Lâm Đồng: Vì sao thu hút đầu tư giảm nghiêm trọng?

29/06/2024, 08:53
báo nói -

TCDN - Du lịch phát triển đã khiến tỉnh Lâm Đồng trở thành điểm nóng về trật tự xây dựng, dẫn đến nhiều vi phạm được phanh phui, trong khi đó lãnh đạo vướng vòng lao lý… kéo theo hệ lụy là việc thu hút đầu tư của địa phương này giảm sút nghiêm trọng.

Thu hút đầu tư giảm nghiêm trọng

Ngày 27/6, Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê tình hình Kinh tế - Xã hội tỉnh Lâm Đồng 6 tháng đầu năm 2024.

Theo thông tin công bố, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đạt trên 47.300 tỷ đồng, tăng 8,16% so cùng kỳ. Trong đó, khu vực nông - lâm - thủy sản đạt hơn 10.551 tỷ đồng, tăng 8,3%; khu vực công nghiệp - xây dựng đạt trên 10.929 tỷ đồng, tăng 0,16%; khu vực dịch vụ đạt hơn 22.928 tỷ đồng, tăng 12,24% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt hơn 2.890 tỷ đồng, tăng 9,03%.

Thu hút đầu tư của tỉnh Lâm Đồng giảm sút nghiêm trọng. (ảnh internet).

Thu hút đầu tư của tỉnh Lâm Đồng giảm sút nghiêm trọng. (ảnh internet).

Điều đáng chú ý, hoạt động thu hút đầu tư của địa phương này tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Lâm Đồng chỉ thu hút được 1 dự án đầu tư tại Khu Công nghiệp Lộc Sơn, với vốn đăng ký 35 tỷ đồng.

Trả lời báo chí về nguyên nhân khó khăn trong thu hút đầu tư công, Quyền Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Công Thạnh cho rằng, là do một số nguyên nhân khách quan như: thời tiết nắng nóng, bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp... và một số nguyên nhân chủ quan như: giải ngân vốn đầu tư công chậm, các chính sách về khai khoáng bị thắt chặt... nên tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Lâm Đồng tăng trưởng chậm (tăng 2,97%) so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, để hoàn thành và vượt các chỉ tiêu đề ra trong năm 2024, tỉnh Lâm Đồng cần có những giải pháp để giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Điều này cũng đã từng được chỉ rõ trong việc đánh giá về tình hình Kinh tế - Xã hội 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh Lâm Đồng, cụ thể:

Công tác thu hút đầu tư, nhất là dự án vốn đầu tư nước ngoài FDI chưa có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều dự án chưa thu hút được nhà đầu tư do vướng mắc thủ tục lập quy hoạch phân khu, quy hoạch xây dựng.

Đồng thời, việc trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, phân định ranh giới rừng còn chậm tiến độ so với yêu cầu, ảnh hưởng đến phát triển Kinh tế - Xã hội, thu ngân sách, triển khai đầu tư công, thu hút đầu tư và gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Bệnh cạnh đó, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tuy có nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; chỉ số PCI năm 2022 tuy tăng điểm số nhưng giảm 2 bậc so với năm 2021, chỉ số SIPAS, PAPI đều giảm điểm số và thứ hạng so với năm 2021, chỉ số SIPAS giảm 9,02 điểm, giảm 18 bậc và chỉ số PAPI giảm 2,84 điểm, giảm 31 bậc.

Ngoài ra, công tác quản lý, điều hành của một số sở, ngành, địa phương có lúc, có nơi còn lúng túng, hiệu quả chưa cao, thiếu chủ động trong việc dự báo tình hình, tham mưu, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phát triển Kinh tế - Xã hội… Các địa phương chưa quyết liệt trong công tác lập các loại quy hoạch.

“Cách xử lý” vi phạm với doanh nghiệp quá khó hiểu

Thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã trở thành điểm nóng về vấn đề trật tự xây dựng, kéo theo nhiều lãnh đạo vướng vòng lao lý. Và việc để xảy ra các vi phạm về trật tự xây dựng liên quan đến đất rừng, đất rừng phòng hộ và cách xử lý vi phạm trật tự xây dựng đang khiến Lâm Đồng chịu nhiều hậu quả. Tiêu biểu như Tp.Đà Lạt phải hứng chịu cảnh lũ lụt, mưa lớn, nhiệt động tăng dẫn đến hạn hán khiến hồ chứa cạn đáy nên nhà máy nước phải kiến nghị dùng nước giếng để lọc và cung cấp phục vụ cho người dân. Đồng thời, việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng theo cách làm "không giống ai" có thể đã khiến doanh nghiệp “mệt mỏi” khi đầu tư vào địa phương này.

Công trình tòa nhà sân golf Đồi Cù do Công ty Cổ phần Hoàng Gia Đà Lạt làm chủ đầu tư dính sai phạm.

Công trình tòa nhà sân golf Đồi Cù do Công ty Cổ phần Hoàng Gia Đà Lạt làm chủ đầu tư dính sai phạm.

Đơn cử, cách xử lý vi phạm trật tư xây dựng khó hiểu của UBND tỉnh Lâm Đồng tại công trình khách sạn Merperle Dalat Hotel do Công ty Cổ phần Khải Vy làm chủ đầu tư và công trình tòa nhà sân golf Đồi Cù do Công ty Cổ phần Hoàng Gia Đà Lạt làm chủ đầu tư, cụ thể:

Đối với công trình tòa nhà sân golf Đồi Cù, vừa qua Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp đã ký văn bản số 4185/UBND-QH thu hồi Văn bản số 1341/UBND-QH ngày 24/02/2023 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc bổ sung diện tích tầng ngầm của công trình Tòa nhà câu lạc bộ Golf gửi đến Sở Xây dựng; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND Tp.Đà Lạt và Công ty Cổ phần Hoàng Gia Đà Lạt.

Theo đó, lý do thu hồi được đưa ra là do, “Một phần phạm vi công trình được thỏa thuận thuộc đất rừng phòng hộ bảo vệ môi trường (diện tích 5.639 m2) nên chưa đảm bảo tuân thủ quy định tại Nghị định số 52/2020/NĐ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ”.

Thế nhưng, một năm về trước tại Văn bản số 1341/UBND-QH ngày 24/02/2023 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc bổ sung diện tích tầng ngầm của công trình Tòa nhà câu lạc bộ Golf cũng do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp ký ban hành, đã thống nhất điều chỉnh diện tích tầng hầm công trình Tòa nhà câu lạc bộ Golf (diện tích: 2.726 m2) như đề xuất của Sở Xây dựng tại Văn bản số 252/SXD-QHKT ngày 15/02/2023 để tiếp tục triển khai thực hiện dự án với yêu cầu sau: (i) không bộ phận nào của tầng hầm được phép nổi trên mặt đất tự nhiên; (ii) có giải pháp xử lý đảm bảo yêu cầu về kiến trúc, cảnh quan chung, như: tổ chức trồng cây xanh, thảm cỏ có quy cách đủ lớn để che chắn, tạo cảnh quan; (iii) công năng sử dụng đảm bảo yêu cầu quy định tại khoản 5 Điều 2, Nghị định số 52/2020/NĐ-CP ngày 27/4/2020 (Công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động kinh doanh sân gôn là công trình, hạng mục công trình phục vụ cho việc quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng, kinh doanh sân gôn và cơ sở lưu trú, dịch vụ cho người chơi gôn).

Đồng thời, văn bản cũng nêu rõ: “Công ty cổ phần Hoàng Gia Đà Lạt có trách nhiệm đăng ký bổ sung hạng mục công trình vào nội dung đăng ký đầu tư (nếu có); tổ chức triển khai lập phương án thiết kế quy hoạch, kiến trúc theo chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc đã được UBND tỉnh thống nhất, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Thế nhưng, sau một năm UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản “mở lối thoát” cho doanh nghiệp, thì lại tiến hành thu hồi. Việc làm này sẽ ảnh hưởng không hề nhỏ đến quá trình đầu tư xây dựng và nguồn lực tài chính và nhất là tâm huyết mà chủ đầu tư dự án này. Vậy những thiệt hại về tài chính do "sơ suất" trong việc quản lý hành chính về trật tự xây dựng đối với công trình nêu trên ai sẽ chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại...

Liên quan đến sự việc nêu trên, thông tin đến báo chí Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đã cơ bản thừa nhận có sơ suất khi trước đây đã đề xuất chuyển mục đích sử dụng hơn 5.600 m2 đất rừng phòng hộ mà chưa rà soát đến quy định tại Nghị định số 52/2020-NĐ-CP.

Văn bản của UBND tỉnh Lâm Đông khiến dự luận đặt câu hỏi là đang gỡ vướng hay hợp thức hóa sai phạm cho doanh nghiệp?

Văn bản của UBND tỉnh Lâm Đông khiến dự luận đặt câu hỏi là đang gỡ vướng hay "hợp thức hóa" sai phạm cho doanh nghiệp?

Trái với cách xử lý vi phạm đối với công trình tòa nhà sân golf Đồi Cù do Công ty Cổ phần Hoàng Gia Đà Lạt làm chủ đầu tư, thì cách mà UBND tỉnh Lâm Đồng xử lý đối với công trình khách sạn Merperle Dalat Hotel do Công ty Cổ phần Khải Vy làm chủ đầu tư như đang “hợp thức hóa” sai phạm cho công trình này.

Cụ thể, sau khi phát hiện vi phạm trật tự xây dựng tại Dự án khách sạn Merperle Dalat Hotel với diện tích sai phạm lên tới hàng ngàn mét vuông và được nhiều cơ quan báo chí phản ánh.

Đến ngày, 26/6/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp đã ký văn bản số 5493/UBND-XD gửi Sở Xây dựng, UBND Tp.Đà Lạt và Công ty Cổ phần Khải Vy. Theo đó, yêu cầu Sở Xây dựng và UBND Tp.Đà Lạt kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng tại dự án khách sạn Merperle Dalat Hotel. Đồng thời, đề nghị Công ty Cổ phần Khải Vy triển khai thi công xây dựng công trình khách sạn Merperle Dalat Hotel theo đúng Giấy phép xây dựng và hồ sơ thiết kế được phê duyệt.

Tiếp đó, vào tháng 10/2023, UBND Tp.Đà Lạt đã ra Quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Khải Vy số tiền 110 triệu đồng do xây dựng sai phép, không phép tại dự án Merperle Dalat Hotel.

Thế nhưng, vào ngày 03/11/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp tiếp tục ký văn bản số 9705/UBND-TH2, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng, UBND TP.Đà Lạt và cơ quan liên quan xác định nghĩa vụ tài chính Công ty Cổ phần Khải Vy phải nộp do thay đổi thiết kế, làm tăng hệ số sử dụng đất tại dự án Merperle Dalat Hotel theo đúng quy định của pháp luật.

Việc ban hành các văn bản nêu trên của UBND tỉnh Lâm Đồng đối với việc xử lý vi phạm tại công trình dự án Merperle Dalat Hotel như đang “tạo điều kiện tối đa” cho Công ty Cổ phần Khải Vy chủ đầu tư dự án này trong việc “sửa chữa” những vi phạm nêu trên. Việc làm này của UBND tỉnh Lâm Đồng được dư luận cho rằng là đang tìm cách để hợp thức hóa cho công trình sai phạm.

PV
Bạn đang đọc bài viết Lâm Đồng: Vì sao thu hút đầu tư giảm nghiêm trọng? tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan