Ngân sách nhà nước bội thu 95 nghìn tỷ đồng

06/03/2022, 10:02

TCDN - Bộ Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước 2 tháng ước đạt 323,8 nghìn tỷ đồng, tổng chi ngân sách nhà nước đạt 228,2 nghìn tỷ đồng. Ngân sách bội thu 95 nghìn tỷ đồng trong 2 tháng.

Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước 2 tháng ước đạt 323,8 nghìn tỷ đồng, bằng 22,9% dự toán, tăng 10,8% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó: thu nội địa đạt 23% dự toán, tăng 7,6% so cùng kỳ năm 2021; thu từ dầu thô đạt 28,6% dự toán, tăng 57,2%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 22,6% dự toán, tăng 29,4%.

Có 8/12 khoản thu đảm bảo tiến độ dự toán (đạt trên 17%), trong đó các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh mặc dù đạt khá so dự toán, nhưng thấp hơn so cùng kỳ năm 2021: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 20,4% dự toán, giảm 0,2%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 22,7% dự toán, giảm 12,8%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 25,8% dự toán, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2021...

Ngân sách nhà nước bội thu 95 nghìn tỷ đồng.

Ngân sách nhà nước bội thu 95 nghìn tỷ đồng.

Có 60/63 địa phương thực hiện thu nội địa 2 tháng đầu năm đảm bảo tiến độ dự toán, trong đó 44 địa phương thu đạt trên 20% dự toán; 35/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, 28 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.

Trong điều kiện tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, áp lực giá cả tăng cao, đặc biệt là giá nhiên liệu; kết hợp với việc triển khai các giải pháp miễn, giảm, gia hạn thuế để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội và Nghị định 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ dự kiến sẽ ảnh hưởng lớn đến số thu ngân sách trong những tháng tới.

Tổng chi ngân sách nhà nước 2 tháng đạt 228,2 nghìn tỷ đồng, bằng 12,8% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 8,61% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chi trả nợ lãi đạt 19,6% dự toán; chi thường xuyên đạt 14,7% dự toán.

Ngân sách trung ương đã chi từ dự phòng năm 2022 bổ sung cho các địa phương 767 tỷ đồng kinh phí phòng, chống dịch Covid-19, kinh phí hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 và hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định. Bên cạnh đó, đã thực hiện xuất cấp 21,48 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm.

Riêng tiến độ giải ngân vốn 2 tháng đầu năm mặc dù tăng 89,9% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng chỉ đạt 8,5% dự toán Quốc hội quyết định, do trong 2 tháng đầu năm các bộ, ngành, địa phương chủ yếu tập trung triển khai phân bổ kế hoạch vốn được giao, kết hợp với thời gian nghỉ tết Nguyên đán dài, ảnh hưởng đến công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư.

Do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, nên về tổng thể cân đối ngân sách nhà nước 2 tháng có thặng dư (thu lớn hơn chi). Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công. Lũy kế 2 tháng đã thực hiện phát hành trái phiếu Chính phủ được 32,46 nghìn tỷ đồng.

Phát biểu tại Hội nghị giao ban trực tuyến đánh giá nhiệm vụ công tác tài chính - ngân sách tháng 2/2022, triển khai nhiệm vụ tài chính ngân sách tháng 3/2022 mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá các đơn vị thuộc Bộ đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Chính phủ, các cấp có thẩm quyền ghi nhận. Những vấn đề Chính phủ giao cho Bộ Tài chính như: hoàn thiện chính sách pháp luật, chuẩn bị nguồn lực... đều đã được hoàn thành, đáp ứng tiến độ với sự nỗ lực lớn, tính chuyên nghiệp rất cao, rất đáng ghi nhận. ­­

Trước tình hình thế giới đang rất căng thẳng, đặc biệt là sau khi chiến sự xảy ra tại Ukraine liên quan các vấn đề kinh tế của thế giới, đặc biệt là vấn đề về dầu lửa, hàng hóa, Bộ trưởng nhận định, điều này đã có những tác động đến lạm phát trong nước…

Về nhiệm vụ trong các tháng tiếp theo, Bộ Tài chính phải tham mưu cho Chính phủ các giải pháp để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, không được để lạm phát vượt mốc, giữ được bội chi ngân sách, nợ công, cũng như giữ được các cân đối lớn, đặc biệt là thu - chi ngân sách.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính tiếp tục tham mưu cho Chính phủ các giải pháp để giữ vững kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, có giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công đúng mục tiêu. Đồng thời, nguồn lực từ chương trình phục hồi kinh tế là rất lớn, với gần 350 nghìn tỷ đồng, trong đó có nguồn lực lớn từ ngân sách, do đó cũng cần được giám sát chặt chẽ.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Ngân sách nhà nước bội thu 95 nghìn tỷ đồng tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan