; giao dự toán và đưa vào quyết toán chi thường xuyên một số nội dung chi đầu tư xây dựng cơ bản 1.991 tỉ đồng.

34/45 địa phương được kiểm toán đã sử dụng sai nguồn 889 tỉ đồng; 20/45 địa phương chi hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi theo phân cấp 145 tỉ đồng; 37/45 địa phương chưa hoàn trả ngân sách trung ương kinh phí bổ sung có mục tiêu và các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định 1.606 tỉ đồng.

Bộ Tài chính cũng tổng hợp đưa vào quyết toán ngân sách năm 2018 một số khoản chi từ nguồn viện trợ không hoàn lại chưa được cấp có thẩm quyền phân bổ chi tiết cho các bộ, ngành, cơ quan trung ương 5.370 tỉ đồng.

Nhiều cơ quan, địa phương sai phạm trong sử dụng ngân sách

Trình bày báo cáo tóm tắt Kiểm toán quyết toán Ngân sách nhà nước năm 2018, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết: Tổng hợp kết quả chính từ 268 báo cáo kiểm toán của 214 cuộc kiểm toán tổ chức trong năm 2019 đối với niên độ ngân sách năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 81.095 tỷ đồng, trong đó tăng thu 8.151 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 18.884 tỷ đồng; chuyển 04 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan Cảnh sát điều tra, 02 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý theo quy định pháp luật.

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 198 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí.

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, vẫn còn tình trạng một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa chi tiết danh mục ngay từ đầu năm; phân bổ thiếu căn cứ hoặc chưa sát thực tế, chưa đủ điều kiện, không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; bố trí vốn còn dàn trải và ứng trước kế hoạch vốn sai quy định.

15/45 địa phương ứng trước dự toán ngân sách Trung ương nhưng chưa bố trí để thu hồi 10.843 tỷ đồng. 34/45 địa phương được kiểm toán có số tạm ứng quá hạn chưa thu hồi đến 31/12/2018 là 7.534 tỷ đồng...

Bên cạnh đó, còn nhiều sai sót, tồn tại trong quản lý chi đầu tư từ khâu thẩm định, phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư dự án; tổ chức đấu thầu, thực hiện dự án; nghiệm thu, thanh và quyết toán... Qua kiểm toán 2.013 dự án, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 9.447 tỷ đồng. Ngoài ra, kết quả kiểm toán 11 dự án BOT và 28 dự án BT tại các địa phương cho thấy còn hạn chế trong cơ chế, chính sách và quản lý đối với các dự án này.

Nổi bật là: Cho phép lập dự án BOT trước khi Chính phủ chấp thuận chủ trương dự án; không thực hiện quy trình lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án, không tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư và hầu hết chỉ định nhà thầu thi công. Công tác thu xếp vốn tín dụng của Nhà đầu tư chưa đảm bảo quy định hợp đồng BOT hoặc chưa đảm bảo tiến độ thực hiện dự án...

Công tác sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi còn tồn tại như: Việc đàm phán, ký kết Hiệp định vay vốn gặp những ràng buộc bất lợi; đăng ký nhu cầu vốn vượt khả năng thực hiện. Nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, thậm chí không có khả năng giải ngân; điều chỉnh dự án có tiêu chí dự án quan trọng quốc gia khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo và báo cáo Quốc hội; hầu hết các bộ, ngành địa phương chậm hoặc không báo cáo tình hình tiếp nhận và sử dụng vốn ODA...

Một trong những kiến nghị của Kiểm toán nhà nước là đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, trong đó kiến nghị xử lý tài chính của Kiểm toán Nhà nước đối với niên độ ngân sách 2018 là 81.095 tỷ đồng, trong đó tăng thu ngân sách nhà nước 8.151 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 18.884 tỷ đồng và xử lý tài chính khác 54.060 tỷ đồng.

Thanh Tân (t/h)
Bạn đang đọc bài viết Kiểm toán Nhà nước kiến nghị thu hồi hàng trăm tỷ chi sai tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan