Nghệ An: Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt khoảng 6%
TCDN - Trong tình hình diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2021 của Nghệ An vẫn đạt khá với khoảng 6,03%.
Từ đầu năm 2021 đến nay, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Đặc biệt là trong quý III/2021, nhiều thời điểm phải thực hiện việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 và Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh. Trong đó, có nhiều địa bàn phải áp dụng giãn cách xã hội cao hơn Chỉ thị số 16 với yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt hơn để phòng, chống dịch bệnh.
Tuy vậy, toàn tỉnh đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch; cả hệ thống chính trị đã nỗ lực vào cuộc, huy động mọi lực lượng, nguồn lực với quyết tâm cao nhất để tập trung cho công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.
Kinh tế xã hội tỉnh Nghệ An vẫn duy trì được sự phát triển và đạt được nhiều kết quả khá. Cụ thể, Tăng trưởng kinh tế Nghệ An trong 9 tháng theo dự kiến ước của Tổng Cục Thống kê đạt khoảng 6,03%. Thu ngân sách nhà nước cũng là điểm sáng của Nghệ An khi đạt được 13.219 tỷ đồng, đạt 94,2% dự toán.
Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 19.520 tỷ đồng, đạt 75,9% dự toán. Tính đến ngày 20/9/2021, nguồn vốn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý đã giải ngân 1.643,094 tỷ đồng, đạt 52,38% KH giao chi tiết.
Riêng công tác thu hút đầu tư đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến ngày 20/9/2021, Nghệ An đã cấp mới cho 77 dự án, điều chỉnh 102 lượt dự án; tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 21.950,01 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm 2020, số lượng dự án tăng 30,5%, tổng mức đầu tư tăng gấp 4,97 lần. Trong 9 tháng năm 2021, đã thành lập mới 1.321 doanh nghiệp, bằng 99,16% so với cùng kỳ.
Năm 2021, Nghệ An đã triển khai 12 nhóm chính sách hỗ trợ cho người lao động, người dân và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tính đến ngày 20/9/2021, Nghệ An đã được phê duyệt hỗ trợ cho 8.102 lượt đối tượng với tổng kinh phí 11,833 tỷ đồng.
Với tinh thần phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn, tại phiên họp thường kỳ tháng 9 trực tuyến với các địa phương diễn ra sáng nay (24/9), Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu các địa phương, các ngành tập trung quan tâm thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm.
Trước tiên đó là ưu tiên thực hiện công tác phòng chống dịch. Các địa phương, các ngành cần bám sát các kết luận của Trung ương và của tỉnh để tiến hành các biện pháp phòng chống dịch một cách thực chất, hiệu quả nhằm bảo vệ, giữ vững thành quả trong thời gian qua; tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội. Tuyệt đối không được thỏa mãn, chủ quan, lơ là, phải bám sát cơ sở, từng địa bàn để có giải pháp phù hợp để quản lý chặt chẽ địa bàn, nắm rõ di biến động dân cư, các hoạt động chợ dân sinh, trường học, bệnh viện, các cơ sở sản xuất tập trung; tổ chức tốt, sớm công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo kế hoạch được phân bổ, quán triệt quan điểm “vắc xin được tiêm sớm nhất là vắc xin tốt nhất”, không được có tư tưởng chờ, lựa chọn vắc xin…
Song song với công tác phòng chống dịch, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu các ngành, địa phương cần tập trung triển khai mạnh mẽ, ưu tiên các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ trong sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, phát triển kinh tế để phấn đấu mức cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu năm 2021 đã đề ra. Từng địa phương cần chủ động thực hiện các biện pháp sản xuất kinh doanh phù hợp trong trạng thái bình thường mới, xử lý tình huống hợp lý, đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch nhưng không được tạo ra ách tắc, vướng mắc.
Các ngành, các địa phương rà soát các chỉ tiêu, mục tiêu; đánh giá những tác động của dịch COVID-19 ảnh hưởng đến kịch bản tăng trưởng đến sự phát triển của từng ngành, lĩnh vực, đời sống của người dân để có giải pháp phù hợp…
email: [email protected], hotline: 086 508 6899