Kinh nghiệm thu hút FDI của các nước và bài học đối với Việt Nam

16/04/2024, 21:48
báo nói -

TCDN - Sự xuất hiện của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đưa lại những lợi ích to lớn đó là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư tại Việt Nam.

8-1

TÓM TẮT:

Sự xuất hiện của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đưa lại những lợi ích to lớn đó là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, đi cùng với đó là các hệ lụy không nhỏ, quá trình thu hút FDI cũng đã bộc lộ ra nhiều hạn chế, tồn tại. Một số nước trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan đã có những kinh nghiệm quý giá trong việc thu hút và sử dụng vốn FDI. Kế thừa những kinh nghiệm của các nước này trong việc hoàn thiện chính sách thu hút FDI và sử dụng FDI hiệu quả sẽ là tiền đề để Việt Nam phát triển bền vững.

1. Đặt vấn đề

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đã và đang trở thành xu thế của hầu hết các nước, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày nay. Những thành quả mà FDI mang lại cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển là to lớn, hoạt động thu hút FDI đã mang lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế đang có những chuyển biến lớn, nhu cầu thu hút vốn đầu tư ngày càng cao lại đưa đến nhiều tiêu cực. Việc học tập kinh nghiệm sử dụng vốn đầu tư và hoàn thiện chính sách thu hút FDI từ các nước khác là rất cần thiết.

2. Nội dung

2.1. Kinh nghiệm của một số quốc gia về thu hút FDI

2.1.1. Kinh nghiệm từ Trung Quốc

Trung Quốc là quốc gia khá thành công trong quá trình cải cách và mở cửa và thu hút FDI. FDI giúp Trung Quốc tăng trưởng kinh tế 0,4% GDP mỗi năm do tạo thêm vốn trong những năm 1990. Kể từ năm 1993, Trung Quốc trở thành quốc gia nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều nhất trong số các nước đang phát triển, và là nước nhận FDI hàng đầu thế giới vào năm 2002 .

Tuy nhiên, dòng vốn FDI vào Trung Quốc cũng đã bộc lộ một số hạn chế:

- Xét về kinh tế: Mặc dù FDI mang đến những thành quả to lớn trong phát triển kinh tế, FDI tại Trung Quốc vẫn còn bộc lộ sự mất cân đối về hình thức đầu tư, phân bổ đầu tư tại các vùng miền và giữa các ngành.

Hình 1: Vốn FDI vào Trung Quốc năm 2014

Hình 1: Vốn FDI vào Trung Quốc năm 2014

Hình thức đầu tư FDI chủ yếu tại Trung Quốc là liên doanh hợp đồng nước ngoài, liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Dòng vốn vào Trung Quốc mới chủ yếu tập trung chủ yếu từ các nước châu Á như Hong Kong, Singapore và Nhật Bản. Mức độ thu hút FDI có xu hướng tập trung ở khu vực phía Đông và ít hơn ở phía Tây. Theo ngành công nghiệp, đa số FDI vào Trung Quốc đầu tư vào ngành công nghiệp thứ cấp (đặc biệt là sản xuất).

- Xét về môi trường: Mặc dù FDI giúp Trung Quốc tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, song việc thu hút FDI ồ ạt đã dẫn tới một số vấn đề nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường. Theo các chỉ số phát triển thế giới (WDI), Trung Quốc đã vượt qua Mỹ và trở thành nước phát thải CO2 lớn nhất thế giới kể từ năm 2006. Vào năm 2013, lượng phát thải khí CO2 bình quân đầu người ở Trung Quốc là 6,2 tấn, vượt xa mức trung bình của thế giới là 4,9 tấn . Theo thống kê của Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc, có không tới 10% các thành phố của Trung Quốc có chất lượng không khí loại 1. Ngành công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là sản xuất là ngành tạo ra nhiều ô nhiễm môi trường nhất.

- Xét về xã hội: Sự gia tăng nhanh chóng FDI vào Trung Quốc đã có tác động tích cực trong vấn đề tạo công ăn việc làm cho người dân, tăng mức thu nhập và kỹ năng cho người lao động. Tuy nhiên, FDI phân bố không đồng đều giữa các khu vực địa lý khác nhau tác động mạnh đến bất bình đẳng ở Trung Quốc.

Trước thực trạng trên, để tiếp tục tăng cường lợi ích của dòng vốn FDI và khắc phục những tồn tại, hạn chế phát sinh từ hoạt động của các dự án FDI tại Trung Quốc, nước này đã đưa ra một số giải pháp thu hút FDI và điều chỉnh hoạt động FDI như sau:

(1) Định hướng dòng vốn đầu tư: Thông qua các biện pháp như thành lập khu kinh tế đặc biệt, khu phát triển khoa học kỹ thuật và mở cửa các thành phố ven biển, tạo điều kiện thuận lợi và tập trung thu hút FDI vào đó. Trọng điểm chiến lược phát triển kinh tế từng bước chuyển về phía Tây, chính phủ đã đề ra chính sách nâng đỡ và hỗ trợ các tỉnh miền Tây; đồng thời, tích cực hướng dẫn thương nhân nước ngoài đầu tư vào địa phương này bằng các biện pháp như: ban hành “danh mục ngành sản xuất ưu thế của miền Trung và miền Tây kêu gọi thương nhân nước ngoài đầu tư”, gia tăng một cách thích đáng nguồn vốn tín dụng trong nước, các khoản vay chính phủ nước ngoài và các khoản vay ưu đãi của các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế nhằm sử dụng chủ yếu vào xây dựng các công trình hạ tầng, công trình bảo vệ môi trường trọng điểm, các dự án thân thiện môi trường, ngành công nghiệp ít carbon. Đối với những hạng mục trong danh mục khuyến khích đầu tư nước ngoài, nếu đầu tư vào miền Trung và miền Tây Trung Quốc, sau khi hết thời hạn được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp thì tiếp tục được giảm 15% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm tiếp theo.

(2) Hoàn thiện chính sách điều chỉnh hoạt động của FDI: bên cạnh nhiều chính sách cải cách và mở cửa thị trường, xây dựng các đặc khu kinh tế, chính phủ Trung Quốc định hướng thu hút FDI theo các mục tiêu phát triển kinh tế. Các doanh nghiệp FDI trong các ngành khác nhau được đối xử với những ưu tiên khác nhau. Đặc biệt từ năm 2001 đến nay, các chính sách thu hút FDI của Trung Quốc theo hướng nâng cao chất lượng, hệ thống pháp luật khá chặt chẽ về các tiêu chuẩn môi trường, thủ tục pháp lý đối với hoạt động đầu tư nước ngoài đã phần nào giúp quốc gia này ngày càng chọn được những nguồn vốn FDI sạch đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Ví dụ: trong thời gian gần đây, do thấy được tác hại của các ngành khai thác mỏ bất hợp pháp đã hủy hoại đến môi trường nghiêm trọng, quốc gia này đã đưa ra các chính sách nhằm tăng cường giám sát, kiểm soát các ngành luyện kim và cắt giảm xuất khẩu khoáng sản.

(3) Cải thiện môi trường đầu tư: Chính phủ Trung Quốc đã có những nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây. Điển hình như việc cải thiện thủ tục đăng ký kinh doanh vốn bị xem là gây khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài và bị Ngân hàng Thế Giới xếp hạng 84/189 nền kinh tế về tính thuận lợi kinh doanh. Nhà nước đã bỏ hàng trăm loại giấy phép và thủ tục hành chính, cho phép việc thành lập doanh nghiệp nhanh chóng và dễ dàng. Nhà nước thiết lập trang web bằng tiếng Anh về kinh doanh tại Trung Quốc để các nhà đầu tư nước ngoài thuận tiện tìm hiểu thông tin. Trung Quốc tuyên bố cung cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài sự đối xử không kém thuận lợi hơn so với các nhà đầu tư trong nước nhưng chỉ sau khi dự án đầu tư được thiết lập.

2.1.2. Kinh nghiệm từ Thái Lan

Để vượt lên trở thành nhóm dẫn đầu về phát triển kinh tế trong các nước ASEAN, Chính phủ Thái Lan theo đuổi chính sách công nghiệp hóa dẫn dắt bởi khu vực tư nhân và mở cửa đối với FDI từ những năm 1950. Thu hút FDI luôn được coi là một trong những nhân tố kích thích quan trọng đối với nền kinh tế. Mặc dù dòng vốn nước ngoài suy giảm do ảnh hưởng của bất ổn chính trị, nhưng nhờ biết cách tập trung vào những lĩnh vực quan trọng như thu hút thêm các dự án chế tạo có giá trị gia tăng cao cũng như các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao và sinh thái..., đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính, Thái Lan vẫn được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn . Nhật Bản là nhà đầu tư hàng đầu tại Thái Lan với hơn 7.000 doanh nghiệp, tiếp đến là Hàn Quốc, Trung Quốc và Singapore.

Thái Lan có cơ quan chuyên trách về ưu đãi đầu tư và xúc tiến đầu tư là Ủy ban đầu tư Thái Lan (BOI) để thực hiện hóa chủ trương trên. Cơ quan này chuyên xem xét ưu đãi cho từng dự án và phân loại dự án đàu tư theo tác động của dự án đó đến nền kinh tế quốc gia chứ không riêng lẻ một vùng miền nào. Ưu đãi đầu tư của Thái Lan cho nhà đầu tư nước ngoài bao gồm các khuyến khích bằng thuế và các khuyến khích không bằng thuế như sau:

- Các khuyến khích bằng thuế: miễn, giảm thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị; giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp; khấu trừ hai lần chi phí vận chuyển, điện và nước; bổ sung 25% khấu trừ chi phí xây dựng và lắp đặt cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp; miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu và nguyên liệu thiết yếu sử dụng để sản xuất hàng xuất khẩu.

- Các khuyến khích không bằng thuế: cho phép công dân nước ngoài vào Thái Lan để nghiên cứu cơ hội đầu tư; cho phép đưa vào Thái Lan những lao động kỹ năng cao và chuyên gia để thực hiện việc xúc tiến đầu tư; cho phép sở hữu đất đai; cho phép mang lợi nhuận ra nước ngoài bằng ngoại tệ.

- Về địa bàn ưu đãi đầu tư (dựa trên chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người), Thái Lan chia thành 03 vùng để áp dụng chính sách ưu đãi khác nhau. Đồng thời, ưu đãi đầu tư trong khu công nghiệp và ngoài khu công nghiệp cũng có sự phân biệt, cụ thể là: 

Bảng: Một số ưu đãi đầu tư trong và ngoài KCN tại Thái Lan

Bảng: Một số ưu đãi đầu tư trong và ngoài KCN tại Thái Lan

- Về thủ tục đầu tư, theo BOI có khoảng trên 20 cơ quan của Chính phủ Thái Lan tham gia vào quy trình thẩm định, thành lập doanh nghiệp để thực hiện đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại Thái Lan. Quá trình thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Thái Lan trải qua 2 bước: đăng ký giấy phép kinh doanh nước ngoài và đăng ký kinh doanh thành lập doanh nghiệp.

- Về cơ chế hành chính “một cửa tại chỗ”, BOI chỉ đóng vai trò là đầu mối cung cấp các thông tin liên quan và chỉ cấp Giấy chứng nhận ưu đãi cho nhà đầu tư. Việc xin cấp các loại giấy phép khác do nhà đầu tư tự thực hiện tại các Bộ chuyên ngành. Cụ thể là: Bộ Thương mại cấp giấy đăng ký kinh doanh để thành lập doanh nghiệp; Bộ Công nghiệp cấp giấy phép kinh doanh.

Hiện nay, Thái Lan đang thực hiện 03 thay đổi trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, cụ thể là:

(1) Trước đây, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài được dựa trên chiến lược phát triển sản xuất thay thế nhập khẩu. Do đó, Thái Lan phải nhập khẩu nhiều máy móc, nguyên vật liệu, dẫn đến thâm hụt thương mại. Đến nay, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Thái Lan hướng vào phát triển sản xuất phục vụ cho xuất khẩu.

(2) Thu hẹp diện hưởng ưu đãi đầu tư từ 240 ngành, lĩnh vực như trước đây xuống còn 100 ngành, lĩnh vực. Đồng thời, ưu đãi đầu tư tập trung hơn vào 03 lĩnh vực, bao gồm: phát triển công nghệ cao; nghiên cứu và phát triển (R&D), hoạt động đào tạo công nghệ tiên tiến; phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs);

(3) Khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các vùng xa Bangkok và vùng nông thôn để thu hẹp khoảng cách phát triển. Ngoài ra, do chi phí cuộc sống tăng, thiếu nguyên liệu, Chính phủ Thái Lan cũng khuyến khích doanh nghiệp Thái Lan đầu tư ra nước ngoài, nhất là các quốc gia ASEAN.

2.2. Bài học rút ra cho Việt Nam

Giống như Thái Lan và Trung Quốc, Việt Nam đã và đang nỗ lực tạo một môi trường đầu tư hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài bằng nhiều chính sách ưu đãi khác nhau. Từ kinh nghiệm quản lý đầu tư nước ngoài tại Thái Lan, Trung Quốc chỉ ra những điểm mà Việt Nam cần nghiên cứu học tập và rút kinh nghiệm.

Cần xác định: đầu tư nước ngoài là một nguồn lực cần được huy động và sử dụng hiệu quả, do vậy chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài được xây dựng và điều chỉnh phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của quốc gia để đảm bảo nguồn lực này phục vụ tốt cho phát triển sản xuất trong nước, thông qua thực hiện các biện pháp như: kêu gọi đầu tư và chính sách ưu đãi đầu tư, có cơ chế và phương thức riêng để hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài trong thực hiện và đơn giản hóa thủ tục đầu tư.

Điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với từng giai đoạn phát triển của quốc gia: Thái Lan và Trung Quốc đều đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, thân thiện với môi trường, nâng cao chất lượng dự án đầu tư và dành các ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các loại dự án này. Theo đó, để cạnh tranh được với các quốc gia này trong thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao, thân thiện với môi trường… Việt Nam cần điều chỉnh chính sách FDI hài hòa, gắn với mục tiêu phát triển tổng thể quốc gia ở tầm chiến lược 10 năm, kế hoạch 5 năm và kế hoạch hàng năm ở mỗi thời kỳ phát triển. Điều chỉnh chỉnh chính sách là yêu cầu nội tại của quốc gia, nên cần tiến hành chủ động, tạo tín hiệu mới thu hút đầu tư có chọn lọc, không thu hút tràn lan; thiết lập mạng lưới cơ quan tại nước ngoài cung cấp thông tin ban đầu về chính sách cho nhà đầu tư.

Việt Nam cần nghiên cứu để có những thay đổi phù hợp trong chính sách ưu đãi đầu tư cho các nhóm dự án hoặc đối tượng nhà đầu tư cụ thể. Ưu đãi đầu tư tại Thái Lan, Trung Quốc tương tự như Việt Nam, bao gồm ưu đãi đầu tư theo địa bàn và lĩnh vực, định hướng vào một số ngành, vùng miền nhất định. Điểm chung trong chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc là đều hướng đến dành ưu đãi cao nhất cho dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ưu đãi đầu tư bao gồm cả ưu đãi bằng thuế và ưu đãi phi thuế. Tuy nhiên cần chú ý rằng các ưu đãi tài chính không phải là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến thu hút đầu tư vào lĩnh vực, vùng được lựa chọn ưu tiên phát triển. Nhiều yếu tố khác cũng quyết định thu hút FDI, như năng lực của cơ quan địa phương, hạ tầng, trình độ lao động, v.v. Thủ tục đầu tư có quy trình chặt chẽ: Nhà đầu tư nước ngoài triển khai dự án đầu tư tại Thái Lan, Trung Quốc đều phải thực hiện thủ tục đầu tư với quy trình chặt chẽ, có sự tham gia rà soát, thẩm định của các cơ quan quản lý nhà nước khác nhau. Trong quá trình triển khai dự án đầu tư, nhà đầu tư tại Thái Lan, Trung Quốc phải tuân thủ các tiêu chuẩn về xây dựng, bảo vệ môi trường...

3. Kết luận

Từ những bài học trên, Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thể hiện ở một số điểm cụ thể như sau: Việt Nam đang có những cải cách mạnh mẽ về môi trường kinh doanh cũng như hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới; cải cách tích cực, nhằm cải cách cơ cấu kinh tế cũng như áp dụng những biện pháp chế tài chống tham nhũng, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp theo hướng thông thoáng, minh bạch, và phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Mặc dù các thủ tục hành chính về gia nhập vào thị trường Việt Nam hiện nay đã liên tục được đơn giản hóa, các doanh nghiệp FDI vẫn bày tỏ nhiều quan ngại về các quy định hậu đăng ký, hệ thống kết cấu hạ tầng của Việt Nam vẫn còn thiếu đồng bộ, kém tính kết nối dẫn đến dòng vốn FDI chỉ tập trung ở một số vùng kinh tế trọng điểm, gây mất cân đối và cân bằng thu nhập cũng như phát triển kinh tế tại các địa phương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Võ Thị Vân Khánh, “Thái Lan: Điểm sáng thu hút vốn FDI vào khu công nghiệp”. Tạp chí tài chính kỳ I, số tháng 7/2016.

2. Đinh Khánh Lê, Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài phát triển bền vững tại Việt Nam, Luận án Tiến sĩ, Viện hàn lâm Khoa học xa hội Việt Nam

3. Sumei Tang, “FDI and its impact in China: A time series Analysis”. Griffith University, 2007

4. Nguyễn Xuân Trung, “Nâng cao chất lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam”. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 2012.

5. Ủy ban thường vụ Quốc Hội, “Thu hút FDI sạch ở Trung Quốc - Bài học đối với Việt Nam”, 2015

ThS. Nguyễn Thu Hà

Đại học Hải Phòng

Tạp chí in số tháng 4/2024
Bạn đang đọc bài viết Kinh nghiệm thu hút FDI của các nước và bài học đối với Việt Nam tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899