Mô hình thành công của đại học tư thục: Nhìn từ trường Nguyễn Tất Thành

17/04/2024, 10:48
báo nói -

TCDN - Năm 2023, Việt Nam có 67 trường đại học tư thục, chiếm 27,6% tổng số trường đại học cả nước. Tương tự các ngành nghề khác, đại học cũng phải chấp nhận cạnh tranh trong một nền kinh tế mở. Làm thế nào để nâng cao chất lượng, thu hút nhân tài...là bài toán mang tính quyết định với các trường ĐH tư thục.

Nền giáo dục đại học tư thục hiện tại của Việt Nam đã trải qua gần ba thập niên hình thành và phát triển với tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng về số lượng, từ con số chỉ có một cơ sở tư thục đào tạo bậc đại học được thành lập năm 1988, tăng lên 22 cơ sở vào năm 2000, 77 vào năm 2010 và 83 vào năm 2013. Tính đến năm 2023, số lượng các trường đại học tư thục (ĐHTT) đạt khoảng 67 trường, chiếm hơn 27% tổng số các trường đại học. 

Song song với sự phát triển mạnh mẽ về số lượng của các trường đại học tư thục thì vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo cũng ngày càng được ưu tiên. Theo đó, các trường đại học cần được bảo đảm 03 yếu tố căn bản là: chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý; chương trình đào tạo; cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo. Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp có dịp phỏng vấn TS.Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.

Tiến sĩ Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

Tiến sĩ Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

Xét trên toàn hệ thống, cơ sở vật chất là điểm mạnh của các trường đại học tư thục, kể cả khi so sánh với cơ sở vật chất của một số trường đại học công lập. Trường thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy ra sao để tăng sức cạnh tranh?  

Trường đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc tế, hướng tới mục tiêu đáp ứng nhu cầu giáo dục đại học đại chúng, tri thức hóa nguồn nhân lực, tạo lập một môi trường học tập tích cực và trải nghiệm thực tiễn cho mọi sinh viên. Tất cả các phòng học của sinh viên được trang bị máy lạnh và hệ thống máy chiếu cố định thuận tiện cho giảng viên và sinh viên.

Ngoài giờ học trên lớp, sinh viên có thêm không gian riêng để vui chơi, thư giãn với các khu tiện ích như thư viện, phòng tập gym, khu tự học, sân bóng,.... Khu tự học rộng rãi được thiết kế nhiều màu sắc trẻ trung. Khu phức hợp thể dục thể thao gồm phòng gym, cử tạ.

Trung tâm thư viện trường với tổng diện tích hơn 5.000m2 được đầu tư theo tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó là kí túc xá tiện nghi cho sinh viên, hướng đến mục tiêu xây dựng không gian hiện đại để làm tăng tinh thần học tập và sáng tạo cho sinh viên. Từ đó, nâng cao chất lượng dạy và học; mang lại hạnh phúc cho sinh viên, giảng viên, nhà trường, doanh nghiệp và xã hội. 

Các tiến bộ về công nghệ và tổ chức thông tin mở ra một kho kiến thức vô cùng đa dạng và phong phú cho người học và người dạy, đem đến nhiều ảnh hưởng tích cực cho sự phát triển của giáo dục. Những hoạt động cụ thể để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp giảng dạy cho Trường?

Trường đã áp dụng những đổi mới nào trong chương trình đào tạo để thu hút sinh viên? Trả lời: Giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2035, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành hướng đến phát triển theo mô hình đại học thông minh, định hướng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Văn hoá đổi mới sáng tạo bước đầu đã được Nhà trường thiết lập một cách đồng bộ, trên tất cả các lĩnh vực từ quản trị, lãnh đạo quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng đến các dịch vụ mà trường đại học cung cấp.  

Nhà trường luôn định kỳ rà soát, cập nhật và cải tiến CTĐT theo hướng hiện đại, tăng cường ứng dụng công nghệ, đa dạng hóa các phương phương pháp trong quá trình dạy và học, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của người học. Nhà trường đã đưa vào giảng dạy tại các CTĐT một số các học phần như: Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, Năng lực số và khai thác tài nguyên giáo dục mở, Kỹ năng mềm trong kỹ năng số.

Ngoài ra, nhà trường còn hướng đến việc phát triển tài nguyên giáo dục mở chia sẻ tri thức cho mọi người học. Hành trình xây dựng và phát triển nguồn tài nguyên giáo dục mở mà Nhà trường hướng đến không chỉ phục vụ GV-SV trong Trường mà còn phục vụ cho cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời trong môi trường số. Việc làm này cũng là nền tảng để Trường phát triển bền vững và tự chủ, nâng cao danh tiếng; ngày càng nhận được sự công nhận rộng rãi từ các tổ chức đánh giá, xếp hạng, kiểm định chất lượng trong nước và quốc tế; đáp ứng các mục tiêu của Bộ GD&ĐT đề ra và chủ trương thực hiện mô hình giáo dục chia sẻ của Tp.HCM.  

Cũng theo đó, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam đã phối hợp với Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển nguồn tài nguyên giáo dục mở của Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam xây dựng, công bố khung năng lực cho GV phiên bản đầu tiên vào tháng 11/2023. Trường còn chủ động tổ chức Tuần lễ tài nguyên Giáo dục mở, mở các lớp tập huấn, cuộc thi Tìm hiểu Tài nguyên giáo dục mở… Dự kiến năm 2024, Trường sẽ đưa nội dung về Tài nguyên giáo dục mở vào chương trình đào tạo dành cho SV bậc đại học. 

Nhiều trường đại học tự chủ đang thực hiện nhiều biện pháp thu hút nhân tài và lực lượng GS, PGS đầu ngành để thúc đẩy các hoạt động học thuật, nghiên cứu khoa học và gia tăng chất lượng giảng dạy. Cơ chế, chính sách của Trường đang triển khai để giữ chân đội ngũ giảng viên chất lượng cao? 

Làm thế nào thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao về làm việc là trăn trở của nhiều trường đại học. Từ việc mạnh tay “chi tiền” để thu hút người tài đến việc không ngừng cải tiến các cơ chế chính sách, tạo dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp … để nhân sự gắn bó lâu dài đã được nhiều trường đại học ưu tiên thực hiện. 

Điển hình tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành không chỉ trả lương cao, Nhà trường còn thưởng nóng cho các ứng viên có trình độ Tiến sĩ, Phó giáo sư, Giáo sư ngay khi bắt đầu làm việc tại Trường. Nhà trường thưởng nóng 100 triệu đồng, nhân sự có học hàm Phó giáo sư là 150 triệu đồng và cao nhất là mức thưởng lên đến 200 triệu đồng cho nhân sự có học hàm Giáo sư. Để nhận được chính sách hỗ trợ từ phía Nhà trường, nhân sự phải đang trong độ tuổi lao động theo quy định. Chế độ đãi ngộ của trường áp dụng cho CB, GV có văn bằng, chứng chỉ phù hợp với vị trí tuyển dụng theo kế hoạch chiến lược hàng năm của Nhà trường.

Đồng thời, nhân lực phải cam kết phục vụ tại trường tối thiểu trong thời gian 5 năm. Ngoài ra, trong quá trình Nhà trường thực hiện giải ngân, CB, GV vẫn có thể tiếp tục bổ sung văn bằng, Quyết định công nhận học hàm cao hơn và nhận mức thưởng cao hơn. 

Tuy nhiên, việc thu hút đội ngũ nhân sự chất lượng cao đã khó nhưng bài toán đặt ra còn khó hơn nhiều đó là làm sao để có thể giữ chân đội ngũ nhân sự này tham gia công tác và gắn bó lâu dài; để đội ngũ nhân sự này phát huy hết các tố chất, năng lực, đóng góp cho sự phát triển chung của Nhà trường bởi đội ngũ nhân sự trình độ cao đồng ý làm việc tại Trường không hẳn chỉ vì thu nhập mà còn nhiều yếu tố khác nữa để họ có thể phát triển về chuyên môn học thuật, trường đại học cần đảm bảo nhiều yếu tố khác như: môi trường làm việc tốt, có cơ chế, chính sách thông thoáng, đầu tư các trang bị hiện đại để nghiên cứu...  

Thời gian qua, NTT đã tiên phong trong đào tạo Ths, TS về du lịch, được xã hội ghi nhận, đánh giá tốt. Vậy nhà trường định hướng phát triển cho các ngành nghề này trong tương lai như thế nào?

2019 Trường ĐH Nguyễn Tất Thành được phép đào tạo thạc sĩ về du lịch, đến năm 2023, trường tiếp tục được đào tạo tiến sĩ về du lịch. Đây là một trong những hoạt động tiên phong của trường tại khu vực phía Nam trong đào tạo sau đại học và cung ứng nguồn chất lượng cao cho xã hội. Qua đó, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương cũng như cơ quan ban ngành và được xã hội đánh giá, ghi nhận rất tốt.

Có thể nói, hoạt động đào tạo sau đại học của trường nói chung và ngành du lịch nói riêng đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội, giải quyết khoảng trống nhân lực lớn tại khu vực phía Nam; Nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, hướng tới mục tiêu là trường uy tín, chất lượng hàng đầu tại khu vực.  

Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục tập trung thúc đẩy nguồn lực về con người với những cơ chế, chính sách để thu hút nhân tài nhằm phát triển các ngành học sau đại học của nhà trường nói chung và ngành du lịch nói riêng. Cụ thể, trường sẽ tăng cường các hoạt động nghiên cứu, xây dựng môi trường nghiên cứu, trao đổi và phối hợp với các Viện nghiên cứu trong và ngoài nước về nghiên cứu, công bố, tổ chức hoạt động học thuật. Chiến lược hướng đến đào tạo vừa mang tính hàn lâm, vừa mang tính ứng dụng để người học có thể phát huy tối đa năng lực, sau khi tốt nghiệp; có thể đảm nhận các vị trí cao cấp trong các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước.

Một trong những công tác trọng tâm mà Nhà trường đang tập trung đó chính là xây dựng đội ngũ và không ngừng hiện đại hóa cơ sở vật chất cũng như có chế độ đãi ngộ “nhân tài” phù hợp, đây được xem là vấn đề cốt lõi trong thời gian tới không chỉ ở bậc sau đại học mà đào tạo đại học cũng đang tập trung vào mục tiêu này.

Thanh Tùng - Hoài Thương
Bạn đang đọc bài viết Mô hình thành công của đại học tư thục: Nhìn từ trường Nguyễn Tất Thành tại chuyên mục DOANH NHÂN của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan