Luật Đất đai sửa đổi: Quyết chặn mua bán nhà đất "hai giá", trốn thuế
TCDN - Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chính thức được Quốc hội thông qua; trong đó, quy định mới về bảng giá đất; định giá đất;... Những điểm mới này sẽ giúp “dẹp nạn” khai giá thấp nhằm trốn thuế khi mua bán bất động sản.
Bảng giá đất cập nhật hằng năm
Theo quy định Luật Đất đai năm 2013, bảng giá đất được quy định 5 năm một lần và phải điều chỉnh, bổ sung đối với trường hợp có biến động về giá đất thị trường; tuy nhiên, trên thực tế, rất ít trường hợp thực hiện điều chỉnh bảng giá đất trong quá trình áp dụng, dẫn đến bảng giá đất không phản ánh đúng giá đất thực tế trên thị trường.
Thể chế hóa Nghị quyết số 18/NQ-TW và trên cơ sở thống nhất giữa các cơ quan, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định ban hành bảng giá đất hằng năm để bảo đảm bám sát diễn biến thực tế thị trường và mở rộng phạm vi áp dụng bảng giá đất.
Cụ thể, theo Điều 159 - Bảng giá đất được áp dụng cho các trường hợp sau: “Tính thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; Bảng giá đất lần đầu để công bố và áp dụng từ ngày 1/1/2026. Hằng năm, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình HĐND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 1/1 của năm tiếp theo”.
Quy định mới này còn góp phần giúp thị trường bất động sản minh bạch và phát triển bền vững khi nhà nước tính thuế theo bảng giá đất hàng năm sát với giá thị trường. Người chuyển nhượng bất động sản sẽ phải tăng chi phí thuế (nếu quy định về tỷ lệ nộp thuế 2% giữ nguyên), dẫn đến thu hẹp lợi nhuận trong trường hợp đầu tư (mua đi, bán lại). Điều này có thể giảm thiểu việc mua bán nhà đất ngắn hạn, khuyến khích việc đầu tư bất động sản nắm giữ dài hạn và khai thác sử dụng.
Khi luật có hiệu lực sẽ “dẹp nạn” khai giá thấp nhằm trốn thuế khi bán bất động sản. Chắc chắn quy định này sẽ giúp tăng ngân sách hàng ngàn tỷ đồng từ thuế thu nhập chuyển nhượng bất động sản.
Chốt 4 phương pháp xác định giá đất
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, định giá đất là vấn đề khó, nội dung quy định tại dự thảo Luật đã được Quốc hội, Chính phủ tiếp thu ý kiến ĐBQH, nghiêm túc nghiên cứu để thiết kế các phương pháp định giá vừa có tính kế thừa, vừa có tính cụ thể hóa thực tiễn, có đổi mới nhưng phải có tính bao quát để có thể áp dụng cho các trường hợp cụ thể, lâu dài.
Theo đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định mang tính nguyên tắc, xác định rõ về nội hàm và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp. Các cơ quan đã cân nhắc kỹ lưỡng và thống nhất cao về việc tiếp tục quy định tại dự thảo Luật về phương pháp thặng dư.
Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay nền kinh tế đang phát triển thì việc sử dụng phương pháp thặng dư trên cơ sở ước tính giá trị tương lai là cần thiết vì chưa có sẵn những thông tin dự án tương tự đã hình thành và giao dịch để áp dụng các phương pháp định giá khác. Mặt khác, về cả khoa học và thực tiễn, phương pháp thặng dư hiện vẫn đang được sử dụng trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Theo đó, sẽ có 4 phương pháp định giá đất trong Luật Đất đai (sửa đổi) gồm: Phương pháp so sánh; Phương pháp thu nhập; Phương pháp thặng dư và Phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất.
Quy định cụ thể trường hợp thu hồi đất
Về thu hồi, bồi thường hỗ trợ tái định cư, Luật Đất đai( sửa đổi) đã quy định cụ thể các trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Các dự án mà nhà nước thu hồi trong trường hợp này phải là các dự án: Xây dựng công trình công cộng; xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp và các trường hợp khác.
Trong đó, Luật mới quy định với 31 trường hợp cụ thể nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đã cơ bản bao quát. Bên cạnh đó, luật cũng đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng với nhiều điểm mới, bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật; vì lợi ích chung của cộng đồng và vì sự phát triển bền vững, văn minh và hiện đại của cộng đồng, của địa phương…
Những trường hợp giao đất không thông qua đấu giá, đấu thầu Về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, Luật Đất đai sửa đổi đã quy định cụ thể các trường hợp giao đất không thông qua đấu giá, đấu thầu và các trường hợp phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, quy định thể các trường hợp cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18 của Trung ương.
Luật mới quy định cụ thể điều kiện, thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó phân cấp toàn bộ thẩm quyền chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho HĐND cấp tỉnh.
Ngoài ra, quy định rõ hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư, đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có đất ở sang đất ở hoặc chuyển mục đích sử dụng các loại đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở thì căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để cho phép chuyển mục đích sử dụng đất mà không căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện.
Bên cạnh đó, Luật Đất đai (sửa đổi) quy định tại khoản 2, điều 30 về quyền lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất. Theo đó, tổ chức kinh tế, cá nhân, người gốc Việt định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đang được nhà nước cho thuê đất thu tiền 1 lần cho cả thời gian thuê được lựa chọn chuyển sang trả tiền hàng năm. Phần tiền thuê đất đã nộp trước đó sẽ được khấu trừ vào tiền thuê đất hằng năm theo quy định của Chính phủ...
email: [email protected], hotline: 086 508 6899