Mức độ hấp dẫn của đồng yen với nhà đầu tư đang tăng
TCDN - Sự dịu bớt tình trạng căng thẳng tài chính trên toàn cầu đã làm tăng sức hấp dẫn của đồng yen đối với các nhà đầu tư muốn hưởng chênh lệch lãi suất tiền tệ.
Tuần trước, Chỉ số Căng thẳng Tài chính toàn cầu của ngân hàng Bank of America đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm, dấu hiệu cho thấy các tài sản rủi ro trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư. Ngày 23/2, đồng yen, đồng tiền của nền kinh tế duy nhất trên thế giới áp dụng lãi suất âm, trải qua tuần giảm thứ tám so với đồng USD. Đây là chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 10/2022.
Triển vọng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) thắt chặt chính sách tiền tệ chậm hơn so với dự kiến của các nhà đầu tư đang hạn chế khả năng phục hồi của đồng yen, đặc biệt là so với đồng USD, khi lợi suất trái phiếu của Mỹ nằm ở mức cao nhất trong các thị trường thuộc 10 quốc gia giàu (G10).
Dữ liệu từ các nền kinh tế lớn đã gây ngạc nhiên trong vài tuần qua và buộc các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ và châu Âu phải thận trọng trước khi giảm lãi suất.
Nhà chiến lược tiền tệ và trái phiếu nước ngoài Makoto Noji tại SMBC Nikko Securities Inc. nhận định việc đặt cược vào các giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ liên quan tới đồng yen đang tăng lên giữa bối cảnh thị trường toàn cầu đang trong trạng thái “hưng phấn”. Ngay cả khi BoJ tăng lãi suất một chút, lãi suất thực tế vẫn sẽ ở mức âm trong thời gian dài hơn.
Lãi suất chính sách ngắn hạn của BoJ thấp hơn 2 điểm phần trăm so với tỷ lệ lạm phát cơ bản của Nhật Bản.
Sự suy yếu của đồng yen đã khiến Bộ Tài chính Nhật Bản can thiệp vào thị trường trong tháng 9/2022. Các chiến lược gia ở Tokyo kỳ vọng các nhà chức trách sẽ cảnh giác cao độ nếu đồng yen giảm xuống khoảng 152 yen/USD. Phiên 26/2, đồng tiền này giao dịch vào khoảng 150 yen/USD.
Các nhà đầu tư đang đặt cược vào sự giảm hơn nữa của đồng nội tệ Nhật Bản. Chiến lược gia tiền tệ Carol Kong tại Commonwealth Bank of Australia, dự báo đồng USD có khả năng tăng cao hơn nữa trong thời gian tới khi nền kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899