Loạt xe ôtô "dính phốt" bị người dùng phàn nàn nhiều nhất

17/03/2021, 14:51

TCDN - Hàng loạt mẫu mã ôtô có thương hiệu lâu năm tại thị trường ôtô Việt Nam như Ford Ranger, Subaru Forester hay Hyundai Accent... đều gây bức xúc cho người tiêu dùng do các vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng.

Theo tài liệu của cơ quan an toàn Mỹ, kể từ năm 2015 đến cuối năm 2020, vấn đề trục trặc động cơ và cháy động cơ đã ảnh hưởng tới hơn 6 triệu xe Hyundai và Kia.

Theo tài liệu đăng tải trên trang web của Cơ quan Quản lý An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA), Hyundai cho biết đã nhận được thông báo về 15 trường hợp cháy động cơ do rò rỉ dầu phanh, còn Kia nhận dược 8. 

Tài liệu của Hyundai cho biết, công ty đã nhận được đơn thư khiếu nại đầu tiên về việc cháy động cơ trên một chiếc Santa Fe đời 2014 vào tháng 4/2018 và bắt đầu mở cuộc điều tra. Trong khi đó, Kia bắt đầu điều tra sự việc sau khi nhận được đơn thư khiếu nại về hiện tượng chảy hệ thống điều khiển ABS trên một chiếc Sorento 2015 vào tháng 2 năm ngoái.

1. Người dùng Việt chán ngán Hyundai Accent do có vấn đề ở trục lái

Vào đầu tháng 11/2020, trên một số hội nhóm sử dụng xe Hyundai, một số thành viên đã phản ánh về việc Accent phát ra tiếng kêu lọc cọc ở trục lái, gây cảm giác rất khó chịu. Thông tin này sau đó được bàn luận sôi nổi do không ít khách cũng gặp tình trạng tương tự.

Hyundai Accent do có vấn đề ở trục lái

Hyundai Accent do có vấn đề ở trục lái

Một số khách hàng chán ngán khi xe gặp hiện tượng nêu trên nhưng một số đại lý không chấp nhận bảo hành do chủ xe không bảo dưỡng định kỳ tại các trung tâm ủy quyền của Hyundai. Bức xúc trước cách giải quyết của đại lý, một số thành viên trong nhóm Hyundai Accent đã rủ nhau dán decal lên thân xe như một cách để phản đối và “tìm công bằng” cho người dùng.

Trước động thái này, trao đổi với báo chí, TC Motor – đơn vị lắp ráp phân phối ô tô Hyundai tại Việt Nam đã lên tiếng thừa nhận có hiện tượng kêu nhỏ ở hệ thống lái trên một vài xe Accent của khách hàng. Âm thanh này phát ra từ cơ cấu trục vít, bánh răng trong cụm hệ thống lái. Bên cạnh đó, TC Motor cũng đưa ra chính sách bảo hành, sửa chữa phù hợp cho các xe Accent bị lỗi.

2. Ford Ranger và Everest bị thấm, rỉ dầu

Vụ việc gây rùm beng nhất làng xe Việt trong năm 2020 liên quan đến hai dòng xe bán chạy nhất của Ford tại Việt Nam. Vào cuối tháng 2/2020 nhiều người dùng xe Ford liên tục phản ánh động cơ diesel 2.0L Bi-Turbo và Single-Turbo, trang bị trên các mẫu Ranger Raptor, Ranger và Everest do Ford Việt Nam nhập khẩu, phân phối có hiện tượng ngấm, rò rỉ dầu.

Ford Việt Nam xác định nguyên nhân cũng như đưa ra giải pháp sửa chữa hiện tượng rò rỉ dầu tại nắp che dây đai cam và tại ống két làm mát khí nạp (Ảnh: Thanh niên)

Ford Việt Nam xác định nguyên nhân cũng như đưa ra giải pháp sửa chữa hiện tượng rò rỉ dầu tại nắp che dây đai cam và tại ống két làm mát khí nạp (Ảnh: Thanh niên)

Trước phản ánh của người dùng, Ford Việt Nam cho rằng hiện tượng rò rỉ dầu trên các xe Ranger Raptor, Ranger và Everest lắp động cơ diesel 2.0 lít không gây rủi ro an toàn, bao gồm cả nguy cơ cháy cũng như không gây nguy cơ hỏng động cơ hoặc ảnh hưởng đến hoạt động của động cơ… Tuy nhiên, phản hồi từ phía Ford Việt Nam khiến không ít người dùng bức xúc.

Những người sử dụng xe Ranger Raptor, Ranger và Everest lắp động cơ diesel 2.0 lít có hiện tượng chảy dầu đã lập một hội nhóm trên mạng xã hội, để tổng hợp thông tin, ghi nhận số lượng xe bị ảnh hưởng. Sau đó tiếp tục làm việc với Ford Việt Nam, đồng thời phản ánh lên Cục Cạnh tranh bảo vệ người tiêu dùng (thuộc Bộ Công thương) để yêu cầu đòi quyền lợi

Tháng 6/2020, qua quá trình kiểm tra, đánh giá vụ việc, Ford Việt Nam xác định nguyên nhân cũng như đưa ra giải pháp sửa chữa hiện tượng rò rỉ dầu tại nắp che dây đai cam và tại ống két làm mát khí nạp đồng thời gia hạn chính sách bảo hành với các xe Ford bị ảnh hưởng. Đến giữa tháng 9/2020, Ford Việt Nam cho biết hơn 6.000 xe Ford gặp hiện tượng rò rỉ dầu tại nắp che dây đai cam và tại ống két làm mát khí nạp đã được kiểm tra, sửa chữa.

3. Khách Sài Gòn bức xúc mua Lexus RX350L gần 5 tỷ bị báo lỗi

Tháng 5/2020, một khách hàng tại Tp. HCM tố chiếc xe sang Lexus RX350L mới mua, chỉ sau 4 tháng lăn bánh đã gặp lỗi nghiêm trọng "bỏ máy”. Xe vừa không sử dụng được, khách còn bị bắt bỏ tiền sửa.

Ngay lập tức khách hàng đưa xe tới Đại lý Lexus tại Tp. HCM  để bảo hành. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, đại lý đổ lỗi này là do chất lượng xăng  kém rồi gửi cho khách một báo giá sửa chữa và bắt phải trả tiền dịch vụ.

Lexus RX350L được mang đến đại lý để kiểm tra. (Ảnh Vietnamnet)

Lexus RX350L được mang đến đại lý để kiểm tra. (Ảnh Vietnamnet)

Trong khi đó, chiếc Lexus  RX350L mặc dù trong thời hạn bảo hành nhưng phía đại lý Lexus lại đưa ra một bảng báo giá sữa chữa với nhiều hạng mục buộc khổ chủ sở hữu xe phải trả tiền. Tổng chi phí ước tính lên tới hơn 9,5 triệu đồng.

Thời điểm đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD), Bộ Công Thương cũng tiếp nhận báo cáo của Công ty ô tô Toyota Việt Nam về chương trình thu hồi sản phẩm ô tô Lexus và một số thương hiệu khác để kiểm tra và thay thế bơm nhiên liệu.

Tổng số xe thu hồi lên tới 33.276 xe, trong đó, có 29.513 xe lắp ráp trong nước (CKD) gồm các thương hiệu Camry, Corolla, Innova và 3.763 các xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) gồm các thương hiệu Lexus, Land Cruiser 200, Alphard và Fortuner.

Trong đó, riêng thương hiệu Lexus có tới 739 xe. Mẫu xe Lexus RX350L/450, mã GGL26L-ARZGB sản xuất từ 19/10/2017 đến 05/08/2019 thuộc diện thu hồi là 120 xe.

Trước đó, tháng 2, Cục Đăng kiểm Việt Nam thông báo, Toyota Việt Nam phải triệu hồi tới 282 chiếc Lexus RX350 tại Việt Nam để "cập nhật phần mềm điều khiển hộp số tích hợp bên trong ECM và thay thế hộp số nếu có hư hỏng". Các xe này đều được sản xuất từ ngày 19/10/2017 đến 26/12/2018.

Tại Việt Nam, Lexus RX350L được nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản. Xe thuộc phân khúc SUV hạng sang với giá bán 4,8 tỷ đồng và được cho là đối thủ cạnh tranh với Audi Q7, Infiniti QX60, Volvo XC90.

4. Subaru liên tục báo lỗi động cơ

Giữa tháng 7/2020, nhiều người dùng xe Subaru Forester chủ yếu các phiên bản nhập khẩu từ Thái Lan thuộc đời 2019 – 2020 đã lần lượt phản ánh hiện tượng xe “nổi cá vàng” – đèn báo lỗi động cơ liên tục bật sáng. Nhiều khách hàng dùng xe Subaru Forester gặp phải sự cố này tỏ ra hoang mang lo lắng, thậm chí một số chủ xe ở xa đại lý còn không dám sử dụng xe sau khi đèn báo lỗi động cơ bật sáng.

Subaru Forester gặp sự cố

Subaru Forester gặp sự cố "nổi cá vàng" đèn báo lỗi động cơ liên tục bật sáng

Sau khi nhận được phản ánh của khách hàng liên quan đến vụ việc này, Công ty TNHH Hình tượng Ô tô Việt Nam (Motor Image Việt Nam) - nhà nhập khẩu, phân phối xe Subaru tại Việt Nam đã báo cáo vụ việc với Tập đoàn Subaru Nhật Bản để điều tra làm rõ. Ngày 23.7, Subaru xác định nguyên nhân dẫn đến việc đèn báo lỗi động cơ trên Forester liên tục bật sáng do kim phun nhiên liệu bị nghẹt.

Nhà phân phối của hãng xe Nhật sau đó đã đưa ra một số giải pháp khắc phục, đưa ra khuyến nghị nên sử dụng dung dịch vệ sinh động mỗi khi xe chạy được 5.000 km cũng như nâng cấp gói dịch vụ bảo dưỡng.

Trúc Nhi (t/h)
Bạn đang đọc bài viết Loạt xe ôtô "dính phốt" bị người dùng phàn nàn nhiều nhất tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan