Người mua hàng đừng bỏ qua quyền được lấy hóa đơn
TCDN - Tình trạng kinh doanh không xuất hóa đơn giá trị gia tăng (hóa đơn đỏ) để trốn thuế VAT vẫn còn diễn ra phổ biến, khiến tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh trên thị trường giảm, người tiêu dùng chịu thiệt, nhà nước thất thu thuế lớn. Chính vì vậy, người mua hàng đừng bỏ qua quyền được lấy hóa đơn.
Người mua hàng đừng bỏ qua quyền được lấy hóa đơn
Hóa đơn đỏ không chỉ là văn bản thể hiện giá trị của sản phẩm hoặc dịch vụ (gọi chung là hàng hóa), mà còn là một bằng chứng ghi nhận doanh số giao dịch của doanh nghiệp và làm chứng minh việc người tiêu dùng đã mua hàng hóa từ người bán. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải lúc nào người bán đều cung cấp hóa đơn cho người tiêu dùng. Đồng thời, một số người tiêu dùng thường không thường xuyên yêu cầu hoặc thậm chí không lưu trữ hóa đơn khi nhận được.
Tình trạng này đặt ra nhiều vấn đề cho người tiêu dùng, đặc biệt là khi cần áp dụng bảo hành, khiếu nại hoặc giải quyết tranh chấp.
Đơn cử, mới đây tòa soạn Tài chính Doanh nghiệp nhận được thông tin phản ánh của ông Lý Trần Dũng (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) về việc mua phụ tùng xe Harley trị giá hơn 1,2 tỷ đồng nhưng chưa lấy được hóa đơn đỏ khiến ông "đau đầu" vì không biết hàng hóa mình sử dụng có phải hàng nhập lậu, trốn thuế hay không? Và khi xảy ra vấn đề khiếu nại với bên bán, ông đang vướng phải nhiều vấn đề rắc rối.

Ông Lý Trần Dũng đang trình bày vụ việc với phóng viên.
Theo đó, tháng 11/2022 đến tháng 5/2023, do có nhu cầu độ xe mô tô, ông Lý Trần Dũng có thỏa thuận và chuyển tiền cho anh Phan Thanh Long (phường Xuân Đỉnh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đặt mua linh kiện để lắp đặt cho 4 mô tô Harley của mình. Sau khi thỏa thuận mua bán và nhận được tiền thanh toán, anh Long đã đặt mua linh kiện ôtô trên trang web thương mại điện tử “HNCmua.com.vn” thuộc Công ty cổ phần hợp nhất Quốc Tế (Nguyễn Chánh, Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) và thanh toán tiền qua 2 số tài khoản của công ty thuộc ngân hàng Techcombank và ngân hàng Vietcombank. Khi nhận được linh kiện, anh Long chuyển đến của hàng hãng xe Harley Davision địa chỉ 40 Ngô Gia Tự, phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội để lắp đặt vào 4 xe mô tô của ông Dũng.
Đến cuối tháng 5/2023 thì xảy ra tranh chấp giữa ông Dũng và anh Long về số tiền thanh toán và linh kiện. Ông Dũng cho rằng linh kiện anh Long bán còn thiếu giá trị là 202.941.000 đồng so với thỏa thuận, anh Long cho rằng đã đặt chuyển đủ linh kiện lắp đặt, hai bên không thống nhất giải quyết. Do đó, ông Dũng tố giác anh Long có hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên, trốn thuế và buôn lậu đối với số linh kiện mô tô đã bán cho ông Dũng.
Phía ông Dũng cho rằng, ông là người mua hàng, ông có quyền và nghĩa vụ yêu cầu bên bán hàng xuất hóa đơn giá trị gia tăng. “Hàng hóa tôi mua là 1,2 tỷ phụ tùng xe Harley Davision hoàn toàn không được phía bán cung cấp tờ khai nhập khẩu, hóa đơn đỏ. Như vậy, đồ tôi đang dùng có thể là đồ trốn thuế, bất kể lúc nào tôi cũng có thể bị các cơ quan chức năng bắt tháo ra, thu hồi và thậm chí bị xử phạt. Tôi là 1 công dân, nếu sử dụng hàng hóa trốn thuế thì chẳng phải tôi cũng đang tiếp tay cho hành vi trốn thuế?” Phía anh Long báo bận, chưa phản hồi về thông tin ông Dũng nêu.
Trước đó, tại quyết định số 3086/QĐ-CQĐT, Cơ quan CSĐT – CAQ Long Biên có nêu rõ: “Trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ, tài liệu liên quan đến giải quyết khiếu nại và kết quả xác minh, cơ quan CSĐT – CAQ Long Biên không khởi tố vụ án hình sự. Đối với việc nhập khẩu, mua bán các mặt hàng linh kiện xe ô tô Harley nêu trên, cơ quan CSĐT – CAQ Long Biên đã gửi công văn đề nghị Chi Cục Thuế quận Cầu Giấy, TP Hà Nội tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động kê khai thuế của Công ty Cổ phần hợp nhất Quốc tế, nếu phát hiện sai phạm có dấu hiệu của tội phạm thì đề nghị Chi cục Thuế quận Cầu Giấy chuyển đến cơ quan CSĐT có thẩm quyền để xử lý theo quy định và thông báo kết quả thanh tra, kiểm tra cho Cơ quan CSĐT – Công an quận Long Biên. Đến nay, Cơ quan CSĐT – Công an quận Long Biên chưa nhận được kết quả trả lời của Chi cục thuế quận Cầu Giấy.”
“Bây giờ tất cả chỗ tài sản của tôi đều nằm trong kho phủ bụi, không dám sử dụng và càng để lâu càng hư hỏng. Vì vậy, tôi rất mong muốn bên bán hàng bàn giao cho tôi tờ khai nhập khẩu, hóa đơn giá trị gia tăng để tôi đường đường chính chính đưa tài sản của tôi vào sử dụng” – ông Dũng chia sẻ.
Hành vi trốn thuế như thế nào sẽ bị phạt hành chính, mức xử phạt là bao nhiêu?
Điều 143 Luật Quản lý thuế 2019, hành vi trốn thuế là không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán. Theo đó, trong trường hợp bên bán không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa hoặc dịch vụ theo quy định dù bên mua đã yêu cầu nhiều lần thì hành vi của bên bán hàng được xem là hành vi trốn thuế.

Trong quá trình mua sắm, bán hàng và trải nghiệm những dịch vụ thương mại, hóa đơn là một yếu tố không thể thiếu.
Theo Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt hành vi trốn thuế:
- Phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên...
- Phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.
- Phạt tiền 2 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này mà có một tình tiết tăng nặng.
- Phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có hai tình tiết tăng nặng.
- Phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có từ ba tình tiết tăng nặng trở lên.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước đối với các hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều này... Buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ trên hồ sơ thuế (nếu có) đối với hành vi quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều này...
Hành vi không xuất hóa đơn cho bên mua hàng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Hành vi không xuất hóa đơn bán hàng có thể được xem là hành vi trốn thuế. Căn cứ Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi điểm a, điểm b khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) có quy định về tội trốn thuế như sau:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
c) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: Có tổ chức; Số tiền trốn thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội 02 lần trở lên; Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này trốn thuế với số tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195 và 196 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d và đ khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Như vậy, tùy theo số tiền trốn thuế mà có bị xử lý hình sự ngay hay không, có những trường hợp số tiền trốn thuế chưa đến mức bị xử lý hình sự nhưng thuộc trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế như quy định trên thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899