Lilama 3 "trốn" đóng BHXH gần 10 năm, đứng thứ 2 Hà Nội

16/12/2024, 11:00
báo nói -

TCDN - Theo báo cáo của BHXH Tp.Hà Nội, Công ty Cổ phần Lilama 3 ghi nhận có số tiền nợ gần 46,7 tỷ đồng cùng số tháng chậm đóng lên tới 117 tháng (gần 10 năm).

BHXH thành phố Hà Nội vừa công bố danh sách các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), BHTNLĐ-BNN từ 1 tháng trở lên trên địa bàn tháng 11/2024 (số liệu tính đến hết ngày 31/11/2024 theo C12-TS lấy ngày 5/12/2024).

Theo danh sách công khai của BHXH Hà Nội có sự xuất hiện của Công ty Cổ phần Lilama 3 bị nhắc tên do chậm đóng BHXH 117 tháng (gần 10 năm) với số tiền gần 46,7 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Lilama 3 chỉ đứng sau cái tên "quen thuộc" là Công ty Cổ phần anh ngữ APAX với số tiền nợ BHXH gần 62 tỷ đồng.

02-1449

Trước đó, liên quan về vấn đề nợ BHXH cho người lao động, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định xử phạt hành chính ngày 30/8/2024, Lilama 3 (trụ sở tại số 86 đường Tân Xuân, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, do ông Đinh Tiến Thành làm Tổng Giám đốc) đã có hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, y tế và lao động.

Tổng số tiền phạt cho các hành vi chậm đóng bảo hiểm của Lilama 3 là 162,5 triệu đồng.

Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên Lilama 3 bị xử phạt vì chậm đóng bảo hiểm xã hội. Trước đó, Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã từng xử phạt công ty 150 triệu đồng và yêu cầu công ty truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cùng tiền lãi phát sinh theo quy định.

Hành vi chậm đóng bảo hiểm của Lilama 3 không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của người lao động mà còn cho thấy sự thiếu trách nhiệm của công ty trong việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo hiểm và lao động. Những vi phạm tái diễn, kéo dài qua nhiều năm như vậy làm dấy lên lo ngại về tính minh bạch và cam kết của Lilama 3 đối với phúc lợi người lao động.

“Theo Bộ luật Hình sự 2015, các tội gian lận, trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT sẽ có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng. Mức phạt tăng lên 200-500 triệu đồng nếu phạm tội 2 lần trở lên; trốn đóng bảo hiểm từ 30 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 - dưới 200 người. Phạt từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng nếu trốn đóng bảo hiểm 1 tỷ đồng trở lên hoặc trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên.

Hành vi không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động sẽ bị xử phạt từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Đặc biệt, pháp nhân thương mại (doanh nghiệp) nếu trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động thì có thể bị xử phạt từ 200 triệu đồng đến 3 tỷ đồng.

Người vi phạm còn có thể bị phạt tù lên tới 10 năm tùy theo mức độ. Với quy định mới, sức răn đe đối với hành vi gian lận BHXH được tăng lên, sẽ thúc đẩy chủ doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định về nộp BHXH cho người lao động”.

Dự thảo Luật BHXH sửa đổi mới nhất, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất ngoài chế tài thu hồi và tính lãi tiền chậm đóng BHXH, khởi kiện ra toà, khởi tố hình sự (như Luật BHXH hiện hành) thì cần bổ sung thêm một số chế tài như: Cơ quan có thẩm quyền có thể tuyên bố ngừng sử dụng hóa đơn (phong tỏa hóa đơn) với đơn vị nợ BHXH từ 6 tháng trở lên (tương tự chế tài với doanh nghiệp nợ thuế); hoãn xuất cảnh với chủ doanh nghiệp nợ BHXH từ 12 tháng trở lên. 

Dinh Viet
Bạn đang đọc bài viết Lilama 3 "trốn" đóng BHXH gần 10 năm, đứng thứ 2 Hà Nội tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan