Lạm phát tại Lào cao nhất trong 22 năm
TCDN - Cục Thống kê Lào cho biết tỷ lệ lạm phát tính theo năm tại Lào trong tháng 7 đã tăng lên 25,6%, mức cao nhất kể từ năm 2000.
Cục Thống kê Lào thông tin vào ngày 8/8 cho biết, giá thực phẩm, chăm sóc y tế, giao thông và hàng tiêu dùng đều tăng mạnh trong những tháng gần đây. Nguyên nhân chính là do giá nhiên liệu và các mặt hàng nhập khẩu khác tăng vọt cùng với sự mất giá của đồng kip.
Bất chấp các nỗ lực của Chính phủ Lào trong việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái tiền tệ, đồng kip vẫn tiếp tục giảm giá. Đây được cho là nguyên nhân cốt lõi của vấn đề, khi hầu hết các doanh nghiệp đều định giá sản phẩm của họ dựa trên ngoại tệ, đặc biệt là đồng baht Thái Lan và USD. Bên cạnh đó, chi phí nhập khẩu cao và giá nhiên liệu cao cũng đã đẩy chi phí sản xuất lên, khiến hầu hết mọi thứ đều đắt đỏ hơn.
Theo Cục Thống kê Lào, tỷ lệ lạm phát tính theo năm của nước này đã tăng từ mức 23,6% trong tháng 6/2022, lên 25,6% vào tháng 7/2022. Đây là mức lạm phát cao nhất từng được ghi nhận tại Lào kể từ năm 2000.
Nguyên nhân là do so với cùng kỳ năm ngoái, giá gạo đã tăng hơn 20,7%, giá thịt lợn tăng 24,9%, giá gia cầm tăng 22,5%, trong khi giá trứng, pho mát và sữa đã tăng tới 35,9%.
Trong khi đó, chi phí trong lĩnh vực liên lạc và vận tải đã tăng 1,1% theo tháng và 53,2% theo năm. Cụ thể, giá nhiên liệu và phương tiện, thiết bị vận tải lần lượt tăng 106,5%, 54,3% và 63,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chi phí chăm sóc y tế và thuốc men tăng 8,7% theo tháng và 37% theo năm. Giá hàng hóa và dịch vụ so với cùng kỳ năm 2021 đã tăng 25,6%, trong đó giá hàng hóa gia dụng tăng 22,4%, giá cả khách sạn và nhà hàng tăng 19%.
Lào là một trong những nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất ở Đông Nam Á, chủ yếu do nước này nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu. Việc nhu cầu ngoại tệ ngày càng tăng, để đáp ứng nhu cầu thanh toán hàng hóa nhập khẩu và trả nợ, đang khiến đồng kip thêm mất giá.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899