Người dân cần lưu ý gì khi mua bảo hiểm?
TCDN - Từ vụ diễn viên Ngọc Lan tố bảo hiểm kinh doanh mập mờ, gây thiệt hại cho khách hàng, có thể thấy không chỉ riêng diễn viên này mà rất nhiều người cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Vậy, khi tham gia bảo hiểm chúng ta cần tìm hiểu những nội dung nào?
Mới đây diễn viên Ngọc Lan đã phát trực tuyến (livestream) trên Facebook, vừa khóc vừa uất ức, khẳng định đã bị tư vấn mập mờ về sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, khiến cô lầm tưởng rằng nộp vào 7 tỷ đồng sau 10 năm sẽ nhận được 10 tỷ đồng.
Tuy nhiên, gần đây cô mới biết hợp đồng của mình có thời hạn lên đến 74 năm và của con trai là 42 năm. Bên cạnh đó, do hợp đồng còn bao gồm nhiều khoản bảo hiểm khác đi kèm, nên số tiền mà cô có thể nhận về sẽ ít hơn rất nhiều so với dự kiến.
Cụ thể, nữ diễn viên đã mua 2 gói BH của Công ty TNHH BHNT Aviva VN cho bản thân và con trai với tổng cộng số tiền cần đóng là 700 triệu đồng/năm nhưng đến nay phát hiện nhiều thông tin không đúng với những gì được tư vấn.
Được biết, nhân viên tư vấn (NVTV) nói cô tham gia hợp đồng (HĐ) 10 năm, hết thời hạn sẽ lấy lại đủ 7 tỷ đồng cộng thêm tiền lời sẽ được xấp xỉ 10 tỷ đồng. Ngọc Lan đã tham gia BH được 3 năm qua với tổng số tiền 2,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới đây cô hoàn toàn bất ngờ khi biết tin Công ty Aviva VN đã không còn nữa sau khi được bán cho một đơn vị thuộc Tập đoàn tài chính Manulife rồi đổi tên thành Công ty TNHH BHNT MVI (MVI Life). Hoảng hốt, cô đến công ty làm việc thì mới biết trong HĐ BH của 2 mẹ con được chia ra rất nhiều phần, gồm sản phẩm chính và sản phẩm phụ. Sản phẩm phụ là các sản phẩm về BH sức khỏe nên sau 10 năm số tiền cô nhận lại được sẽ không phải lên gần 10 tỷ đồng như được tư vấn ban đầu.
Đặc biệt, Ngọc Lan còn phát hiện thời hạn HĐ BH ghi con số 74 năm, không phải 10 năm như tư vấn ban đầu. Khi cô thắc mắc, phía nhân viên BH không giải thích được. "HĐ họ cài cắm chia ra sản phẩm chính và sản phẩm phụ. Phần sản phẩm phụ là BH sức khỏe thì không được lấy lại số tiền này. Aviva đã bán cho MVI thuộc Tập đoàn BH Manulife và tôi không hề nhận được một thông báo nào. Tôi cũng không biết 10 năm nữa tôi có lấy được tiền không hay là đến 74 năm? Khi mua BH lúc 34 tuổi, mình có điên không mà mua BH phải đóng 74 năm? Con số 74 năm của tôi và 42 năm của con trai khi tôi hỏi thì phía công ty BH ậm ờ không biết trả lời nên tôi cũng chưa hiểu rõ vì không rành thuật ngữ bên BH", Ngọc Lan chia sẻ.
Thế nào là hợp đồng bảo hiểm?
Dân trí đưa tin, trước khi mua sản phẩm bảo hiểm, người tham gia bảo hiểm cần hiểu được 2 khái niệm liên quan tới thời gian đóng bảo hiểm nhân thọ.
Trước hết, thời hạn của một hợp đồng bảo hiểm là khoảng thời gian mà hợp đồng có hiệu lực và quyền lợi của người tham gia vẫn được duy trì. Thời hạn bảo hiểm thường duy trì trong khoảng từ 10 đến 25 năm, tới tuổi tối đa tại ngày đáo hạn là 75 tuổi, 99 tuổi hoặc trọn đời .
Trong khi đó, thời hạn đóng phí là khoảng thời gian mà người tham gia thực hiện đóng phí để hoàn thành nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm cho một hợp đồng. Tùy thuộc vào mỗi sản phẩm, nhu cầu cũng như khả năng kinh tế, khách hàng lựa chọn thời hạn đóng phí bảo hiểm linh hoạt như đóng phí một lần, đóng phí ngắn hơn thời hạn bảo hiểm hoặc đóng phí bằng thời hạn bảo hiểm.
Hợp đồng bảo hiểm đều có giá trị hoàn lại không, với giá trị bao nhiêu?
Giá trị hoàn lại (giá trị giải ước) là số tiền bên mua bảo hiểm sẽ nhận được khi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn hoặc trước khi sự kiện được bảo hiểm xảy ra.
Tuy nhiên, cần lưu ý điều này chỉ áp dụng cho những sản phẩm bảo hiểm nhân thọ có giá trị hoàn lại và không phải tất cả sản phẩm đều có khoản đó.
Giá trị hoàn lại chỉ được chi trả vào cuối năm thứ 2 của hợp đồng, với điều kiện người tham gia đóng phí đầy đủ và hợp đồng bảo hiểm còn duy trì hiệu lực. Các hợp đồng có thời gian đóng phí dưới 2 năm sẽ không có giá trị hoàn lại (điều này áp dụng cho hầu hết sản phẩm bảo hiểm nhân thọ).
Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là cam kết dài hạn, với thời gian bảo vệ người tham gia 5 năm, 10 năm, 15 năm hoặc trọn đời. Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định kể từ năm thứ 10 trở đi, giá trị hoàn lại mới tương đương với số phí người tham gia đã đóng. Nếu hủy hợp đồng trước thời điểm này, khách hàng có thể không nhận được giá trị hoàn lại như kỳ vọng.
Mốc thời gian cần lưu ý trên hợp đồng bảo hiểm
Có 2 mốc thời gian để khách hàng lưu ý trước khi đặt bút ký hợp đồng bảo hiểm:
- Mốc 1: 21 ngày cân nhắc quyền dùng thử cho khách hàng mới. Thời gian cân nhắc của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là 21 ngày kể từ ngày khách hàng nhận bộ hợp đồng. Đây được xem là quyền lợi dùng thử bảo hiểm.
Trong thời gian này, khách hàng có quyền cân nhắc, thay đổi, điều chỉnh một số thông tin, thậm chí từ chối tiếp tục tham gia. Nếu khách hàng đổi ý không tiếp tục tham gia, công ty bảo hiểm sẽ hoàn lại tổng phí đã đóng, không có lãi, sau khi trừ đi một số chi phí xét nghiệm, y khoa (nếu có). Sang ngày thứ 22, yêu cầu hủy hợp đồng và nhận lại phí bảo hiểm sẽ không thực hiện được.
Vì vậy, người mua nên tận dụng khoảng thời gian cân nhắc để xem lại các thông tin đã cung cấp cho đơn vị bảo hiểm; tìm đọc quy tắc, điều khoản cũng như các tài liệu khác trong bộ hợp đồng.
- Mốc 2: Khách hàng chỉ nhận được quyền lợi sau thời gian chờ. Khách hàng cần lưu ý rằng không phải mọi quyền lợi bảo hiểm đều có hiệu lực ngay tại thời điểm hợp đồng phát hành.
Thời gian chờ là khoảng thời gian tính từ lúc hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực cho đến khi người mua được quyền nhận quyền lợi nếu phát sinh sự kiện bảo hiểm. Nếu sự kiện bảo hiểm xảy ra trong thời gian chờ, quyền lợi bảo hiểm sẽ không được chi trả.
Không phải mọi sản phẩm bảo hiểm đều quy định thời gian chờ, chúng xuất hiện chủ yếu ở các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, thai sản.
Thông thường, thời gian chờ của các quyền lợi này được quy định: nằm viện là 30 ngày, bệnh hiểm nghèo là 90 ngày, thai sản là 270 ngày... Riêng với bảo hiểm tai nạn, thời gian chờ không áp dụng.
Tỉnh táo để tránh bị cài cắm, dẫn dụ
Trao đổi với Kinh tế và Đô thị, Luật sư Hà Huy Phong - Công ty Luật Inteco cho rằng, bảo hiểm là một lĩnh vực kinh doanh đặc thù, vừa đòi hỏi sự tính toán theo cơ chế thị trường (tự do ý chí và thoả thuận), nhưng cũng vừa đòi hỏi sự can thiệp của cơ quan quản lý Nhà nước trong vấn để bảo vệ người tiêu dùng. Hợp đồng bảo hiểm thuộc diện hợp đồng mẫu mà công ty bảo hiểm phải đăng ký trước khi lưu hành.
Ông Phong cũng cho hay, dù đã được đăng kí, nhưng bản thân hợp đồng vẫn luôn bị cài cắm để dẫn dụ và ngăn chặn khả năng khách hàng thực hiện các quyền của mình, hoặc làm cho khách hàng bị mất khả năng bảo vệ trước các rủi ro do chính Công ty bảo hiểm (bao gồm cả đại lí và nhân viên công ty bảo hiểm) gây ra.
Không phải người mua bảo hiểm nào cũng đủ khả năng tự bảo vệ mình trước ma trận các thông tin tiếp thị và bán hàng của đơn vị kinh doanh bảo hiển. Đặc biệt, thực tiễn ở Việt Nam, dịch vụ bảo hiểm còn bị biến dạng khá nhiều thông qua các đại lí kinh doanh bảo hiểm và nhân viên tư vấn, môi giới bảo hiểm.
Một yêu cầu của pháp luật, là công ty bảo hiểm phải chịu trách nhiệm về việc các đại lý và nhân viên của mình thực hiện trong quá trình tư vấn, giới thiệu, ký kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm với khách hàng. Do đó, khách hàng nên giành thời gian đọc kĩ hợp đồng bảo hiểm, làm việc trực tiếp với đại lý bảo hiểm có thẩm quyền, không nên thông qua các đại lí cá nhân, cá nhân tư vấn và môi giới"- ông Phong nhấn mạnh.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899