Lĩnh vực Thuế có chi phí thủ tục hành chính thấp nhất

17/03/2021, 16:06

TCDN - Theo Báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (TTHC) năm 2020 (APCI 2020), lĩnh vực Thuế có chi phí TTHC thấp nhất với 267 nghìn đồng/TTHC.

ket-qua-khao-sat-thu-tuc-hanh-chinh

Theo kết quả khảo sát APCI 2020, chi phí thành phần trung bình của các nhóm TTHC được xếp thứ tự từ thấp đến cao và không nhằm mục đích so sánh giữa các ngành, các nhóm thủ tục với nhau bởi sự khác nhau về mục tiêu quản lý và các yêu cầu kỹ thuật với từng nhóm TTHC.

Đứng đầu về chi phí tuân thủ TTHC (APCI) 2020 của nhóm TTHC là lĩnh vực môi trường với trên 63.317 nghìn đồng; thứ 2 là lĩnh vực xây dựng với 25.276 nghìn đồng; thứ 3 là lĩnh vực đầu tư với 9.146 nghìn đồng, APCI thấp nhất trong 9 nhóm TTHC được khảo sát là lĩnh vực Thuế với 267 nghìn đồng.

Lý giải của chuyên gia cho thấy, với nhóm TTHC Môi trường, năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương đã có nhiều nỗ lực để các nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc tuân thủ và thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường theo Nghị quyết 19-2018/NQ-CP. Sự thay đổi lớn nhất chính là thay đổi trong phương pháp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của các cơ quan chức năng, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, và quản lý đúng đối tượng.

Để thực hiện TTHC trong nhóm Môi trường, trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra 61,5 giờ; chi phí trực tiếp là 3,1 triệu đồng. Theo khảo sát APCI 2020, cứ 100 doanh nghiệp thì có 52 doanh nghiệp thuê dịch vụ trọn gói để thực hiện các TTHC liên quan đến môi trường, đặc biệt là cho thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Điểm APCI 2020 của các nhóm TTHC so với APCI 2019.

Điểm APCI 2020 của các nhóm TTHC so với APCI 2019.

Đối với nhóm TTHC Thuế, theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tính đến tháng 11/2019, có 99,9% doanh nghiệp kê khai thuế điện tử; 99,6% doanh nghiệp nộp thuế điện tử, 93,6% doanh nghiệp hoàn thuế điện tử trên toàn quốc. Ngành thuế đã từng bước hoàn thiện mô hình thủ tục thuế điện tử và giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình xử lý công việc của từng cơ quan hành chính, giữa cơ quan hành chính nhà nước với nhau và trong giao dịch với tổ chức, cá nhân.

Khảo sát APCI 2020 cho thấy để thực hiện các TTHC trong nhóm Thuế, trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra 3,8 giờ và 11,6 nghìn đồng chi phí trực tiếp. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trung gian trọn gói thấp, khoảng 5% với chi phí trung bình 500 nghìn đồng/TTHC.

So sánh điểm APCI 2020 với điểm APCI 2019 cho thấy chỉ có 4 trong số 9 nhóm TTHC có cải thiện.

Đứng đầu mức độ cải thiện là nhóm TTHC Thuế, với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 5,6 điểm so với năm 2019.

Mức độ cải thiện theo từng chỉ số thành phần của các nhóm TTHC.

Mức độ cải thiện theo từng chỉ số thành phần của các nhóm TTHC.

Theo báo cáo, sự cải thiện của nhóm Thuế có được là do có sự giảm lớn tất cả các chi phí thành phần là chi phí thời gian và chi phí trực tiếp. Khảo sát cho thấy thành công về cải thiện của nhóm này là nhờ vào việc áp dụng việc xử lý TTHC trên môi trường điện tử và thay đổi phương thức quản lý nhà nước từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” được liên tục được duy trì và cải thiện trong những năm gần đây.

Đứng thứ hai về mức độ cải thiện APCI là nhóm TTHC Kiểm tra chuyên ngành với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 5 điểm so với năm 2019. Sự cải thiện của nhóm Kiểm tra chuyên ngành được phản ánh cả ở thời gian và chi phí trực tiếp. Nhóm Kiểm tra chuyên ngành có thể còn tiếp tục được duy trì cải thiện nếu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý các thủ tục và kết nối với cơ quan hải quan.

Đứng thứ ba về mức độ cải thiện APCI là nhóm TTHC Môi trường, với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 0,5 điểm so với năm 2019. Tuy nhiên phân tích các chi phí thành phần cho thấy sự cải thiện của nhóm Môi trường chưa phải thực chất, dù trong hai năm gần đây, phương thức quản lý môi trường đã có những đột phá, “từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa, từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Phương thức này yêu cầu đối tượng chịu tác động (doanh nghiệp) phải đầu tư nhiều hơn để đảm bảo chất lượng công tác đánh giá tác động môi trường, nhấn mạnh trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.

Đứng thứ tư về mức độ cải thiện APCI là nhóm TTHC Điều kiện kinh doanh, với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 0,2 điểm so với năm 2019. Mặc dù thời gian qua, đã có nhiều nỗ lực để cắt giảm các điều kiện kinh doanh nhưng kết quả khảo sát doanh nghiệp cho thấy gánh nặng đối với doanh nghiệp chưa thay đổi một cách tương xứng. 

Các nhóm TTHC Khởi sự doanh nghiệp, Đầu tư, Xây dựng, Đất đai và Giao dịch thương mại qua biên giới là 5 nhóm thủ tục có điểm giảm so với APCI 2019. Mặc dù đây vẫn là những nhóm có điểm APCI tốt trong năm 2020 so với các nhóm khác nhưng lại giảm điểm so với chính nhóm đó ở năm 2019. Vấn đề này đặt ra yêu cầu công tác cải cách luôn phải được duy trì bền bỉ.

Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC (APCI) 2020 của Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ là báo cáo đánh giá chi phí thực tế mà doanh nghiệp và tổ chức phải chi trả để thực hiện TTHC trên cả nước theo quy định hiện hành.

Chỉ số APCI gồm hai chỉ số thành phần: Chi phí thời gian và Chi phí trực tiếp phản ánh các loại chi phí chủ yếu mà doanh nghiệp sẽ phải chi trả khi thực hiện TTHC.

Chỉ số APCI được công bố lần đầu tiên vào năm 2018, Báo cáo APCI 2020 là báo cáo được thực hiện lần thứ 3.

Trong năm thứ 3, Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC đã nhận được ý kiến và chia sẻ thông tin thông qua phiếu khảo sát của gần 3.000 doanh nghiệp đã thực hiện các TTHC trên cả nước trong 6 tháng cuối năm 2019 (từ tháng 07 đến tháng 12/2019) về thời gian và các chi phí cần thiết để thực hiện TTHC.

Thanh Phương
Bạn đang đọc bài viết Lĩnh vực Thuế có chi phí thủ tục hành chính thấp nhất tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Tiến tới thu thuế điện tử khu vực kinh tế ngoài quốc doanh
Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu ngành Thuế tập trung quản lý thu thuế đối với hộ kinh doanh và khu vực ngoài quốc doanh, lĩnh vực này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro thất thu thuế; tiến tới thực hiện thu thuế điện tử đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh.