Kinh nghiệm trong chính sách tài chính thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số ở Việt Nam

16/11/2023, 15:44
báo nói -

TCDN - Chính sách tài chính thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số là công cụ của Chính phủ để tác động đến quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, thông qua việc đẩy mạnh chi ngân sách nhà nước, cũng như các ưu đãi về thuế và tín dụng.

ho-tro-doanh-nghiep-vua-va-nho

TÓM TẮT: 

Chính sách tài chính thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số là công cụ của Chính phủ để tác động đến quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, thông qua việc đẩy mạnh chi ngân sách nhà nước, cũng như các ưu đãi về thuế và tín dụng. Tại Việt Nam, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu và ngày càng nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thực tế cho thấy, mức độ chuyển đổi số của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đạt được như kỳ vọng theo lĩnh vực hoạt động và quy mô, khả năng tài chính. Nguyên nhân của tình trạng này là do chính sách tài chính còn chưa theo kịp với tình hình thực tiễn, cũng như chưa có cơ chế tạo động lực để các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động này. Bài viết ngoài việc khảo nghiệm kinh nghiệm quốc tế, còn đưa ra khuyến nghị để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tình hình mới.

1. Kinh nghiệm một số nước về triển khai chính sách tài chính thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số và bài học cho Việt Nam

1.1. Kinh nghiệm của một số nước về triển khai chính sách tài chính thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số

1.1.1. Chi ngân sách nhà nước

Trên thực tế, một số quốc gia trên thế giới đã thực hiện hỗ trợ CĐS trong doanh nghiệp và đạt kết quả thành công, như: Singapore, Thái Lan, Malaysia. Cụ thể, năm 2017, Singapore đã dành 4,5 tỷ USD vốn NSNN để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện CĐS đối với 23 ngành nghề, chiếm gần 80% GDP của nước này, bao gồm cả các giải pháp tài chính và phi tài chính (Nguyễn Hòa, 2021). Thông qua các chương trình CĐS, Chính phủ Singapore hỗ trợ tín dụng cho các DNNVV trong từng ngành nghề, lĩnh vực khác nhau lộ trình chuyển đổi phù hợp; đồng thời tư vấn cụ thể về hỗ trợ giải pháp công nghệ đã được kiểm chứng thực tế và các chuyên gia tư vấn hỗ trợ trong quá trình CĐS.

Chính phủ Malaysia cũng nhận thấy tầm quan trọng của việc có một môi trường chính sách mạnh mẽ để hướng dẫn CĐS cho doanh nghiệp. Đặc biệt, Chiến lược CĐS của Malaysia nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) để hỗ trợ DNNVV đổi mới. Để thực hiện Chiến lược này, Chính phủ Malaysia đã phân bổ 40 triệu Ringgit Malaysia (tương đương khoảng 9,6 triệu USD) để giúp các doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất thực phẩm tiếp cận các thị trường lớn hơn thông qua nền tảng thương mại điện tử có thể tăng thu nhập của họ.

Ngoài ra, Quỹ bổ sung 300 triệu Ringgit Malaysia (tương đương khoảng 72,2 triệu USD) để phục vụ cho quá trình số hóa và tự động hóa doanh nghiệp siêu nhỏ; cho phép các doanh nghiệp này nâng cấp, hiện đại hóa và đổi mới sản xuất thông qua mua thiết bị, máy móc và công nghệ thông tin và truyền thông cần thiết để nâng cao năng suất và hiệu quả của chúng (Central Bank of Malaysia, 2021).

Chương trình nâng cấp công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ của Philippines cho phép các DNNVV có thể tiếp cận nguồn Quỹ Hỗ trợ đổi mới (lên đến 5 triệu Peso Philippines, tương đương gần 100 nghìn USD) được giải ngân thanh toán trong 3 - 5 năm, và doanh nghiệp còn nhận được hỗ trợ mua sắm thiết bị cần thiết, cũng như đào tạo nhằm tăng khả năng cạnh tranh.

Úc đã dành 28 triệu đô la Úc trong ngân sách giai đoạn 2021- 2022 để giúp các doanh nghiệp nhỏ CĐS và tham gia tốt hơn vào nền kinh tế kỹ thuật số. Úc đầu tư thêm 2 tỷ đô la Úc thông qua các ưu đãi thuế dành cho các khoản chi tiêu cho R&D dưới hình thức bù trừ thuế có hoàn lại và không được hoàn lại (The Global Partnership for Financial Inclusion, 2021).

Trung Quốc khuyến khích chính quyền địa phương tăng cường hỗ trợ tài chính cho việc số hóa các DNNVV trên tinh thần chia sẻ giữa các bên tham gia gồm doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ và Chính phủ, mỗi bên sẽ chịu 1 phần chi phí để thực hiện CĐS doanh nghiệp. Ví dụ: Tại các tỉnh Hồ Nam, Tứ Xuyên, Thượng Hải đều hỗ trợ CĐS cho các DNNVV thông qua Quỹ đặc biệt dành cho sự phát triển của các DNNVV (Sunonlinetech, 2020).

1.1.2. Chính sách thuế, phí hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số

Đầu tư vào KH&CN, đặc biệt hoạt động R&D được cho là yếu tố then chốt, tạo nền tảng thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng kinh tế nói chung và hoạt động CĐS trong các doanh nghiệp nói riêng. Xác định được tầm quan trọng đó, Chính phủ các nước trên thế giới sử dụng các công cụ hỗ trợ tài chính khác nhau để thúc đẩy R&D. Tính đến năm 2020, 33 trong tổng số 37 quốc gia thành viên OECD và 21 trong tổng số 27 quốc gia thành viên EU và một số nền kinh tế đối tác khác (Argentina, Brazil, Trung Quốc, Liên bang Nga, Nam Phi và Thái Lan) đề nghị giảm thuế cho chi tiêu cho R&D ở cấp chính phủ trung ương hoặc cấp địa phương. Năm 2020, 32 trong tổng số 37 quốc gia OECD cung cấp ưu đãi thuế R&D ở cấp chính quyền trung ương, và con số này lên đến 27 ở khu vực EU, với việc Đức đưa ra ưu đãi thuế R&D lần đầu tiên vào năm 2020. Điều này có nghĩa là tăng hơn 50% ở OECD và tăng gần 100% ở các nước EU cung cấp ưu đãi thuế R&D cho các doanh nghiệp so với năm 2000 (Nguyễn Hữu Tuấn, 2021).

Trong khi hầu hết các quốc gia nghiên cứu, việc áp dụng biện pháp ưu đãi thuế có xu hướng gia tăng từ năm 2000 trở đi, cũng có một số quốc gia bãi bỏ các điều khoản liên quan đến chính sách thuế cho R&D như New Zealand và Mexico vào năm 2009, Phần Lan vào năm 2015 và Latvia vào năm 2018.

Các chính sách thuế đối với hoạt động R&D ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển KH&CN của các quốc gia. Nếu như tổng chi toàn xã hội cho R&D ở các nước khu vực EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ trong giai đoạn 2010-2019, trung bình đạt khoảng 2,4% GDP, thì tổng hỗ trợ của Chính phủ thông qua ưu đãi thuế tại một số quốc gia OECD, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... trung bình chiếm khoảng 0,107% GDP trong giai đoạn 2010 - 2018, và đạt 0,09% GDP trong giai đoạn 2000-2018. Một số nước trong thời gian gần đây có mức ưu đãi thuế so với GDP đạt cao là Hàn Quốc (0,13% GDP), Nhật Bản (0,11% GDP), Vương Quốc Anh (0,25% GDP), Úc (0,13% GDP) (Nguyễn Hữu Tuấn, 2021).

Các quốc gia đang sử dụng 03 công cụ chính trong ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp bao gồm: (i) Chính sách các khoản khấu trừ đặc biệt; (ii) Chính sách tín dụng thuế (tax credit); (iii) Chính sách hộp sáng chế (patent box). Hai chính sách đầu gắn liền với chi tiêu cho R&D của các công ty. Chính sách thứ ba là chính sách ưu đãi dựa trên lợi nhuận được tạo ra từ KH&CN. Chính sách khấu trừ đặc biệt đối với chi tiêu cho R&D và tín dụng thuế khuyến khích công ty chi tiêu nhiều hơn cho R&D, trong khi công cụ thứ 3 khuyến khích công ty tạo ra nhiều sáng chế có thể được cấp bằng sáng chế hơn hoặc kiếm được nhiều lợi nhuận hơn từ các bằng sáng chế. Có quốc gia sẽ sử dụng cả 03 công cụ ưu đãi thuế này như: Bỉ, Anh, nhưng có những quốc gia chỉ áp dụng từ 1-2 công cụ trong 03 công cụ trên. Có quốc gia áp dụng mức ưu đãi khá cao như Lithuania, cho phép các doanh nghiệp khấu trừ 300% chi phí R&D đủ điều kiện vào thu nhập tính thuế, hay Singapore tỷ lệ này là 400%, Thái Lan là 200%. Tuy nhiên, có những quốc gia chỉ áp dụng ưu đãi thuế trong một số trường hợp đặc thù như khoản tín dụng thuế 25% của Đứcchỉ áp dụng cho tiền lương và tiền công liên quan đến R&D. Hay tín dụng thuế 30% R&D của Mexico chỉ áp dụng cho các khoản đầu tư và chi tiêu gia tăng so với mức chi tiêu đủ điều kiện trung bình trong 3 năm trước đó. Tín dụng thuế R&D ở Hoa Kỳ cũng dựa trên mức chi tiêu cho R&D gia tăng so với giai đoạn 1984 - 1988 hoặc cao hơn mức chi tiêu cho hoạt động R&D.

1.1.3. Chính sách tín dụng

Để thực hiện các vai trò của mình, Chính quyền Đài Loan cung cấp các khoản vay để tài trợ cho vốn lưu động với quy trình đơn giản được phê duyệt nhanh chóng; Chính phủ có thể cung cấp các khoản hỗ trợ để doanh nghiệp thực hiện CĐS, sử dụng các công nghệ kỹ thuật số (Chun- Liang Chen, 2022). Nhật Bản áp dụng khoản tín dụng thuế để tạo điều kiện cho các công ty đầu tư vào công nghệ kỹ thuật số. Các công ty đủ điều kiện được yêu cầu gửi kế hoạch kinh doanh để đạt được CĐS ở cấp độ toàn công ty.

Tây Ban Nha, thực hiện các biện pháp hỗ trợ tài chính cho việc số hóa các DNNVV, thông qua sự tài trợ của một tổ chức tín dụng chính thức (Official Credit Institute - ICO) dành cho các DNNVV, để mua và cho thuê thiết bị và dịch vụ để số hóa các DNNVV và các giải pháp làm việc từ xa, huy động hơn 200 triệu Euros trong thời gian khoảng hai năm.

Đức thực hiện chương trình hỗ trợ đầu tư vào công nghệ kỹ thuật số và bí quyết của các DNNVV lên đến 500 nhân viên. Chương trình nhằm hỗ trợ các DNNVV trong việc số hóa các quy trình kinh doanh và mô hình kinh doanh của họ. Khoản tài trợ hướng đến đầu tư vào phần mềm và phần cứng; và trình độ của nhân viên trong lĩnh vực số hóa.

Trong quá trình ứng dụng, các doanh nghiệp phải xây dựng “Kế hoạch số hóa” trong đó mô tả quy mô đầu tư và so sánh mức độ số hóa dự kiến với hiện trạng. Số tiền tài trợ sẽ lên đến 50.000 Euro cho mỗi dự án/doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp phải đóng góp khoảng 30 - 60%, tùy thuộc vào các điều kiện cụ thể, phụ thuộc vào quy mô của công ty, tổng dự án và loại đầu tư. Trong trường hợp có nhiều công ty trong một chuỗi giá trị, số tiền tài trợ có thể lên đến 100.000 Euro cho mỗi dự án/công ty. Tổng ngân sách dự kiến vào khoảng 50 triệu Euro mỗi năm (OECD, 2020).

1.1.4. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Chính phủ các nước trong nghiên cứu đã áp dụng kết hợp các biện pháp can thiệp chính sách để hỗ trợ CĐS của doanh nghiệp, cũng như thúc đẩy đổi mới trong lĩnh vực kỹ thuật số trong thời gian qua. Một số bài học kinh nghiệm được rút ra cho Việt Nam, cụ thể:

Một là, phối hợp linh hoạt giữa chính sách tài chính và chính sách tiền tệ và các chính sách khác. Cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo môi trường thúc đẩy CĐS doanh nghiệp là sự kết hợp của nhiều CSTC, bao gồm cả hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho các doanh nghiệp CĐS trong nhiều ngành nghề về những nội dung hỗ trợ nhất định, như hỗ trợ lộ trình, giải pháp công nghệ (Singapore), tiếp cận thị trường lớn thông qua thương mại điện tử (Malaysia), mua máy móc thiết bị sản xuất (Malaysia, Philippines, Tây Ban Nha), đầu tư vào phần mềm và phần cứng (Đức).

Hai là, đa dạng hoá nguồn lực, phương thức để tăng khả năng hỗ trợ. Về nguồn lực hỗ trợ, có thể chia sẻ giữa các bên tham gia gồm doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ và Chính phủ, mỗi bên sẽ chịu một phần chi phí để thực hiện CĐS doanh nghiệp (Trung Quốc). Tuy nhiên, vai trò của Chính phủ trong việc hỗ trợ phát triển KH&CN nói chung, các hoạt động R&D là rất quan trọng và cần được quan tâm, đầu tư hiệu quả.

Ba là, đầu tư đẩy mạnh CĐS quốc gia. Với mục tiêu đẩy mạnh CĐS quốc gia, Chính phủ có thể tập trung tạo điều kiện phát triển các công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 như robot, AI, IoT... (Brazil, Colombia, Uruguay, Singapore). Cùng với đó, Chính phủ tập trung vào kế hoạch CĐS quốc gia thông qua chuyển đổi hệ thống dịch vụ công, các thủ tục hành chính, xây dựng cổng thông tin quốc gia (Thái Lan, Úc, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Indonesia, Ấn Độ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ).

Bốn là, có các biện pháp điều hành linh hoạt giữa các chính sách. Trên thực tế, có nhiều công cụ khác nhau để Chính phủ có thể hỗ trợ đối với hoạt động CĐS của doanh nghiệp, mỗi công cụ có ưu điểm và nhược điểm riêng. Do đó, tùy vào tình hình phát triển KH&CN, tình hình NSNN, mục tiêu phát triển KH&CN mà có thể thiết kế các chính sách ưu đãi thuế với các công cụ thuế khác nhau, điều kiện ưu đãi thuế khác nhau để đảm bảo các mục tiêu phát triển KH&CN và phát triển kinh tế.

2. Một số khuyến nghị chính sách tài chính thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số ở Việt Nam

2.1. Về chính sách chi ngân sách nhà nước

Một là, có chính sách hỗ trợ đúng và trúng đối tượng. Nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo trong hỗ trợ tín dụng cho DNNVV thực hiện CĐS, cùng với đó là huy động mọi nguồn lực xã hội để cùng đẩy mạnh công cuộc CĐS ở Việt Nam. Áp dụng chính sách theo từng nhóm đối tượng thúc đẩy đúng, trúng đối tượng mục tiêu. Muốn vậy, cần nghiên cứu chính sách thúc đẩy CĐS cho từng nhóm đối tượng doanh nghiệp khác nhau dựa trên các tiêu chí về quy mô, ngành nghề, giai đoạn phát triển... vì với mỗi tiêu chí đó, doanh nghiệp lại có những đặc điểm khác nhau về nguồn lực, về tư duy, nhu cầu, cũng như cơ hội/thách thức khi CĐS khác nhau.

Cùng với đó, đẩy mạnh CĐS các ngành mũi nhọn quốc gia như ngành nông nghiệp, tài chính, logistic, du lịch..., để tận dụng cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm định vị lại vị trí của doanh nghiệp Việt trong chuỗi liên kết giá trị mới của thế giới, thông qua lựa chọn nghiên cứu, phát triển những sản phẩm mang tính dẫn dắt trong tương lai. Với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam, khối DNNVV, doanh nghiệp siêu nhỏ phải được hỗ trợ mạnh mẽ, tạo điều kiện để thúc đẩy CĐS hiệu quả.

Hai là, NSNN tập trung hỗ trợ cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Chính sách chi NSNN nên tập trung ưu tiên đầu tư vào xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số dùng chung (với thành phần cốt lõi là hạ tầng viễn thông băng rộng, cáp quang, hạ tầng điện toán đám mây, hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung,...) để làm nền tảng, tạo điều kiện cho CĐS. Điều này chỉ có Nhà nước mới thực hiện được do mức đầu tư cao; đồng thời, tạo ra lợi ích cho tất cả cộng đồng doanh nghiệp, cũng như cho toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, cần chú ý đến sự công bằng trong tiếp cận hạ tầng số, đặc biệt là ở những khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa.

Ba là, nâng cao hiệu quả chi NSNN đối với hoạt động KH&CN. Trên cơ sở xác định đầu tư cho KH&CN chính là nâng cao năng lực KH&CN quốc gia, làm nền tảng vững chắc và động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trong hội nhập quốc tế. Nâng cao hiệu quả của chi NSNN cho KH&CN thông qua những ưu đãi cho đối tượng các doanh nghiệp mua quyền sử dụng các kết quả nghiên cứu ứng dụng sử dụng NSNN với quy trình đơn giản, nhanh gọn. Hỗ trợ liên kết giữa các tổ chức KH&CN và doanh nghiệp để thực hiện các dự án đổi mới công nghệ, ứng dụng kết quả đầu ra; kết hợp chặt chẽ nghiên cứu và phát triển trong nước với chuyển giao công nghệ từ nước ngoài.

Bốn là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Yếu tố chất lượng nguồn nhân lực cũng rất quan trọng, chính sách chi NSNN có thể hỗ trợ kinh phí xây dựng chiến lược tổngthể về đào tạo nhân lực số, ưu tiên các ngành về phân tích dữ liệu, khoa học dữ liệu, AI; hỗ trợ kinh phí để doanh nghiệp tham gia các chương trình đào tạo ở trong và ngoài nước, trong đó ưu tiên đào tạo trực tuyến về CĐS, thương mại điện tử, KH&CN... và có thể xem xét tiêu chí hoàn thành khóa đào tạo là một trong những điều kiện để được hưởng các chính sách hỗ trợ khác về CĐS. Có chính sách hỗ trợ ưu đãi để thu hút nhân lực có năng lực chuyên môn tốt từ nước ngoài về nước làm việc để bù đắp thiếu hụt nhân lực chất lượng cao. Từ đó, giúp tăng cường nguồn cung cấp nhân lực có kỹ năng về CĐS, đóng góp vào quá trình CĐS của doanh nghiệp nói riêng và vào nền kinh tế số nói chung.

2.2. Về chính sách thuế

Xây dựng các chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế, phí nhằm thúc đẩy doanh nghiệp CĐS nên đặt tiêu chí chỉ áp dụng với doanh nghiệp đang thực hiện CĐS, hoặc sử dụng các công cụ số có doanh thu từ thương mại điện tử; hoặc doanh nghiệp trong những ngành, lĩnh vực kinh tế trọng tâm... để tạo động lực CĐS cho doanh nghiệp. Tập trung xây dựng và triển khai các chính sách ưu đãi về thuế, phí khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng, cung cấp các dịch vụ số.

Nghiên cứu xây dựng chính sách ưu đãi thuế giá trị gia tăng cho các sản phẩm là kết quả hoạt động KH&CN của các doanh nghiệp, vì các sản phẩm là kết quả hoạt động KH&CN mới là đối tượng cần được ưu đãi để phát triển. Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá chính sách thuế và chính sách quản lý thuế đối với hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo như: (i) Ưu đãi thuế đối với theo thu nhập tính theo các dòng sản phẩm là kết quả của hoạt động KH&CN, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nguồn lực vào hoạt động KH&CN của chính mình để tạo ra các sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao hơn; (ii) Miễn thuế đối với sản phẩm “phần mềm”; (iii) Miễn, giảm thuế giá trị gia tăng cho sản phẩm KH&CN được ghi trên Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN (hoàn thuế 50 - 100% thuế giá trị gia tăng đã nộp trong năm theo đơn bán hàng của sản phẩm KH&CN); (iv) Điều chỉnh giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu là linh kiện, phụ tùng của máy móc, thiết bị tương đương với hàng hóa, máy móc, thiết bị nhập khẩu nguyên chiếc nhằm khuyến khích sự chủ động, sáng tạo trong chế tạo, sản xuất máy móc trong nước...

2.3. Về chính sách tín dụng Nhà nước

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ để các doanh nghiệp có khả năng mở rộng tiếp cận với tín dụng từ cả phía Nhà nước và các ngân hàng thương mại. Đặc biệt là cần có chính sách vay vốn ưu đãi để các doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV có điều kiện đổi mới công nghệ, trang bị mới, hiện đại để thực hiện tiến hành CĐS. Thông qua các chương trình hỗ trợ vay với lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp có kinh phí và cơ hội CĐS, đầu tư vào hạ tầng, trang thiết bị, máy móc, phần mềm quản trị và đầu tư vào nguồn lực về con người...

Thực hiện rà soát, đánh giá hoạt động của các quỹ (Quỹ Phát triển DNNVV, Quỹ Bảo lãnh tín dụng, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia) và các chương trình của Nhà nước về KH&CN, để nhận diện rõ các tồn tại, hạn chế để đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ từ NSNN phục vụ cho CĐS. Đẩy mạnh hoạt động bảo lãnh tín dụng đối với các DNNVV thực hiện CĐS theo hướng tăng tỷ lệ được bảo lãnh của mỗi khoản vay, giảm hoặc miễn chi phí bảo lãnh, đơn giản hóa thủ tục bảo lãnh.

2.4. Các giải pháp khác

Để huy động vốn từ các ngân hàng, cần thiết phải có sự kết nối của các Trung tâm hỗ trợ về CĐS, thông qua xây dựng các chính sách khuyến khích để thúc đẩy sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các Trung tâm hỗ trợ về CĐS, về công nghệ, kỹ thuật số và ngân hàng (hoặc các nhà đầu tư tài chính khác) nhằm cải thiện khả năng tiếp cận tài chính của các DNNVV cho quá trình CĐS. Ở chiều ngược lại, các trung tâm có thể đào tạo, hỗ trợ các ngân hàng, doanh nghiệp đánh giá rủi ro và tăng cường quá trình thẩm định dự án CĐS của doanh nghiệp.

Để khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn, cần có cơ chế ưu đãi hỗ trợ năng lực, tài chính, cung ứng công nghệ, xây dựng hệ sinh thái cho DNNVV thực hiện CĐS. Phát huy vai trò dẫn dắt thị trường của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn sự phối hợp, liên kết với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thực hiện CĐS để chia sẻ, hỗ trợ nguồn lực cho các doanh nghiệp này (hỗ trợ ứng dụng, miễn giảm giá thuê/mua phần mềm...) tiết kiệm chi phí.

Phát triển nền tảng gọi vốn cộng đồng cho DNNVV thực hiện CĐS, giúp kết nối các nhà đầu tư tiềm năng, chấp nhận rủi ro, sẵn sàng đóng góp vốn cổ phần vào doanh nghiệp, cho phép các nhà đầu tư được chia lợi nhuận của doanh nghiệp trong tương lai. Mô hình này giúp doanh nghiệp có vốn thông qua dòng tín dụng mới, với chi phí thấp hơn kênh tín dụng truyền thống.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Lương Minh Huân (2020), Chuyển đổi số: Giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19 và phát triển;

2. Nguyễn Đình Bình - Giám đốc Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (2021), Về một số hoạt động của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, trình bày tại Hội thảo Thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, định hướng của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia giai đoạn 2021-2025, ngày 7/12/2021 tại Hà Nội;

3. Nguyễn Hòa (2021), Doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ chuyển đổi số, Tạp chí Công thương điện tử, congthuong.vn;

4. Nguyễn Hữu Tuấn (2021), Chính sách tài chính phát triển KH&CN Việt Nam đến năm 2030, Đề tài nghiên cứu KH&CN cấp Bộ, Bộ Tài chính, năm 2020;

5. Nguyễn Thị Linh (2021), Quan điểm đại hội XIII của Đảng về chuyển đổi số, Tạp chí Quản lý nhà nước điện tử;

6. Nguyễn Trung Nhân và Lưu Thanh Đức Hải (2018), Đề xuất mô hình đo lường tác động của công nghệ thông tin đến các yếu tố cấu thành năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

TS. Vũ Thị Như Quỳnh

Trường Đại học Hàng hải Việt Nam

Tạp chí in tháng 11/2023
Bạn đang đọc bài viết Kinh nghiệm trong chính sách tài chính thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số ở Việt Nam tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899