Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Ba kịch bản lạm phát toàn cầu ảnh hưởng Việt Nam
TCDN - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế thế giới thời gian tới được dự báo phục hồi ngày càng chậm, khả năng xảy ra suy thoái ngắn hạn đang gia tăng. Lạm phát nhiều khả năng sẽ là vấn đề dai dẳng trong trung hạn và ảnh hưởng đến tình hình kinh tế xã hội trong nước.
Tại buổi thảo luận ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế do Thủ tướng chủ trì, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết thời gian tới, Chính phủ sẽ giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nhưng không làm suy yếu các động lực tăng trưởng.
Đồng thời, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2021-2025 khoảng 6,5 - 7%, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, duy trì tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân hằng năm khoảng 32 - 34% GDP, tỉ lệ huy động vào ngân sách nhà nước không thấp hơn 16% GDP, tỷ lệ bội chi ngân sách bình quân năm khoảng 3,7% GDP.
Riêng năm 2022, tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 7%, kiểm soát lạm phát tăng dưới 4%, tăng trưởng tín dụng khoảng 14%.
Tại buổi thảo luận, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra 3 kịch bản kinh tế toàn cầu thời gian tới.
Kịch bản 1, lạm phát toàn cầu có thể đạt đỉnh vào quý II hoặc III trước khi giảm dần và ổn định vào cuối năm sau. Giá năng lượng vẫn ở mức cao trong năm nay nhưng sẽ bắt đầu giảm từ năm sau, chuỗi cung ứng toàn cầu dần hồi phục và các điều chỉnh chính sách nhằm kiềm chế lạm phát của các quốc gia sẽ phát huy hiệu quả.
Kịch bản 2, lạm phát cũng có thể giữ đà tăng và đạt đỉnh vào đầu năm sau, tốc độ giảm chậm hơn trong năm 2024. Khi đó, giá dầu có thể đạt mức 150 USD/thùng.
Kịch bản 3, lạm phát toàn cầu giảm với tốc độ nhanh và sớm ổn định vào giữa năm 2023 trong trường hợp xung đột tại Nga - Ukraine sớm kết thúc.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lạm phát từ bên ngoài đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước, đặc biệt là nông nghiệp. Đã xuất hiện tình trạng người dân hạn chế đầu tư mở rộng sản xuất, tái đàn, tái vụ do giá phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao. Sản xuất công nghiệp cũng gặp khó khăn do giá nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển leo thang.
Trong khi đó, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng đột biến cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công. Có tình trạng nhà thầu thi công cầm chừng để chờ giá vật liệu hạ nhiệt hoặc chuyển sang tìm kiếm công việc tại các dự án FDI, gây thiếu nhân công thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia.
Giữa lúc này, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản lại ở tình trạng dễ bị tổn thương, tiềm ẩn nhiều rủi ro và có thể ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Trong khi đó, công tác quản lý còn nhiều vướng mắc, chưa có sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan.
Trước những thách thức này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh cần có thêm các giải pháp trọng tâm để hỗ trợ kịp thời, tránh suy giảm sản xuất trong nước, nhất là sản xuất nông nghiệp. Từ đây sẽ tác động tích cực đến nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế và đời sống người dân.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu ngân sách nhà nước cả năm dự báo đạt tốt, có dư địa tài khóa để có thể chủ động xây dựng, đề xuất ngay các giải pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp và người dân.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho hay, dự báo tình hình kinh tế toàn cầu thời gian tới tốc độ phục hồi ngày càng chậm lại, khả năng xảy ra suy thoái ngắn hạn đang gia tăng.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899